Vụ thượng úy công an tát nhân viên: Hệ lụy để lại cho đứa con chứng kiến bố hành hung là gì?
Sự việc Thượng úy công an ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng vẫn đang khiến dư luận bức xúc và lên án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhìn nhận rằng, đứa con chứng kiến toàn bộ sự việc của người cha 'côn đồ' thật tội nghiệp và sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống, tính cách sau này.
“Giấy rách phải giữ lấy lề”
Ngày 10/11, camera tại trạm nghỉ chân Hải Đăng trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ghi lại hình ảnh một người đàn ông sai con trai vào quầy bán hàng lấy đồ ăn, sau khi cậu bé cầm theo gói xúc xích ra thì bị nhân viên trạm nhắc chưa thanh toán. Ngay sau đó, người đàn ông này đã ném xúc xích vào mặt một nữ nhân viên và xông tới tát vào mặt một nam nhân viên khác. Được biết người đàn ông này là thượng úy công an.
Từ đây nhiều người lo ngại, hành động của thượng úy công an trước mặt con mình như vậy liệu rằng sẽ ảnh hưởng đến đứa con như thế nào?
Sáng ngày 12/11, trao đổi với PV, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: “Đứa trẻ trong clip đã phải chứng kiến hoàn toàn hành động của người cha mình. Việc làm của ông bố đó rất tội nghiệp cho đứa con. Vì đứa trẻ đó đã biết nhận thức, khi chứng kiến bố có hành động sai trái là đánh người thì đứa trẻ đó vô cùng xấu hổ với bạn bè, với xã hội. Mặt khác, đứa trẻ đó sẽ không còn kính trọng bố, nó sẽ ghi vào đầu những hình ảnh xấu xí của bố. Từ đây, chúng ta cũng nhận thấy rõ ông bố này đã thất bại hoàn toàn trong phương pháp giáo dục con mình”.
Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên phân tích “giấy rách phải giữ lấy lề”, trong gia đình muốn giáo dục con cái thì cha mẹ nên là hình ảnh đầu tiên để con mình noi theo. Tuy nhiên, người bố này đã mất đi hình ảnh đẹp với con. Một hành động sai của bố sẽ để để lại hệ lụy cho con còn nguy hiểm hơn cả việc xử lý ông bố hành hung người khác như thế nào.
“Đây là bài học cho các bậc làm cha làm mẹ, mình muốn dạy con thì phải là tấm gương, phải nói những điều hay điều phải, nếu mình không làm được thì rất khó dạy con. Những đứa trẻ vô tội không nên gánh tội thay cha mẹ từ búa rìu dư luận. Vì thế, ngay lúc này nhà trường, xã hội cần có biện pháp để bảo vệ đứa trẻ”, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên bày tỏ.
Hành động của cha mẹ ảnh hưởng đến tâm lý con
Cùng vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Người cha khi đánh người là phạm pháp và cần xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng, tác động để lại cho đứa con khi chứng kiến cảnh tượng này là rất nhiều. Thứ nhất, nếu đứa con quan sát được toàn bộ hành vi của người bố thì nó sẽ hiểu rằng điều đó là sai trái. Với những em bé có tư duy tốt và hiểu biết thì sẽ không bắt chước hành động của bố.
Nhưng, trường hợp thứ hai, khi đứa trẻ thấy bố có quyền lực và sẵn sàng đánh người khác như vậy thì nó sẽ bắt chước theo một cách vô thức. Tương lai sau này chúng ta có chắc chắn được rằng đứa trẻ ấy sẽ không hành xử, dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề như những gì nó đã được chứng kiến”.
Không chỉ nhìn nhận về cách hành xử sau này, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh còn cảnh báo rằng, tâm lý đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong tâm lý học đã từng nghiên cứu trẻ em sẽ có những biến đổi tâm lý bên trong từ những tác động bên ngoài. Hình tượng của một người bố được đứa trẻ xây dựng bao lâu nay sẽ bị sụp đổ trong giây lát. Thay vào đó, đứa trẻ ấy có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, stress, lẩn tránh bạn bè, xã hội trong một thời gian dài.
Mỗi hành động của bố sẽ sẽ tác động trực tiếp đến tương lai của con trẻ, vì thế, T.S tâm lý Nguyễn Thị Minh đưa ra lời khuyên: “Mỗi một người khi bộc lộ bản thân thì luôn phải chú ý rằng mình là tấm gương của con cái, bởi con trẻ sẽ dễ dàng noi gương người thân nhất với nó. Vậy nên, khi đã làm cha làm mẹ thì bắt buộc phải giữu gìn bản thân mình, đã nói ra rồi thì phải cố hết sức để làm điều đó, nếu có làm không được thì phải xin lỗi, đó là cách hành xử bình thường của con người, cũng là một cách để dạy dỗ con cái. Trong trường hợp cha mẹ làm sai cũng nên phân tích lại với con cái, cha mẹ sai ở đâu và khuyên con không được mắc lại cái sai đó”.
Mai Thu - Trần Hạnh