Vui buồn trợ giúp pháp lý

ĐBP - 'Nếu không thực sự đam mê thì rất khó ai có thể trụ được với nghề trợ giúp pháp lý, một công việc phải tiếp xúc với nhiều câu chuyện buồn, những phận đời khác biệt, nhất là trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế' - Anh Lý A Chía, viên chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên, Chi nhánh số 5, huyện Mường Nhé bắt đầu câu chuyện 10 năm làm công việc trợ giúp pháp lý của mình như thế.

Truyền thông trợ giúp pháp lý tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (tháng 4/2021). Ảnh: C.T.V

Một ngày hè cách đây vài năm, Mường Nhé nắng hầm hập như ngồi cạnh lò rèn, những cơn gió Lào liên tục rít lên, phả hơi nóng khô rạc. Mảnh ruộng “hình thước thợ” hiếm hoi ở cuối bản ngày một khô hạn, những ngọn lúa cứ thẳng tưng như chiếc chổi rễ dựng ngược mà lẽ thường tình thời điểm này đã phải uốn câu. Anh Lý A Chía đang lúi húi việc nhà thì một người đàn ông nhỏ thó chạy đến nhà anh trình bày câu chuyện mình bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hi vọng mình không có tội. Đó là anh Giàng A Tê, bản Huổi Cắn, xã Mường Toong. Do đông con, thiếu đất canh tác nên anh Tê đến nhà ông Ma Seo Ca ở cùng bản hỏi mượn đất để làm nương, ông Ma Seo Ca đồng ý nhưng với điều kiện mỗi vụ lúa anh Tê phải trả cho nhà ông Ca 5 bao thóc. Rồi ông Ca dẫn anh Tê đến đám nương gia đình ông canh tác đã lâu, bạc màu nên ông bỏ hoang khoảng 3 năm để bàn giao cho anh Tê. Thấy mảnh nương có cây cối cao lớn nên anh Tê hỏi ông Ca liệu có được phát để làm nương không thì ông Ca chỉ rõ ranh giới và bảo “cứ phát đi không sợ, có gì tôi chịu trách nhiệm”.

Sau khi nhận nương, lại được ông Ca đích thân dẫn tận nơi bàn giao nên anh Tê hăm hở mang dao, cưa lên phát, đốn hạ cây mất 5 ngày mới xong. Được nắng, trời hanh chỉ mấy hôm là toàn bộ cây nhanh chóng khô. Khi anh Tê chuẩn bị châm lửa đốt cây để làm nương thì bị lực lượng kiểm lâm lập biên bản và đình chỉ hoạt động với lý do khu vực này đã được quy hoạch đất rừng.

Cho rằng đây là đất nương gia đình đã canh tác từ bao đời nay, tại sao lại bị cấm? Không cho anh Tê làm thì mình làm. Nghĩ như thế nên ông Ma Seo Ca đốt toàn bộ diện tích nương mà anh Giàng A Tê đã phát và ung dung gieo lúa. Hành vi của ông Ma Seo Ca và anh Giàng A Tê bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội hủy hoại rừng.

Vốn là người địa phương, anh Lý A Chía hiểu rõ tập quán luân canh của người dân nên anh ân cần phân tích, giải thích cho anh Tê: “Đất đã quy hoạch là đất rừng mà mình chặt cây để làm nương là sai rồi, cho dù mình không phải là cố ý. Chưa nói đến việc đất không có sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà khi đất đã có cây đủ trạng thái thành rừng thì diện tích đó cần khoanh nuôi, bảo vệ. Trong khi diện tích này đã được quy hoạch đất rừng! Nhà nước luôn khuyến khích người dân khoanh nuôi, giữ rừng để được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cơ mà. Việc anh Tê chặt cây, và ông Ca biết anh Tê bị lực lượng chức năng lập biên bản về hành vi vi phạm mà ông Ca vẫn cố tình làm nương thì càng sai”.

