Xây dựng hành lang pháp lý hồi hương cổ vật

Với giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và chính trị của ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo', các bộ, ngành đang nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm phương án đưa cổ vật này về nước. Tuy nhiên, còn rất nhiều cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài, đòi hỏi cơ chế, chính sách để có cơ hội hồi hương.

Nỗ lực đưa "Hoàng đế chi bảo" về nước

Trước sự quan tâm của dư luận về thông tin đấu giá “Hoàng đế chi bảo”, ngày 1.11, đại diện Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã đạt được những thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng này.

Các bộ, ngành đang khẩn trương tìm cách đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước. Ảnh: nld.com

Các bộ, ngành đang khẩn trương tìm cách đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước. Ảnh: nld.com

Cụ thể, sau nỗ lực đàm phán, 7 giờ 30 ngày 31.10 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và Hãng đấu giá Millon (trụ sở chính tại Paris, Pháp) đã thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Tiếp đó, đến 10 giờ 10 ngày 31.10, Hãng Millon có thông báo chính thức đưa “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31.10. “Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101 - chiếc Kim Ấn của vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng, chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này tới buổi trưa ngày thứ Năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022”, thông tin trên trang web của Millon.

Thông tin đấu giá ấn vàng này được website của Millon đăng tải ngày 19.10. Qua tư liệu thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, Cục Di sản văn hóa cho biết: có thể khẳng định chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841). Ấn vàng này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Khẳng định giá trị to lớn của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần có sự tham gia của các bộ, ban ngành, tổ chức, cá nhân để có biện pháp đưa cổ vật này về Việt Nam.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đang khẩn trương tìm kiếm phương án thông qua ngoại giao văn hóa, huy động mọi nguồn lực để đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về nước trong thời gian sớm nhất.

Nhiều thủ tục hành chính và sự quản lý chồng chéo

Ngoài ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, theo các chuyên gia, nhiều cổ vật quý của Việt Nam, trong đó có các di sản văn hóa của vương triều Nguyễn (1802 - 1945) đã bị tản mát khắp thế giới, được biết chính thức trong sưu tập lớn của các tổ chức chính phủ, tư nhân ở trong và ngoài nước, hoặc “bặt vô âm tín”. Bởi vậy, đã đến lúc cần nhìn nhận lại công tác quản lý hiện vật cả trong và ngoài nước để có chính sách tổng thể nhằm hồi hương các di vật, cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, “việc hồi hương các cổ vật quý từ nước ngoài không thể chỉ là trách nhiệm của một hay một số địa phương, tổ chức, cá nhân, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm Nhà nước, các tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, doanh nhân… Và trước hết, chúng ta phải xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt và phù hợp”.

TS. Phan Thanh Hải cho biết, hiện chưa có điều luật hay văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật hồi hương phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa… Do đó, cần khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa hay các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước; nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo hướng cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các cơ chế, chính sách về đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua cổ vật Việt Nam đang thất lạc ở nước ngoài. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia mua, đấu giá cổ vật nước ngoài về trao tặng lại đất nước thì ưu tiên hỗ trợ thuế phù hợp với nguồn kinh phí đã bỏ ra, có chính sách ưu đãi phù hợp với các quy định của pháp luật để các nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ vật...

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước kết nối sưu tầm cổ vật Việt Nam ở nước ngoài. Để triển khai công việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, thành lập Tổ công tác gồm nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật, các chuyên gia bảo tàng để tiến hành rà soát những nơi còn lưu giữ cổ vật Việt Nam, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và có hướng sưu tầm, hồi hương theo từng giai đoạn” - TS. Phan Thanh Hải góp ý.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/xay-dung-hanh-lang-phap-ly-hoi-huong-co-vat-i305756/