World Cup 2022: Cuộc cách mạng về tiêu chuẩn công nghệ mới

World Cup 2022 tại Qatar được thiết lập để trở thành một sự kiện bóng đá mang tính cách mạng về nhiều mặt. Ngoài việc đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở một quốc gia Arab và lần đầu tiên diễn ra vào mùa Đông, giải đấu này cũng được thiết lập những tiêu chuẩn công nghệ mới.

1. Công nghệ việt vị bán tự động (SAOT)

Một trong những công nghệ mới nhất được sử dụng ở FIFA World Cup 2022 là việt vị bán tự động (SAOT). Công nghệ mang tính cách mạng này sẽ hỗ trợ trọng tài đưa ra các quyết định việt vị nhanh chóng, chính xác.

Sẽ có 12 camera theo dõi được đặt xung quanh sân vận động bên cạnh một cảm biến được đặt bên trong quả bóng Al Rihla. Các camera sẽ theo dõi mọi hoạt động của 22 cầu thủ trên sân, phân tích được chính xác 29 điểm trên người mỗi cầu thủ. Công nghệ việt vị bán tự động sẽ cảnh báo cho trọng tài hỗ trợ video (VAR), mỗi khi một cầu thủ rơi vào thế việt vị nhận bóng.

Khác biệt chủ yếu so với phương pháp VAR là SAOT cho ra kết quả rất nhanh. Theo FIFA, nếu như thời gian trung bình để xử lý một tình huống việt vị theo phương pháp VAR là 70 giây thì bây giờ chỉ còn 25 giây khi có thêm sự trợ giúp của SAOT.

2. Bonocle: Công nghệ hỗ trợ cho người khiếm thị

Tại World Cup 2022, ngay cả những người hâm mộ bóng đá khiếm thị cũng sẽ được thưởng thức các trận đấu nhờ sản phẩm mang tính cách mạng mang tên Bonocle.

Bonocle là sản phẩm trí tuệ của 2 sinh viên kỹ thuật, những người đã tình cờ phát triển nền tảng giải trí chữ nổi. Sản phẩm này là một thiết bị cầm tay nhỏ, được thiết kế với một "ô chữ nổi", có 3 nút với các tiện ích giúp người khiếm thị đọc, viết, đếm, đo, thậm chí là chơi trò chơi. Bonocle sẽ cho phép cộng đồng người khiếm thị từ khắp nơi trên thế giới trải nghiệm vẻ đẹp của World Cup 2022, theo những cách mà trước đây không có. Sản phẩm này còn giúp cải thiện khả năng di chuyển của họ xung quanh Doha, tự do hơn để tương tác và điều hướng.

3. Quả bóng World Cup

Trái bóng Al Rihla tại sân vận động Panasonic ở Osaka, Nhật Bản ngày 13/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trái bóng Al Rihla tại sân vận động Panasonic ở Osaka, Nhật Bản ngày 13/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Một sản phẩm sáng tạo khác được thiết lập để xuất hiện trong World Cup 2022 là Al Rihla, quả bóng thi đấu chính thức của giải đấu. Al Rihla được đánh giá là trái bóng bay nhanh hơn các trái bóng World Cup khác. Sở dĩ Al Rihla có được điều này nhờ có 2 yếu tố công nghệ gồm CTR-Core và Speedshell. Trong đó, CTR-Core là phần lõi được đặt bên trong Al Rihla nhằm điều chỉnh để cải thiện độ chính xác và tính nhất quán của đường bay, hỗ trợ tốc độ nhanh hơn và chính xác hơn.

Còn Speedshell là lớp da polyurethane (PU) có tính năng kết nối vi mô, vĩ mô tạo nên hình dạng bảng điều khiển 20 mảnh mới giúp tăng cường tính khí động học để cải thiện độ chính xác, sự ổn định của đường bay và khả năng chuyển hướng linh hoạt. Bên cạnh đó, Al Rihla sẽ còn được trang bị cảm biến đơn vị đo lường quán tính (IMU) bên trong quả bóng. Cảm biến này gửi dữ liệu mỗi giây đến phòng điều hành cho phép xác định vị trí trái bóng. Các dữ liệu vị trí sẽ được dựng thành một hình ảnh 3D chi tiết vị trí các bộ phận cơ thể cầu thủ nhận bóng. Công nghệ này sẽ giúp cho việc xác định tình huống việt vị nhanh chóng và chính xác hơn.

4. Công nghệ làm mát sân vận động tiên tiến

Do thời tiết ở Qatar trong thời gian diễn ra World Cup 2022 có thể rất nóng nên điều quan trọng là phải giữ cho bầu không khí bên trong ở nhiệt độ tối ưu. Công nghệ làm mát sân vận động vì thế ra đời.

7/8 sân vận động World Cup 2022 ở Qatar sẽ có công nghệ làm mát tiên tiến. Sân vận động duy nhất không sử dụng công nghệ mới này là Sân 974, nhờ vị trí gần bờ biển nên sẽ được thông gió tự nhiên.

Gần mỗi sân vận động sẽ có một trung tâm năng lượng sử dụng năng lượng Mặt Trời. Không khí bên ngoài được làm mát và sau đó được phân phối qua các vỉ trên khán đài và các vòi phun lớn bên cạnh sân. Điểm đặc biệt của công nghệ này là chỉ làm mát ở những khu vực mọi người thật sự cần, cụ thể dưới mặt sân và trên khán đài, bền vững hơn 40% so với các kỹ thuật hiện có. Sân vận động chỉ cần được làm mát hai giờ trước khi sự kiện diễn ra, giúp giảm tiêu thụ năng lượng so với các phương pháp khác.

5. Sân vận động lắp ráp từ container

Một trong những sân vận động World Cup 2022 mới được xây dựng có thể không tồn tại sau khi giải bóng đá kết thúc. Đó là Sân 974, được hoàn thành vào ngày 30 tháng 11 năm 2021.

974 là mã vùng quốc tế của Doha và còn là số container được sử dụng để xây dựng nên công trình quy mô lớn này. Đây cũng là sân bóng đầu tiên trong lịch sử World Cup được làm từ container và có thể dễ dàng tháo lắp, di chuyển tới nơi khác sau khi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này kết thúc. Được biết, Sân 974 sẽ là địa điểm diễn ra 7 trận đấu trong khuôn khổ vòng chung kết World Cup 2022, trong đó trận mở màn diễn ra vào ngày 22/11 tới giữa Mexico và Ba Lan.

Khánh Đan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/bong-da/world-cup-2022-cuoc-cach-mang-ve-tieu-chuan-cong-nghe-moi-20221117180057254.htm