Sau khi nghe anh Giàng A Chía giải thích, anh Lý A Tê đã hiểu việc mình vi phạm. Qua sự việc này cũng giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện Mường Nhé hiểu, tuân thủ quy định pháp luật, không còn tự ý phá rừng làm nương, không chống đối người thi hành công vụ.

Một vụ việc khác cũng xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé là một cụ già bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản mà nguyên nhân sâu xa là để chăm sóc, nuôi nấng các cháu của mình.

Anh Lý A Chía kể: Vợ chồng ông bà D. có một mụn con, cả đời dành hết tình yêu thương cho nó, tưởng rằng lớn lên con báo hiếu, ai ngờ đứa con duy nhất của ông bà phải trả giá cho việc muốn làm giàu nhanh khi phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Bao ước nguyện về một cuộc sống bình yên bên các con cháu đã sụp đổ khi sau đó người con dâu cũng bỏ đi theo người người đàn ông khác, để lại cho ông bà D. 6 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa bé nhất vẫn chưa cai sữa. Hàng ngày vất vả mưu sinh mà chẳng đủ cơm cho các cháu ăn no, cực chẳng đã ông D. đi tìm con dâu và yêu cầu người đàn ông sống cùng như vợ chồng (đã có 1 con chung) phải chu cấp cho mỗi cháu 10 triệu đồng, 6 cháu là 60 triệu đồng cho đến khi 18 tuổi. Giấy tờ hai bên đã ký rõ ràng. Người đàn ông kia đã đưa cho ông bà D. 30 triệu đồng, hẹn ngày trả nốt. Đến ngày hẹn nhưng không thấy người đàn ông này trả nốt tiền nên ông D. đã đến đòi nhiều lần dẫn đến mâu thuẫn, xô xát. Sau đó người đàn ông đã làm đơn kiện ông D. Hậu quả là ông D. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản người khác. Bởi về mặt pháp lý, người đàn ông đó không phải “chồng” của con dâu ông D., cũng không phải là bố của 6 đứa cháu ông D. vì thế không có trách nhiệm phải nuôi các cháu ông.

“Việc ông D. ép người đàn ông đó đưa tiền nuôi cháu là vi phạm pháp luật. Lẽ ra ông D. phải yêu cầu con dâu có trách nhiệm nuôi con hoặc cung cấp tiền nuôi con mới là đúng. Ông D. lại bắt người sống chung với con dâu phải có trách nhiệm nuôi cháu nội ông thì ông đang đúng thành sai, tất cả là do thiếu hiểu biết mà dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Tất nhiên trong quá trình giải quyết, xem xét sẽ có tình tiết giảm nhẹ đối với ông D., nhưng qua đây mới thấy rằng nhiều người dân vùng cao còn thiếu kiến thức pháp luật lắm!” - anh Lý A Chía phân tích.

Cả anh Tê, ông Ca và ông D. khi được trợ giúp pháp lý, được phân tích, giải thích thì họ đã nhận ra việc làm sai trái của mình, chấp hành hình phạt. Trong quá trình giải quyết vụ việc, xét tình tiết giảm nhẹ ông D. và anh Tê đều được được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước. Họ cũng như nhiều người dân vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số khác nghèo khó, yếu thế, thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật.

Anh Lý A Chía tâm sự: “Đây là công việc đặc biệt nhưng không kém tự hào; chúng tôi vui với niềm vui của người yếu thế, trăn trở, day dứt suy tư với nỗi buồn của họ. Điều cần thiết là phải nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Thời gian qua không chỉ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 huyện Mường Nhé mà tất cả hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh luôn tích cực công tác truyền thông tại các xã, bản vùng cao, vùng xa, trang bị kiến thức pháp luật cho người dân nhằm hạn chế những vụ việc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Những cuộc truyền thông, tuyên truyền lưu động cũng là dịp để các trợ giúp viên pháp lý đối thoại, lắng nghe và hiểu hơn về hoàn cảnh, đời sống, suy nghĩ, nguyện vọng của bà con các dân tộc”.

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/187395/vui-buon-tro-giup-phap-ly