Vụ Phan Sào Nam được giảm án: Sai phạm của 4 cán bộ công an chỉ dừng ở kỷ luật Đảng?
Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với 4 cán bộ Công an tỉnh liên quan đến vụ án Phan Sào Nam được tha tù trước thời hạn.
Cụ thể, Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Đại tá Đào Văn Lý (Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh) và Thượng tá Hoàng Phương Nam (Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Hạ Hòa).
Đại tá Nguyễn Văn Trường (nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ) và Thượng tá Thạch Văn Thắng (nguyên Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ kỷ luật Cảnh cáo.
Các quyết định của Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng, 4 cán bộ trên ngoài việc bị kỷ luật về Đảng có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Liên quan đến vụ việc trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định thì kỷ luật Đảng, kỷ luật công chức không thay thế chế tài của pháp luật. Bởi vậy ngoài hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật công chức mà cán bộ công chức, Đảng viên vi phạm pháp luật thì vẫn phải chịu chế tài của pháp luật, trong đó có thể là chế tài hình sự
“Khác với các công dân bình thường, với cán bộ, công chức, Đảng viên, ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật với tư cách là một công dân còn phải tuân thủ quy định của luật công chức, luật viên chức và quy định của Đảng. Khi cán bộ công chức vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, Đồng thời có thể bị áp dụng chế tài của pháp luật”, Luật sư Cường phân tích.
Cũng theo Luật sư Cường, hiện nay, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật thì sẽ bị áp dụng kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của chính phủ về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Nghị định này quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
Luật sư Cường cho biết: "Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật Đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự."
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật Đảng một cách thích hợp.
Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý Đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Như vậy, quy định về kỷ luật công chức và quy định về kỷ luật Đảng đều có quy định rất rõ là các hình thức kỷ luật này không thay thế các chế tài của pháp luật. Bởi vậy trong trường hợp cán bộ, Đảng viên vi phạm kỷ luật công chức, vi phạm kỷ luật Đảng thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật, người vi phạm còn có thể chịu chế tài của pháp luật.
Trong trường hợp Ủy ban kiểm tra phát hiện ra Đảng viên có vi phạm kỷ luật, đồng thời vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận tin báo, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra phải xem xét để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về qua quá trình thanh tra kiểm tra hoặc qua đơn thư tố cáo tố giác mà cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra cũng có thể tiến hành thụ lý tin báo để tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Các hành vi như giả mạo trong công tác (cấp giấy tờ giả), lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm lộ bí mật nhà nước... là các hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định tại Chương tội phạm về chức vụ trong bộ luật hình sự năm 2015.
Bởi vậy, trong vụ việc này, trường hợp Ủy ban kiểm tra hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Trường hợp cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao có căn cứ cho thấy đã có hành vi: giả mạo trong công tác, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm lộ bí mật nhà nước thì cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ.
Trường hợp các chứng cứ thu thập được có căn cứ cho thấy có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và xử lý đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc là không được gây oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
“Kết luận của Ủy ban kiểm tra là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra xem xét làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nếu có. Bởi vậy trong kết luận của Ủy ban kiểm tra có những căn cứ cho thấy có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cần phải xem xét hành vi đó đã đến mức cấu thành tội phạm hay chưa để có kết luận và giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kỷ luật công chức nhưng không vi phạm pháp luật thì người vi phạm chỉ bị kỷ luật chứ không chịu chế tài của pháp luật”, Luật sư Cường nói.