Vụ Việt Á: Viện Kiểm sát khẳng định các bị cáo phạm tội có tổ chức
Chiều tối 9/1, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia đối đáp với các quan điểm gỡ tội của các luật sư bào chữa. Công tố viên khẳng định hành vi của các bị cáo trong vụ án này là một chuỗi sai phạm có tổ chức, có sự phân công bàn bạc và thực hiện một cách thống nhất tại các địa phương.
Không thể tính công phòng, chống dịch cho Việt Á
Theo đại diện Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo trong vụ án là một chuỗi sai phạm, từ việc phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật, đến việc cấp phép giúp Việt Á sản xuất, bán thương mại test xét nghiệm ra thị trường thu lời bất chính, vi phạm trong đấu thầu và sai phạm trong quá trình mua bán test xét nghiệm. Các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội một cách có tổ chức, có bàn bạc, thống nhất phân công công việc giữa các bị cáo trong từng khâu.
Công tố viên phân tích các bị cáo đã có liên lạc với nhau, tác động với nhau, tác động với các cơ quan, tổ chức để được cấp số lưu hành, cấp phép, bán thương mại test xét nghiệm. Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ Việt Á) và các bị cáo khác trong vụ án đã trao đổi, phân công mỗi người một công việc theo một quy trình cụ thể, áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành bằng phương thức thủ đoạn như nhau.
Một số luật sư cho rằng Viện Kiểm sát đã không đánh giá, ghi nhận những đóng góp của Việt Á trong phòng, chống dịch. Về ý kiến này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định tiền kinh doanh test xét nghiệm mà Việt Á thu được là nguồn tiền bất chính, Việt đã dùng nguồn tiền này để đưa hối lộ và chi % hoa hồng cho các cá nhân, tổ chức. Đó là tiền của Nhà nước, của nhân dân, Công ty Việt Á mặc dù sản xuất test xét nghiệm, nhưng đã lợi dụng việc phòng, chống dịch để thu lời bất hợp pháp, nên không thể tính là có công trong phòng, chống dịch.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm được thực hiện bằng tiền từ Ngân sách Nhà nước, nên sản phẩm của đề tài là thuộc sở hữu của Nhà nước. Phan Quốc Việt và các bị cáo khác đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm, biến tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước thành tài sản của Việt Á, gây thiệt hại số tiền hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước là 402 tỷ đồng. Đối với số tiền thiệt hại hơn 800 tỷ đồng còn lại, đại diện Viện Kiểm sát xác định đó là thiệt hại của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cá nhân và một phần là của Nhà nước. Đây là nguồn thu lợi từ việc chênh giá giữa test xét nghiệm thực tế và giá nâng khống.
Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo không nhận tiền của Việt Á
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC - tỉnh Bình Dương), luật sư bày tỏ sự đồng tình với nhận định và mức án mà đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị đối với bị cáo Danh. Luật sư cho rằng đại diện Viện Kiểm sát đã cân đối công - tội, đặt sai phạm trong nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh để hướng đến sự khách quan nhất, cũng như xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Danh.
Luật sư đồng tình với quan điểm cho rằng, bị cáo Danh có sai phạm, nhưng sai phạm của bị cáo là khởi nguồn từ việc tuân thủ sự chỉ đạo, chủ trương của Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương chứ không phải chủ động, tự ý, càng không phải cố ý thực hiện tội phạm. CDC Bình Dương thực hiện việc mượn test xét nghiệm, vật tư để sử dụng là thực hiện theo chủ trương của cấp trên, bản thân bị cáo Danh hay CDC Bình Dương không hề tự ý hay đề xuất chủ trương mượn hàng này.
CDC Bình Dương bắt buộc phải mượn và mua thêm test xét nghiệm của Việt Á để sử dụng, vì trong 7 máy xét nghiệm Real Time-PCR mà CDC Bình Dương được tài trợ, có 2 máy xét nghiệm chỉ chạy được test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Do đó, CDC Bình Dương buộc phải mua thêm test xét nghiệm của Công ty Việt Á để duy trì chạy máy.
Luật sư nêu dẫn chứng, bị cáo Nguyễn Thành Danh không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì trong vụ án này. Ngay từ đầu, CDC Bình Dương chỉ xin tham gia phòng, chống dịch mà không xin tham gia tổ chức thầu do không có chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng không được chấp nhận. Khi được Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã quyết liệt từ chối nhiều lần. Và khi nhận thức được trách nhiệm trong sai phạm, bị cáo Danh đã nộp 50 triệu đồng với mong muốn khắc phục một phần hậu quả tại CDC Bình Dương.
Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thành Danh đã thừa nhận bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Danh thực hiện việc sử dụng trước test xét nghiệm và thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Cựu Giám đốc CDC Bình Dương không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền của Tổng Giám đốc Việt Á, được đại diện CDC tỉnh Bình Dương có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... Coi đây là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Danh mức án 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam). Đồng tình với nhận định này, luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận mức án đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, hoặc nếu đủ cơ sở, áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh.