Xây dựng mỗi xã một sản phẩm ở Na Hang: Phát huy thế mạnh của địa phương
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện Na Hang chỉ đạo các địa phương lựa chọn những cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển, nhằm giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Huyện đã triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của huyện như chè Shan tuyết Hồng Thái, Sinh Long; rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, đậu xanh Yên Hoa, lợn đen Thanh Tương, gà sạch Năng Khả… Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lựa chọn được cây trồng, vật nuôi chủ lực để vận động nhân dân tập trung phát triển thành sản phẩm hàng hóa.
Với hơn 8.000 ha mặt nước hồ sinh thái, huyện có tiềm năng lớn phát triển nghề thủy sản. Ngoài các hộ gia đình đánh bắt thủy sản theo phương thức truyền thống, huyện đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi cá lồng phát triển kinh tế. Hiện toàn huyện có hơn 100 hộ nuôi thủy sản trên vùng hồ sinh thái. Trung bình mỗi năm, hồ sinh thái Na Hang cho thu hoạch hơn 600 tấn thủy sản. Trong đó có nhiều loại cá cho giá trị kinh tế cao như cá lăng giá 100.000 đồng/kg, cá bỗng 230.000 đồng/kg, cá lóc 80.000 đồng/kg... Đây cũng là những sản phẩm được thị trường đánh giá cao về chất lượng thịt.
Anh Vy Ngọc Anh, tổ 4, thị trấn Na Hang cho biết, tận dụng điều kiện thuận lợi của lòng hồ sinh thái Na Hang, năm 2015 anh đầu tư chăn nuôi cá lồng. Sau 3 năm nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi cá đem lại, đầu năm 2019 anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Na Hang để đầu tư thêm lồng nuôi cá, đến nay gia đình anh có 30 lồng nuôi nhiều loại cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng, cá lăng chấm… Ngoài ra anh còn nuôi nhiều loại cá khác để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm anh bán ra thị trường trên 50 tấn cá các loại, trừ chi phí thu về cho gia đình trên 300 triệu đồng/năm.
Xã Hồng Thái lựa chọn cây chè Shan tuyết để tập trung phát triển kinh tế, đến nay thương hiệu chè Shan tuyết Hồng Thái không chỉ trong nước biết đến mà còn vươn ra thế giới. Hiện Hồng Thái có 90,4 ha chè, trong đó có 60,4 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Phúc Vân Tiên và chè Kim Tuyên. Trên địa bàn xã đang có 2 cơ sở sản xuất và chế biến chè gồm HTX Sơn Trà và Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Anh Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phòng đã triển khai đến từng xã lựa chọn sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để tập trung phát triển. Huyện tiếp tục kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản nhằm giúp bà con yên tâm lao động sản xuất.