Vụ tự tử ở tòa và trách nhiệm của thẩm phán

Liên quan đến vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước vào chiều 29-5, tuy giờ chưa thể nói hai tòa sơ thẩm, phúc thẩm có kết tội sai hay không nhưng mười mươi là cả hai đã có nhiều vi phạm trong điều tra, giải quyết vụ án.

Cụ thể, từ kháng nghị của TAND Cấp cao tại TP.HCM, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy cả hai bản án để điều tra lại.

Cụ thể, từ kháng nghị của TAND Cấp cao tại TP.HCM, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy cả hai bản án để điều tra lại.

Về lý do, quyết định giám đốc thẩm cho rằng hai cấp phúc thẩm, sơ thẩm đã chưa có đủ căn cứ khi nhận định các hành vi vi phạm luật giao thông của ông Phước đã trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.

Theo quyết định trên, ông Phước đã không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều... Thế nhưng hai cấp tòa đã có nhiều thiếu sót trong việc làm rõ các lỗi đó của ông Phước có phải hay không phải đã làm một người chết.

Đơn cử, hai cấp tòa chưa làm rõ vì sao đã thấy xe của ông Phước cách đến 50 m mà người chạy xe máy khác (ông Lâm Tươi) lại không giảm tốc độ và phải đến gần 5 m thì mới hoảng hốt đâm thẳng vào xe của ông Phước. Hai cấp tòa cũng chưa làm rõ tốc độ của xe đó, hành động của người ngồi sau xe có làm ảnh hưởng đến việc điều khiển xe của ông Phước hay không...

Ông Lương Hữu Phước tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: Luật sư DƯƠNG VĨNH TUYẾN

Ông Lương Hữu Phước tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: Luật sư DƯƠNG VĨNH TUYẾN

Dù hồ sơ còn nhiều thông tin mơ hồ như thế nhưng hai HĐXX vẫn cứ tuyên xử một người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt ba năm tù. Để rồi từ chỗ không được thuyết phục và có thể là không đủ sức chờ đợi, không đủ lòng tin về việc được xem xét lại, người bị kết án đã chọn cái chết để đánh động…

Diễn tiến xảy ra cho thấy TAND Cấp cao tại TP.HCM đã rất nỗ lực lật lại vụ án để góp phần làm sáng tỏ sự thật. Chỉ một tuần kể từ khi ông Phước mất, tòa này đã có quyết định kháng nghị. Chỉ một tuần sau khi có kháng nghị, tòa này đã xử giám đốc thẩm.

Thời gian giải quyết ngắn kỷ lục như thế cũng từng có trong vụ án Nguyễn Khắc Thủy (Vũng Tàu) phạm tội dâm ô với trẻ em. Ngày 11-5-2018, TAND tỉnh xử phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo. Sáu ngày sau, TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị. Gần nửa tháng sau đó, tòa này có quyết định giám đốc thẩm…

Theo Quyết định 120/2017 của TAND Tối cao, thẩm phán sẽ bị tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày nếu trong thời gian giữ nhiệm kỳ có số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỉ lệ từ 2% đến dưới 3% trên tổng số vụ, việc đã tham gia giải quyết, xét xử. Cũng theo quyết định này, thẩm phán sẽ bị bố trí làm công việc khác nếu đã ra bản án tuyên bị cáo có tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền tuyên bị cáo đó không có tội. việc chế tài cũng áp dụng tương tự trong trường hợp hủy bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm…

Nếu kết quả giải quyết tới đây cho thấy đã có sự không đầy đủ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các thẩm phán xử tội sai cho ông Phước có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm theo các hình thức phù hợp nêu trên. Điều đáng nói ở đây là sự đánh đổi bằng cái chết của ông Phước cho việc được minh oan (nếu đúng) và sự truy cứu trách nhiệm những người đã gây oan sai cho ông (nếu có) đắt giá quá đỗi.

Mong rằng cái chết của ông Phước sẽ luôn là sự cảnh tỉnh đối với mọi thẩm phán để từ nay về sau không còn có những hậu quả đau lòng tương tự.

THU TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/vu-tu-tu-o-toa-va-trach-nhiem-cua-tham-phan-918594.html