Xây dựng chiến dịch quảng cáo có độ lan tỏa cao cho start-up

Chiến dịch quảng cáo mỳ thanh long Caty 'gây bão' trên mạng xã hội thời gian qua, nhưng với start-up, đây không phải là công thức nên học theo.

“Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mì tôm” - câu hát trở thành “hot trend” trên các trang mạng xã hội trong hơn 1 tuần qua - xuất phát từ video quảng cáo sản phẩm mỳ tôm thanh long Caty của Công ty TNHH Caty Food. Dù nội dung vô cùng đơn giản, thậm chí bị nhiều người đánh giá là khá lỗi thời và nhạt nhòa, nhưng đoạn quảng cáo mỳ thanh long nhanh chóng được đem ra bàn luận và “chế” thành nhiều meme (hình ảnh, video kèm tiêu đề, hoặc âm thanh mang tính giải trí, hài hước và lan truyền nhanh chóng trên Internet), tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho sản phẩm.

Chính lãnh đạo Caty Food cũng bày tỏ sự bất ngờ với hiệu ứng viral (lan truyền trên các nền tảng trực tuyến) do đoạn video ngắn này mang lại, vì chi phí sản xuất MV khá thấp, chủ yếu do đội ngũ nhân sự của Công ty tự thực hiện từ khâu xây dựng kịch bản đến nội dung bài hát; doanh nghiệp chỉ tốn chi phí thuê đơn vị quay, dựng. Đặc biệt, nhờ hiệu ứng viral, sản phẩm mỳ thanh long được đón nhận nhiệt tình, doanh nghiệp đang chạy hết công suất để đáp ứng lượng đơn hàng bùng nổ.

Từ góc nhìn chuyên gia trong ngành quảng cáo, ông Phạm Ngọc Linh, nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Quảng cáo ngoài trời tích hợp Unique đánh giá, video mỳ tôm thanh long Caty tạo hiệu ứng viral vì độ “dị” của mẫu quảng cáo này, đi ngược với những dòng sản phẩm mỳ tôm khác hiện nay. Chất lượng âm thanh và hình ảnh gây ám ảnh theo phong cách hoài cổ kiểu nhạc xưa, đi kèm với hình ảnh mascot Thanh Long nhún nhảy vui nhộn. Hơn nữa, ngay cả sản phẩm cũng gây tò mò, vì mang một loại hoa quả như thanh long gắn với mỳ tôm, trong khi các sản phẩm khác đa phần làm từ tinh bột.

“Yếu tộ dị và lạ mang đến sự thích thú cho nhóm khách hàng Gen Z. Vậy nên, mỳ thanh long mới viral khắp nơi”, ông Linh phân tích.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, start-up không nên học theo “công thức” của mỳ thanh long Caty để áp dụng trong các chiến dịch quảng cáo của mình. Ví dụ, start-up học theo Caty Food, làm một video âm nhạc theo phong cách cải lương hoặc tuồng để quảng cáo cho sản phẩm của mình, thì có thể vẫn mang lại hiệu ứng viral. Nhưng khi đó, start-up chỉ là người đi theo “trend” và hệ quả tất yếu là sẽ sớm nở, tối tàn, không thể duy trì hiệu ứng tốt như đơn vị đầu tiên.

Ngoài ra, ông Linh cho rằng, nếu start-up hoặc doanh nghiệp nào cũng muốn làm theo phong cách của Caty Food để sản xuất MV, có thể dẫn đến hệ lụy “kéo tụt” ngành quảng cáo và sáng tạo về thập niên 90 của thế kỷ trước.

“Muốn tạo ra các chiến dịch quảng cáo có độ lan tỏa cao, bạn phải có những lối đi riêng, mới lạ và khác biệt. Càng độc đáo, sáng tạo và gần với người dùng, thì sẽ càng có nhiều cơ hội để được viral. Còn việc làm theo ‘trend’ thì sẽ luôn là người thứ 2 và sớm nở, tối tàn thôi. Chỉ có dựa vào thực lực, tập trung đầu tư vào sáng tạo, doanh nghiệp mới có thể cho ra mắt những chiến dịch quảng cáo với độ lan tỏa cao”, vị chuyên gia khẳng định.

Đức Thọ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xay-dung-chien-dich-quang-cao-co-do-lan-toa-cao-cho-start-up-d204531.html