Vượt khó trước thềm SEA Games 33
HNN - Thuận lợi, thách thức đan xen cũng chính là cơ hội để thể thao Huế tạo nên sức bật trong kỷ nguyên mới. Để hiện thực hóa điều này cần phải nỗ lực gấp bội, mà trước mắt là tại SEA Games 33 - năm 2025.

Lê Văn Tình - gương mặt được đánh giá cao tại tuyển Karatedo Quốc gia
Điểm nhấn phong trào
Hiện trên địa bàn thành phố có gần 700 cơ sở tập luyện, câu lạc bộ (CLB) thể thao đang phát triển theo hướng kết hợp giữa thể thao hiện đại với thể thao dân tộc. Gần 680 CLB thể dục thể thao (TDTT) được hình thành trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… và hầu hết đã có cơ sở tập luyện cho ít nhất từ 1-2 bộ môn.
Thêm vào đó, theo ông Bùi Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, việc các quận, huyện, thị xã đã mạnh dạn đầu tư, tu sửa các công trình TDTT, các sân tập phục vụ cho thể thao phong trào, các thiết chế thể thao cộng đồng và đưa vào hoạt động tại các khu vui chơi, công viên… đã tạo một bước tiến mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh của phong trào TDTT trên địa bàn thành phố.
Ngoài những bước tiến của thể thao phong trào, khoảng 5 năm trở lại, các hoạt động thể thao quần chúng theo hướng xã hội hóa phát triển mạnh, nhất là công tác tổ chức các giải có quy mô lớn đang rất thành công, tạo hiệu ứng tích cực không chỉ với người dân Huế mà với cả bạn bè trong nước, quốc tế.
Minh chứng cho nhận định này là những hình ảnh sôi động từ “Huế Sport Festival 2024”, Giải Golf Faldo Series châu Á, Giải chạy VnExpress Marathon Hue, Giải chạy vì động vật hoang dã, Hue Jogging, các giải bóng đá “phủi”, Giải khiêu vũ, dân vũ tranh cup Cố đô Huế… thu hút hàng chục ngàn lượt VĐV tham dự.

Mỹ Hạnh - Mỹ Trang đăng quang ở môn vật tại SEA Games 32 - 2023
Vượt khó
Năm 2024, thể thao thành tích cao Huế giành 582 huy chương các loại; trong đó có 14 HCV, 11 HCB và 10 HCĐ quốc tế. Đây là cơ sở, là động lực để hướng đến một kỳ SEA Games thành công vào cuối năm nay.
SEA Games 33 diễn ra từ ngày 9 - 20/12/2025 tại Thái Lan. Xét trên nhiều yếu tố, dự kiến vật và Karatedo sẽ là 2 môn của thể thao Huế “sáng cửa” nhất trong việc đóng góp huy chương vào thành công chung của Thể thao Việt Nam tại đấu trường này.
Tính từ SEA Games 30 - 2019, thời điểm vật Huế có được tấm HCV đầu tiên tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, cho đến nay, bộ môn này đã đem về 5 HCV do công của 2 chị em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Nguyễn Thị Mỹ Trang. Trong đó, Mỹ Hạnh giành HCV ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp (30, 31 và 32), còn Mỹ Trang là 2 kỳ liên tiếp (31 và 32).
Ở kỳ SEA Games 33 lần này, kỳ vọng HCV tiếp tục đặt lên vai 2 chị em Mỹ Trang - Mỹ Hạnh khi mà Mỹ Hạnh vẫn là “Độc cô cầu bại” hạng 62kg nội dung tự do khu vực Đông Nam Á; còn ở nội dung tự do, Mỹ Trang không hề “vừa vặn” với 2 kỳ vô địch liên tiếp hạng 57kg.
Trong khi đó, hy vọng “vàng” của Karatedo Huế được trao cho 2 VĐV Lê Minh Thuận và Lê Văn Tình. Lê Văn Tình là gương mặt trẻ được đánh giá cao tại tuyển Quốc gia, còn Lê Minh Thuận đang là đội trưởng tuyển Karatedo Quốc gia, và là người giành HCV tại SEA Games 29 để giải tỏa “cơn khát vàng” sau 14 năm cho Karatedo Huế kể từ thời điểm nữ võ sĩ Hà Kiều Trang đăng quang tại SEA Games 2003.
Tất nhiên, để những kỳ vọng trên trở thành hiện thực, ngoài phấn đấu, nỗ lực tập luyện của chính bản thân VĐV thì từ đây cho đến khi chốt danh sách tham dự SEA Games 33, họ phải vượt qua được những “cuộc sát hạch” đầy khốc liệt cùng những bất lợi khách quan lẫn chủ quan.
Hiện ở nội dung vật tự do nữ hạng 62kg, toàn khu vực Đông Nam Á chưa ai có thể vượt qua Mỹ Hạnh. Tuy nhiên, dù có kỹ thuật, kinh nghiệm dày dạn, nhưng tuổi tác khiến Mỹ Hạnh không còn duy trì được phong độ đỉnh cao như những kỳ SEA Games trước đây. Thậm chí, đây có lẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của Hạnh. Ngoài yếu tố này, Mỹ Hạnh và Mỹ Trang còn phải đối mặt với những cạnh tranh cực kỳ gay gắt đến từ VĐV các tỉnh, thành bạn.
Tại SEA Games 33, vật tự do nữ chỉ có 4 hạng cân được đưa vào thi đấu, gồm: 50, 53, 57 và 62kg. Trong khi đó, việc được góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á là điều mà bất kỳ VĐV nào cũng mong muốn.
Để tìm kiếm cơ hội cho bản thân, “buộc lòng” VĐV các hạng cân không nằm trong nội dung thi đấu tại SEA Games 33, nhất là những VĐV vô địch các hạng cân lớn sẽ “ép cân” để xuống đánh hạng thấp hơn. Khi ấy, dù cân nặng tương đương, nhưng rõ ràng, những VĐV ép cân vẫn chiếm lợi thế bởi những tích lũy về thể hình, thể lực trong quá trình thi đấu ở hạng cân lớn của mình. Còn Karatedo, dù nội dung thi đấu nhiều hơn, nhưng 2 võ sĩ của Huế cũng phải đối mặt với thực trạng tương tự.
Và với vật, điều này sẽ được thể hiện rõ ở giải vô địch Đông Nam Á (tháng 5) và giải vô địch Quốc gia (tháng 10). Còn với Karatedo, sẽ là ở giải vô địch châu Á tại Uzbekistan vào tháng 5 và giải vô địch Quốc gia tại Huế vào tháng 6 tới. Những giải đấu này được xem là cuộc sát hạch để chốt danh sách tham dự SEA Games 33.
Liên quan chỉ tiêu huy chương tại SEA Games 33 của thể thao Huế, thực tế, không phải có nhiều suất dự SEA Games là có thể giành được số huy chương tương ứng. Nhưng nói cho cùng, nhiều suất tham dự thì cơ hội giành huy chương vẫn cao hơn.
Trước thời điểm diễn ra SEA Games 33, các tỉnh, thành đã thực hiện chủ trương sáp nhập. Điều đó sẽ giúp họ có lực lượng VĐV đông đảo, chất lượng hơn. Ở chiều ngược lại, không chỉ vật và Karatedo, mà một số bộ môn khác của Huế sẽ phải đối mặt với độ cạnh tranh gay gắt gấp bội. Đồng nghĩa, để tìm kiếm thêm suất tham dự và huy chương tại SEA Games 33 thì cần phải nỗ lực gấp bội.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-thao/vuot-kho-truoc-them-sea-games-33-153140.html