Vụ nhập viện sau làm đẹp: Người tố cáo nói có, quản lý thẩm mỹ nói không

Theo phản ánh của người phụ nữ ở TP Vinh, chị đăng ký làm môi với giá thỏa thuận 4 triệu đồng. Sau đó, chị bất ngờ vì bị yêu cầu trả thêm 30 triệu đồng cho hai dịch vụ không đăng ký. Chị đã phải nhập viện do biến chứng từ 2 dịch vụ phát sinh này.

Ngày 28/8, chị L.T.T.T. (SN 1986, trú tại TP Vinh, Nghệ An) cho biết, sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, sức khỏe đã dần ổn định. Vết áp xe vùng tai sau khi làm thủ thuật thẩm mỹ đã giảm đau đáng kể. Tuy nhiên, chị không đồng tình về cách làm việc và hành xử của thẩm mỹ viện thực hiện dịch vụ làm đẹp.

Khách tố cáo thẩm mỹ làm thêm dịch vụ dù không đăng ký

Chị T. cho biết, chiều ngày 15/8, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội về dịch vụ làm môi không đau, không xâm lấn, chị đã tìm đến Thẩm mỹ viện Berry Clinic (địa chỉ số 6, đường Mai Hắc Đế, TP Vinh, Nghệ An).

Tại đây, chị được tư vấn ba gói dịch vụ: gói 2 triệu đồng, gói 4 triệu đồng (không đau, không dùng kim, sử dụng máy hiện đại), và gói 8 triệu đồng, tất cả đều chỉ cần làm một lần. Sau khi nghe tư vấn, chị đã chọn gói 4 triệu đồng và chuyển khoản số tiền này cho thẩm mỹ viện.

Đơn tố cáo của chị T. gửi các cơ quan chức năng.

Đơn tố cáo của chị T. gửi các cơ quan chức năng.

Sau khi đã chọn gói làm môi, các nhân viên tại thẩm mỹ viện tiếp tục tư vấn chị làm mũi siêu sợi không đau, không xâm lấn, nhưng chị từ chối và chỉ chốt làm môi. Tuy nhiên, nhân viên lại tiếp tục giới thiệu dịch vụ giảm cân với giá 3,5 triệu đồng cho mỗi buổi, yêu cầu thực hiện trong 8 buổi. Họ cũng đề nghị, nếu chị đồng ý làm cả dịch vụ giảm cân và làm mũi, chị sẽ được miễn phí gói làm môi.

Chị T. kể, dù đã chốt làm môi và từ chối các dịch vụ khác, nhấn mạnh số tiền mang theo chỉ đủ để làm môi, nhưng nhân viên tại thẩm mỹ viện vẫn liên tục tư vấn và chèo kéo chị sử dụng thêm các dịch vụ.

Cụ thể, nhân viên tiếp tục tư vấn tiếp về tai. Chị T. cho biết, họ bảo bảo tai chị không cân ở vành trên nên làm để tai mình đẹp luôn. Làm sẽ không xâm lấn, không tác động thuốc. Công nghệ của Hàn và Đức. Tuy nhiên, chị chỉ chốt làm môi và tuyệt đối không làm các dịch vụ khác. Khi vào phòng làm môi, các nhân viên che mắt chị lại để tránh ánh đèn chiếu vào và thông tin sẽ có bác sĩ đầu ngành đến làm.

Vẫn theo phản ảnh của chị T. ít phút sau, chị được bôi một loại nước có cảm giác 'mát mát' vào môi. Sau đó, một nhân viên bật máy như xăm vào môi. Chị hỏi sao bảo không dùng máy mà vẫn dùng để đi kim à?. Nhân viên trả lời là đang khử thâm. Sau bác sĩ sẽ vào dùng máy đi màu.

Tiếp theo, chị T. cảm thấy nhói đau ở tai và phản ứng với nhân viên, nhưng họ trấn an với chị hãy yên tâm, sắp xong rồi và đã tiến hành sửa tai cho chị. Sau đó, nhân viên bảo đã làm xong và đưa cho chị một tờ giấy rồi yêu cầu thanh toán số tiền 30 triệu đồng.

