Vượt khó, quyết tâm đưa kinh tế địa phương phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ

Gần nửa chặng đường năm 2024 đã đi qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Yên Bái đã từng bước vượt qua những khó khăn, phát triển theo chiều hướng tích cực với các điểm sáng về kinh tế.

Kiểm tra năng suất, tiến độ thu hoạch lúa xuân tại huyện Lục Yên. Ảnh minh họa

Kiểm tra năng suất, tiến độ thu hoạch lúa xuân tại huyện Lục Yên. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế trong vùng và cả nước. Sự đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng cùng với việc khai thác hiệu quả các thế mạnh địa phương đã góp phần đưa nền kinh tế tỉnh nhà lên một tầm cao mới. Đầu tiên phải kể đến cú huých về hạ tầng giao thông khi nhiều tuyến đường bộ được nâng cấp, mở rộng đã kết nối Yên Bái với các trung tâm kinh tế lớn.

Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mà còn góp phần thu hút các dự án đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, với các chính sách đầu tư đồng bộ, các sản phẩm chủ lực như nông - lâm, thủy sản đang dần khẳng định thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Đặc biệt, Yên Bái đã dần khẳng định vị thế là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã lựa chọn Yên Bái là địa điểm đặt nhà máy sản xuất, mang lại nguồn vốn, công nghệ và việc làm ổn định cho người dân.

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Yên Bái tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trên mặt trận kinh tế. Nông nghiệp vẫn là điểm sáng của nền kinh tế khi khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định. Sản lượng các mặt hàng và cây trồng chủ lực như lúa gạo, cây ăn quả, chè và một số cây công nghiệp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Đây là những tín hiệu tích cực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Các động lực tăng trưởng kinh tế gồm: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều có dấu hiệu phục hồi. Về sản xuất công nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng then chốt đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu ngành công thương, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh nhu cầu thị trường tăng mạnh, đồng thời cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa cũng được các cấp chính quyền tỉnh tích cực triển khai.

Lĩnh vực dịch vụ cũng chứng kiến những bước phục hồi đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,9% (tương đương 765,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng đã khởi sắc khi tăng 30,6%, tương đương với giá trị tăng thêm gần 30 triệu USD so với cùng kỳ, nhiều nhóm ngành hàng như may mặc, đồ gỗ có dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhiều doanh nghiệp đã công bố có nhiều đơn hàng mới. Du lịch tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng và tạo đà cho mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với việc tăng cường quảng bá, duy trì và nâng cao chất lượng, các sản phẩm du lịch đã lan tỏa được một lượng khách đáng kể đến với Yên Bái, trong đó lượng khách du lịch đã tăng 3,3% so với cùng kỳ; khách quốc tế đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Những gam màu sáng này là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn những khó khăn. Đó là một số ngành công nghiệp phục hồi chậm. Xuất khẩu đã khởi sắc hơn nhưng các doanh nghiệp đứng trước nhiều diễn biến, biến động khó lường của thị trường. Số lượng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm khi mới bằng 95,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 188 Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh và Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các dự án, công trình trọng điểm, trong đó xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án.

Các cấp chính quyền, các ngành tiếp tục tận lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng những hành động cụ thể, không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế còn giải quyết việc làm cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó không chỉ vực lại sản xuất cho doanh nghiệp mà hướng vào xuất khẩu. Cải thiện và nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, đặc biệt là các tuyến đường kết nối các khu công nghiệp, khu vực sản xuất nông - lâm sản với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/323293/vuot-kho-quyet-tam-dua-kinh-te-dia-phuong-phuc-hoi-va-tang-truong-manh-me.aspx