Vừ Thị Mai Hương - người kể truyện thay lời đá núi
BHG - Vừ Thị Mai Hương sinh ra ở tận cùng của miền núi đá, vùng Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hương tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân và đại học Ngoại ngữ, hiện đang công tác trong ngành du lịch ở tỉnh Hà Giang. Và bằng một cách nào đó trong cuộc đời, Hương trở thành người viết. Bay trong gió núi là tập truyện ngắn của Vừ Thị Mai Hương, mà lại bằng cách nào đó, tôi trở thành người đọc tập truyện ngắn ấy khi nó còn trong dạng bản thảo.
Hương là nhà văn, một nhà văn người Mông vùng cao nguyên đá, Hương nói về người Mông là Hương đang tự trải lòng, Hương viết về người Mông về cao nguyên đá là đang viết từ những cuộc đời cụ thể, được kể lại bởi một người đồng tộc. Truyện dù nguyên mẫu từ đời thực, hay chỉ được gợi ý từ đời thực thì bản chất nó vẫn là hư cấu nhưng hư cấu của văn chương nếu đạt đến sự tinh tế nó lại chạm đến thân phận. Vừ Thị Mai Hương vì thế, một cách tự nhiên trở thành người phát ngôn cho các tâm sự của vùng đất, ở các thân phận bé nhỏ, cụ thể. Người ta thêm hiểu, từ đó để yêu hơn Đồng Văn, thương nhiều hơn nữa người Mông thông qua truyện ngắn Vừ Thị Mai Hương.
Bay trong gió núi là tập truyện ngắn có chủ đề đa dạng, viết cả về miền núi và miền xuôi, bối cảnh truyện kể gắn với cả Hà Nội hay Đà Lạt, có điều đó, vì Vừ Thị Mai Hương – một người con của đồng bào Mông thoát ly đi học, học đại học ở Hà Nội, sau trở thành cán bộ ngành du lịch nên lại càng có điều kiện đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Tuy thế, đối với tôi, có thể vì xuất thân là một nhà dân tộc học nên chỉ thực sự yêu thích truyện ngắn của Hương ở những truyện liên quan đến chủ đề về miền núi, về Đồng Văn và về người Mông.
Giống như bất cứ nhà văn tộc người thiểu số nào khi viết về vùng đất, văn hóa, đời sống của họ, đọc truyện ngắn của Vừ Thị Mai Hương chắc chắn sự hấp dẫn đến từ những chi tiết tự sự toát lên phong tục người Mông, đời sống người Mông, điểm nhìn người Mông và cảm quan người Mông.
“Người già nói, muốn giữ được nước thì phải trồng cây. Muốn mùa đông bớt lạnh, thì phải trồng cây. Cây rừng phải như người bạn thân thiết của con người trên cao nguyên đá này thì mới không có lũ ống, lũ quét về. Nương rẫy mới màu mỡ, cây ngô mới cho cái bắp to” (“Tiếng hát trong mưa”)
“Sình yêu vùng đất này, nơi đã sinh ra nó. Ở nơi đây, Sình có thể tự do đi từ đỉnh núi này đến đỉnh núi khác, leo qua nương ngô này tới nương ngô khác. Được thỏa thích chơi với lũ bạn, nó thích nhất cái trò gọi tên nhau thật to để cho tiếng gọi đập vào vách đá rồi dội lại nghe vang vang như có ai đó nhại lại. Chỉ nghĩ đến phải xa nhà thôi nước mắt đã trực trào ra”. (“Thằng Sình”)
“Tôi đã cảm nhận thấy thật rõ ràng thứ âm thanh đó, cùng với hương vị nồng nồng âm ấm của đất, mùi chan chát mằn mặn của đá, mùi thơm thoang thoảng của cỏ voi, mùi ngòn ngọt chua chua của những bông hoa tam giác mạch ai đó làm vương hạt trên nấm mộ tôi” (“Bay trong gió núi”)
“Con đường mòn dẫn xuống chợ mờ mờ như một vệt vải lanh trắng ai đó phơi ngoài nương để quên, vắt ngoằn nghèo”. (“Bay trong gió núi”)