Bệnh nhân T. bị áp xe sưng tấy vùng tai, đau nhiều.

Bệnh nhân T. bị áp xe sưng tấy vùng tai, đau nhiều.

Chị T. thông tin, thấy bất ngờ vì chỉ chốt làm môi và đã chuyển khoản 4 triệu đồng. Khi được thông báo phải nộp thêm 30 triệu đồng cho hai dịch vụ 'tai tài lộc' và 'rãnh cười' mà không hề đăng ký nên chị quyết không trả số tiền này.

Chị kể tiếp, sau thấy tôi khiên quyết không trả tiền, các nhân viên yêu cầu gọi điện về nhà để người nhà trả tiền. Đồng thời, yêu cầu tôi ký vào giấy làm dịch vụ. Sau đó, nhiều nhân viên gây sức ép, đôi co nhiều giờ buộc tôi phải ký mới được ra về.

Về nhà, chị T. cảm thấy đau buốt ở tai và xuất hiện sưng tấy ở vùng tai và cổ. Khi thông báo với đại diện cơ sở thẩm mỹ, chị được khuyên uống kháng sinh. Tuy nhiên, sau khi uống kháng sinh tình trạng không cải thiện và cơn đau tai ngày càng tăng, chị đã đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thăm khám và điều trị.

Quản lý Thẩm mỹ viện Berry Clinic "không biết sự việc"

Ngày 27/8, phóng viên (PV) Báo Sức khỏe và Đời sống trực tiếp đến Thẩm mỹ viện Berry Clinic (địa chỉ số 6, đường Mai Hắc Đế, TP Vinh) để có thông tin 2 chiều. Tại đây, một nhân viên dẫn PV đi gặp người quản lý. Người quản lý xưng là Nguyễn Thị Hiền.

Hồ sơ dịch vụ các nhân viên đưa cho chị T.

Hồ sơ dịch vụ các nhân viên đưa cho chị T.

Về việc có hay không câu chuyện của chị T. đến thẩm mỹ viện làm đẹp và gặp biến chứng, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, mới làm quản lý được 1 tuần. Thông tin họ phản ánh chị không biết và không liên quan cũng như chưa thấy ai báo cáo.

Bà Hiền thông tin thêm, cơ sở đang hoàn thiện cơ sở vật chất, chưa hoạt động nhiều, chưa đón khách. Những khách đến chủ yếu là khách trải nghiệm về dịch vụ chăm sóc da.

Về sự việc này, bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế TP Vinh thông tin, đã nắm sơ bộ sự việc qua dư luận và mạng xã hội. Tuy nhiên, đơn vị chưa nhận được phản ánh của công dân về sự việc.

"Cơ sở thẩm mỹ Berry Clinic (địa chỉ số 6, đường Mai Hắc Đế, TP Vinh) tôi giờ mới nghe tên và chắc chắn là chưa có thông báo gửi đến phòng để đi vào hoạt động" – Bà Hoa nói.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Tiến - Phẫu thuật viên chính Khoa phẫu thuật thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ an) cho biết, qua thăm khám, siêu âm, bệnh nhân T. bị áp xe sưng tấy vùng tai, đau nhiều. Các bác sĩ đã hội chẩn, tiến hành mổ, làm sạch và dùng kháng sinh điều trị. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Tuy nhiên, không khẳng định vết thương có lành được hoàn toàn hay không vì chất tiêm vào không xác định được là chất gì. Các chất này sẽ có nguy cơ ngấm vào vùng cơ, vùng mô mềm và điều trị sẽ lâu hơn, thậm chí sẽ bị tái lại.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, áp xe dạng này phải điều trị gấp, nếu không áp xe sẽ lan rộng khiến bệnh nhân khó chịu, đau đớn. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân không biết họ được tiêm cái gì, thuốc gì và làm gì vào vết thương của mình khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Vũ Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-nhap-vien-sau-lam-dep-nguoi-to-cao-noi-co-quan-ly-tham-my-noi-khong-16924082816141302.htm