Xã hội hóa y tế cần thận trọng, đúng bản chất

Tham gia ý kiến đối với dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị bỏ cụm từ 'xã hội hóa y tế' ra khỏi dự án luật này. Lý do là không thể kết hợp giữa công và tư như hiện nay, 'không để tư nhân chung tiền mua máy móc đặt trong bệnh viện công rồi chia lợi nhuận'.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên, bởi lĩnh vực y tế thì không thể lẫn lộn, theo kiểu "nửa nạc, nửa mỡ", nhập nhằng kết hợp giữa công lập và tư nhân để tạo thành "xã hội hóa" như vậy được. Mặt khác, do đặc thù so với những lĩnh vực khác nên lĩnh vực y tế rất đặc biệt. Cùng với giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, trụ cột của bất cứ xã hội nào, nhất là các thể chế coi trọng, đặt mục tiêu tối thượng là vì sự phát triển toàn diện con người như nước ta.

Xã hội hóa lĩnh vực y tế cần có lộ trình phù hợp

Xã hội hóa lĩnh vực y tế cần có lộ trình phù hợp

Vì thế xã hội hóa lĩnh vực y tế phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, có lộ trình phù hợp, thậm chí chưa nên xã hội hóa y tế trong giai đoạn hiện nay. Bởi, việc xã hội hóa y tế trong thời điểm hiện nay sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và tồn tại, bất cập. Trước hết, hiện các quy định về hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế chưa chặt chẽ, còn nhiều kẻ hở, nhất là việc xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp y tế làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu còn chậm, thiếu chặt chẽ dễ dẫn đến sai sót, vi phạm.

Hơn nữa, khu vực y tế công hiện đang hướng đến thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến nguồn thu ngày càng giảm. Do đó, càng tự chủ, càng xã hội hóa thì càng khó khăn, nguồn thu ngày càng hạn hẹp, teo tóp dần. Nhiều cơ sở y tế công lập không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến rất nhiều nhân viên y tế bỏ việc. Trong khi đó, khu vực y tế tư nhân do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên đã có nguồn thu khá dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, tài chính trong giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực y tế hoàn toàn khác nhau nên việc kết hợp theo kiểu "xã hội hóa" là chưa phù hợp, rất khó thực hiện trong thực tế dẫn đến vướng mắc, bất cập, sai phạm. Đây là là nguyên nhân nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực y tế dính vào vòng lao lý thời gian qua.

Vì vậy, trước hết Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân theo hướng công bằng, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ như nhau thì mức thụ hưởng phải ngang nhau. Tiếp đó, cần tạo điều kiện cho các bệnh viện công đang từng bước tự chủ được vay vốn ưu đãi để đầu tư mua sắm trang thiết bị, bổ sung nguồn để tăng lương cho y, bác sĩ để họ yên tâm công tác, cống hiến cho ngành. Tuyệt đối không nên áp dụng mô hình xã hội hóa theo kiểu "góp vốn ăn chia" trong lĩnh vực y tế, vì như vậy là bất hợp lý dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Phạm Chung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/xa-hoi-hoa-y-te-can-than-trong-dung-ban-chat-i300197/