“Mà, cái vinh dự được chuyển từ một đứa gái mười ba tuổi thành đàn bà nghĩ cũng thật chóng vánh. Chỉ một buổi nó đi xuống khe núi lấy nước, gặp thằng con trai đó, bốn mắt nhìn thấy nhau, thích nhau là về ở với nhau. Thằng chồng bảo: thích nó vì bắp chân của nó to, leo núi khỏe”. (“Hoa trong tuyết”)
Viết về tộc người, không phải cứ lấy chủ thể tộc người làm đối tượng phản ánh thì văn chương ấy mang “bản sắc” tộc người. Phải từ cái nhìn bên trong của nội giới tộc người, đạt đến logic trong suy nghĩ, hành động, chiếu lên cảnh vật, con người, sự kiện vùng cao nguyên đá. Tâm sự người Mông được Vừ Thị Mai Hương chuyển tải trong truyện ngắn của mình là thế mạnh của Hương, của một nhà văn gốc tộc người, hiểu biết và có quá trình tự ý thức tộc người, sự viết từ đó định hình dần thành chất miền núi theo đúng nghĩa của dòng văn chương này. Và miền núi của Hương, là cụ thể, nó không kể về một miền núi của người Mông đầy trừu tượng - mà thực chất, là thứ miền núi ngoài cao độ có phần thống nhất luôn trên 800m so với mực nước biển thì địa lý cư trú và kéo theo đó là văn hóa địa phương Mông có độ biến động đáng kinh ngạc. Miền núi cụ thể của Hương là vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Sự hấp dẫn của cảnh quan, phong tục, văn hóa đồn bào Mông trong sáng tác của Vừ Thị Mai Hương luôn gắn chặt với hậu tố địa lý Đồng Văn.
Bay trong gió núi có thể chia làm hai tuyến kể. Tuyến lạc quan, tin yêu như các truyện “Thằng Sình” hay “Hạnh phúc nở hoa”, đối với tôi, nó là một mặt của niềm tin yêu con người trên cao nguyên đá. Không có niềm tin yêu, lạc quan, dễ gì còn người tồn tại được qua thiên nhiên và hoàn cảnh sống đầy khốc liệt như vùng cao nguyên đá. Nhưng tuyến lạc quan, đối với tôi, nó giống các câu truyện người tốt việc tốt, cũng khá phổ biến trên báo chí, nên không để lại nhiều ấn tượng. Trái lại, tuyến chủ đạo của tập truyện ngắn Bay trong gió núi, viết về những bi kịch con người đã làm tôi bị chinh phục. Và phẩm chất, đời sống đồng bào Mông dồn nén vào trong chính tuyến tự sự bi kịch ấy của truyện ngắn Vừ Thị Mai Hương.
Đầu tiên, cần phải nhận thấy, cảm quan về thế giới sáng tạo của Vừ Thị Mai Hương thiên hẳn về phía tình cảm của những người phụ nữ Mông, đẹp và dù luôn kiên cường, vươn lên, thường trực ý thức về phẩm giá con người, nhưng vẫn là phụ nữ, dễ tổn thương và mong manh vừa vì bởi mang yếu tố giới, không có sức mạnh về thể chất lại vừa chịu sự kìm cặp của những mặt tiêu cực của văn hóa, phong tục và sự tha hóa của xã hội thời hiện đại. Truyện ngắn của Hương làm thành từ nhiều bi kịch. Bi kịch không chỉ ở những truyện về miền núi mà ngay cả trong những truyện lấy bối cảnh miền xuôi làm nền tự sự. Một cuộc tình oan trái, tuyệt vọng vì sự trớ trêu của số phận của cặp vợ chồng dù yêu nhau tha thiết nhưng cuối cùng phát hiện ra là anh em khác mẹ cùng cha (“Xin hãy dối lừa”). Một cuộc tình tuyệt vọng của cô gái bị ung thư (“Cánh cửa chưa mở”)… Tất cả, thường kết thúc bằng cái chết, một cái chết hay nhiều cái chết.
Cái chết lên đến đỉnh điểm và trở thành những truyện hay nhất, xúc động nhất và miền núi nhất của Vừ Thị Mai Hương. “Bay trong gió núi” và “Tiếng hát trong mưa” là hai truyện xuất sắc nhất, ám ảnh nhất trong ra đời trong phức cảm chết (Thanatos complex).
