Vụ quốc lộ biến nhà dân thành… hầm ở Bình Định: Chủ đầu tư chi tiền nhỏ giọt

Ngày 25-5, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết, Ban quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) - chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai mới chuyển khoản số tiền 13,7 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng ven dự án, đoạn qua xã Tây Giang (huyện Tây Sơn).

Ngay khi nhận tiền, sáng 25-5, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn đã tổ chức giao nhận tiền hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, di dời ven dự án ở khu vực cầu Ba La (các thôn Tả Giang 1, Tả Giang 2, xã Tây Giang). Đợt đầu, có 16 hộ dân trong diện nhận tiền hỗ trợ, bồi thường, trong đó có 7 hộ dân sát cầu Ba La nằm trong diện di dời, giải tỏa trắng.

>>> Clip nhiều vướng mắc trên dự án nâng cấp quốc lộ 19, đoạn qua huyện Tây Sơn:

 Những nhà dân ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) bị "nhấn chìm" bên dự án nâng cấp quốc lộ 19

Những nhà dân ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) bị "nhấn chìm" bên dự án nâng cấp quốc lộ 19

Hộ ông Lê Hồng Phúc (thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) cho biết, đã nhận được 2,5 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc để di dời. Tuy nhiên, ông Phúc kiến nghị, đơn vị chức năng đo đạc diện tích đất nhà ông vẫn còn thiếu.

“Trước đây, theo cách đo đạc cũ tổng diện tích đất tôi 310m2, nhưng giờ chỉ còn 233m2. Vì vậy, tôi yêu cầu chính quyền cần xem xét, đo đạc lại để đảm bảo quyền lợi cho tôi”, ông Phúc nói.

Tương tự, các hộ dân khác như: Phạm Thị Đủng, Nguyễn Duy Tú, Trần Đình Tý (thôn Tả Giang 2) cũng đang phản ánh đòi quyền lợi về đất ở, kiến trúc như trường hợp ông Lê Hồng Phúc.

 Quốc lộ 19 đi qua 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai

Quốc lộ 19 đi qua 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai

Một số hộ dân cho biết thêm, khu tái định cư địa phương bố trí cho các hộ dân ở xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) phải mua với giá khá cao, 6 triệu đồng/m2, nhiều hộ không đủ tiền để đến nơi ở mới. Vì vậy, họ mong muốn địa phương tạo điều kiện hỗ trợ thêm để dân yên tâm đón nhận đất đai tái định cư mới.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, từ tháng 3 đến tháng 5-2024, UBND huyện Tây Sơn đã phê duyệt phương án và chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 4 đợt với số tiền trên 34,4 tỷ đồng. Ngoài ra, do chủ đầu tư thay đổi, bổ sung thiết kế nên UBND huyện cũng dự trù kinh phí bồi thường thêm trên 15,5 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án.

 Một ngôi nhà bên quốc lộ 19

Một ngôi nhà bên quốc lộ 19

Qua đó, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn đã ban hành 4 văn bản đề nghị Ban quản lý dự án 2 chuyển tiền theo phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gỡ vướng dự án với tổng số tiền 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới chỉ mới chuyển 13,7 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn cho biết, địa phương đang liên tục đốc thúc chủ đầu tư sớm chuyển đủ tiền để chi trả cho các hộ dân dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chuyển tiền rất nhỏ giọt gây nhiều khó khăn cho công tác chi trả, tạo đồng thuận giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, dự án khi thi công lu nền còn làm nứt 300 nhà dân ở các xã Tây Giang và 60 nhà dân ở xã Tây Thuận (cùng huyện Tây Sơn), địa phương đang đôn đốc các đơn vị thi công phối hợp với các cơ quan bảo hiểm sớm đo đạc, xác minh, xác định để bồi thường thiệt hại cho người dân.

Thi công bết bát, ỳ ạch... nhiều hệ lụy

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 giúp tăng cường kết nối các tỉnh Tây Nguyên – Nam Trung Bộ tổng chiều dài 143km, tổng vốn khoảng 3.600 tỷ đồng (chủ yếu vốn WB, còn lại vốn đối ứng trong nước). Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành tháng 6-2023, song xảy ra vướng mắc, tồn tại nên được điều chỉnh tiến độ đến hết 31-12-2024.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn chia sẻ, các tồn tại vướng mắc, hệ lụy trên dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đang phát sinh rất nhiều. Trong đó, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, quyền lợi vốn có của người dân ven dự án.

Theo chính quyền huyện Tây Sơn, công tác thi công của dự án đoạn qua địa phận huyện đang phát sinh nhiều bất cập, đầu tư kiểu "da báo" thiếu đồng bộ, rất chậm trễ. Nhiều vị trí mặt bằng đã có sẵn nhưng đơn vị thi công làm rất chậm, có vị trí mặt đường làm xong nhưng chậm đầu tư hoàn thiện hệ thống hành lang lề đường, cống thoát nước.

Đứng ở 1 nhà dân nhìn ra quốc lộ 19 mới nâng cấp cao trên 3m

Đặc biệt, tại đoạn qua đèo An Khê (giáp ranh Bình Định – Gia Lai) không hề vướng mặt bằng nhưng đơn vị thi công mở cắt đồi núi, thi công kéo dài năm này, qua năm khác. Hiện, mùa mưa sắp tới, nếu thi công chậm trễ thì nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông rất cao.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vu-quoc-lo-bien-nha-dan-thanh-ham-o-binh-dinh-chu-dau-tu-chi-tien-nho-giot-post741535.html