“Tiếng hát trong mưa” không hiểu vì dụng ý gì, hay là sự ngẫu nhiên, được đặt đầu tập truyện ngắn của Vừ Thị Mai Hương. Truyện kể bắt đầu bằng một bài hát đầy đau buồn về sự lẻ loi và vô vọng, mà sau này, người ta sẽ biết đó là bài hát của một bóng ma. Ngay mở đầu truyện kể, một đám ma xuất hiện, đám ma của bà Say, mẹ của nhân vật chính Dương Minh Sì. Đọc tiếp, người ta lại biết thêm nhà Sì năm trước lại có một đám ma là của bố Sì. Hai cái chết, đã khiến gia cảnh Sì quá khốn khổ giờ trở thành kiệt quệ, những con lợn, con trâu, con gà gia sản cuối cùng cũng ra đi theo tục cúng ma. Dù nghịch cảnh, Sì không hết hi vọng, anh vẫn cố gắng vì còn vợ, vợ anh lại đang có mang giọt máu dòng họ Dương trọng bụng. Nhưng tai họa chưa dừng lại, Hoa vợ anh bị trượt ngã, bác sĩ không còn cách nào khác phải bỏ mẹ, giữ con, đứa con sinh non, ốm yếu. Những tưởng truyện đã đẩy bi kịch của Sì lên tận cùng, người đàn ông vô hồn, khốn khổ với đứa con: “Kiến bám đầy lên mặt, vào hai kẽ tay, trên khắp cơ thể bé xíu vẫn còn tanh mùi nước ối, mùi máu của mẹ nó”, nhưng trời chưa dừng lại, trời làm một cơn mưa lớn, một trận lũ quét, quét luôn cả cuộc đời hai cha con người đàn ông Mông khốn khổ, đói rách. Chết cũng chưa phải là hết, dòng họ Dương của Sì tuyệt diệt, chẳng còn ai làm ma cho Sì, chẳng còn ông mủ nào hát bài chỉ đường đưa hồn Sì về đất tổ tiên. Sì chết mà không được làm ma. Hồn Sì không siêu thoát. Nên cứ đêm mưa gió, người ta lại nghe thấy lời hát ai oán tuyệt vọng của Sì. Cả thiên nhiên tàn bạo vùng cao nguyên đá, cả cuộc đời cơ cực của đồng bào Mông, cả hủ tục lạc hậu, dân trí thấp kém quét sạch banh sinh mạng các nhân vật chính. Một sân khấu trắng tuyệt đối được dựng lên trong “Tiếng hát trong mưa”. Người đọc, ngay từ đầu tập truyện bị ngột thở. Nhưng cái chết tuyệt đối hay bóng ma còn lại của Sì không phải là tận diệt. Từ trên nền bi kịch gia đình hay hơn thế gia tộc Sì, cây thương yêu nảy mầm trong lòng người đọc. Sự xót thương thanh tẩy lòng người. Một niềm cảm thông vô tận với người Mông, với người miền cao nguyên khắc nghiệt trỗi dậy trong lòng người đọc. Truyện ngắn Vừ Thị Mai Hương vực dậy tình thương yêu, lòng cộng thông giữa con người.
“Bay trong gió núi” truyện ngắn được lấy tên làm tên chung cho cả tập truyện là một tác phẩm xuất sắc. Nó thời sự, vì nó chạm đến nạn buôn người vùng cao nguyên đá nói riêng, vùng miền núi Việt Nam nói chung trong thời gian gần đây. Xy, nhân vật chính câu truyện, cô gái Mông cùng đường nhưng đầy thương yêu. Xy là nạn nhân của một vụ bắt cóc bán sang bên kia biên giới. Tình cờ thoát khỏi ổ điếm của bọn buôn lậu nhờ tình yêu của chính một kẻ thủ ác giam cầm cô nhưng lại chuyển ra yêu thương cô. Tìm lại đường trở về nhà, tình cờ cô phát hiện ra chính mẹ kế cô, bác May hàng xóm mà cô tưởng là người tốt với cô nhất là những kẻ lập mưu bán cô cho bọn buôn người. Không đành lòng tố cáo những người cô từng thương yêu tin tưởng, lại cũng không thể chấp nhận thực tại thân phận mình đã hoen ố. Xy chọn cách tự vẫn. Truyện hay bởi được cấu trúc dựa trên dòng tự sự nội tâm, chất vấn liên tục về cuộc đời trong cái nhìn của Xy, một cô gái Mông mới lớn còn non trẻ, chưa hiểu biết cuộc đời. Truyện hay bởi những lồng ghép tâm sự cô gái Mông với phong tục Mông, niềm vui Mông mà điển hình nhất là đi chơi chợ.
Người đọc theo chủ nghĩa kinh nghiệm duy ý chí có thể “phê phán” Vừ Thị Mai Hương để nhân vật của mình phản ứng tiêu cực. Vì sao không để Xy vùng lên đấu tranh, tố cáo kẻ thủ ác. Hương đâu có quên điều đó, ở một truyện khác, cũng một cô gái Mông, cô Mỷ cũng bị bán sang biên giới bởi bọn buôn người, cũng phát hiện ra anh trai cô là kẻ thủ ác với chính em gái mình và cũng vì gia đình, Mỷ chọn yên lặng cam chịu. Nhưng rồi Mỷ vùng lên đấu tranh cho tình yêu của mình, lấy thân mình che chở cho chiến sĩ Hoàng người cô yêu tha thiết. Kết cục, cô và Hoàng tìm thấy hạnh phúc. Điều ấy, nghĩa là Vừ Thị Mai Hương không chỉ tự sự một chiều “tiêu cực”, hiểu theo nghĩa đạo đức học giản đơn của từ này, còn có rất nhiều truyện mang tinh thần tích cực trong sáng tác Hương. Nhưng “Bay trong gió núi” hấp dẫn và đặc sắc bởi chính ở đó Hương đã thở hơi thở của những phận người bé mọn nhất, không thể phản kháng. Văn chương thực thụ của Hương mọc lên như những đốm hoa tam giác mạch, như nụ đào trồi ra từ đá núi đầy khắc nghiệt. Hương thông cảm và thương yêu cho những phận người nhỏ nhoi nhất, yếu ớt nhất. Đọc Hương, tôi nghĩ người ta không nên phán xét, mà hãy cảm thông, cộng thông.
Và riêng với tôi, những truyện ngắn như “Bay trong gió núi” là đặc biệt. Hơn cả ý thức một nhà văn, tôi nghĩ không hiểu Hương có ý thức được không, nhưng nó đại diện cho phản ứng tập thể mang “căn cước” dân tộc Mông của chính Hương. Các nhân vật phụ nữ khi cùng đường thường lựa chọn tự vẫn. Tự vẫn mà biểu đạt bề ngoài như một phản kháng tiêu cực, nhưng phải đặt trong bối cảnh văn hóa Mông, như một nghiên cứu dân tộc học của tôi đã chỉ rõ, phản ứng tự vẫn như một hành vi kiến tạo nên cá tính tập thể tộc người chứa đựng đằng sau nó một tính cách của đồng bào Mông bất khuất, chất đầy tự trọng về phẩm giá làm người. Đằng sau quyết định dường như đường đột của các cá nhân là thân phận cả một dân tộc.
Vừ Thị Mai Hương có lối viết linh hoạt và khá hiện đại. Trục tự sự của những câu truyện hay nhất thường khởi đầu từ lời tự sự của bóng ma, cô gái nạn nhân của bọn buôn người hay người đàn ông khốn khổ của một gia đình bị tuyệt diệt. Trục tự sự của bóng ma, người chết, hay kẻ điên là trục tự sự quen thuộc của Vừ Thị Mai Hương. Nó khởi đầu cho nhiều câu chuyện đau đớn về phận người. Tự sự hồi cố, phá vỡ tuyến tính và tự sự phân mảnh khiến truyện của Vừ Thị Mai Hương có cấu trúc của giấc mơ và vì thế dễ đi sâu vào thế giới nội tâm, đặc biệt, nỗi thống khổ của tâm hồn phụ nữ trong tình yêu. Nhưng giống như cánh chim én, một loài chim thiết thân trong văn hóa Mông, tôi tin rằng nó sẽ thắp lên cánh bay đầu tiên của một nhà văn thực thụ – người kể chuyện thay lời đá núi, cây rừng, làng bản và con người vùng cao nguyên đá.