Thí nghiệm 'hộp trung thực' bóc mẽ nhiều người phóng đại tiền ủng hộ
Một thí nghiệm xã hội học được thực hiện trên chiến dịch từ thiện của IKEA phát hiện cứ 5 người, có một người phóng đại số tiền mà họ quyên góp.
Năm 2013, một thí nghiệm xã hội thú vị đã được thực hiện cùng với chiến dịch từ thiện Soft Toys của IKEA (trong đó IKEA sẽ quyên góp 1 bảng Anh từ mỗi món đồ chơi bán ra cho 2 tổ chức từ thiện là Save the Children và UNICEF).
Các nhà nghiên cứu đã đặt một chiếc "hộp trung thực" ở sân ga Paddington (London, Anh) để xem những người đi qua trung thực đến mức nào và sẵn sàng quyên góp bao nhiêu tiền nếu biết rằng số tiền đó là dành cho mục đích tốt. theo The Telegraph.
Chiếc hộp trung thực
Chiếc hộp lớn, bên trong chứa gấu bông và đồ chơi mềm, được đặt ở giữa sảnh nhà ga. Hành khách đi tàu được khuyến khích lấy một món đồ chơi và đặt vào hộp số tiền mà họ cho là phù hợp.
Khoảng 700 người đã lấy đồ chơi và quyên góp tiền. Khoản quyên góp của họ được theo dõi bởi một người mặc bộ đồ gấu cao 1,8 m đứng cạnh hộp trung thực, và sau đó họ được phỏng vấn với một bảng câu hỏi.
Kết quả cho thấy những người biết về dự án gây quỹ từ thiện đã đóng góp nhiều hơn mức giá bán lẻ trung bình của các món đồ chơi là 4,15 bảng Anh.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện khi hành khách nghĩ rằng họ đang bị theo dõi, họ đã bỏ vào hộp nhiều hơn 20%: Trong khi những người tin rằng họ không bị theo dõi đã quyên góp trung bình 5,6 bảng Anh cho mỗi món đồ chơi, những người tin rằng họ bị theo dõi đã quyên góp trung bình 6,73 bảng Anh.
Việc đặt hình ảnh trẻ em gần chiếc hộp cũng khiến số tiền quyên góp tăng lên 15% và mọi người có xu hướng hào phóng hơn vào cuối ngày so với buổi sáng, với số tiền quyên góp cao hơn gần 40%. Khoản quyên góp đơn lẻ cao nhất là 20 bảng Anh trong khi khoản quyên góp thấp nhất là 1 xu Anh. 1/5 người tham gia quyên góp 10 bảng Anh trở lên.
Một phát hiện khác là cứ 5 người được hỏi thì có một người đã thổi phồng số tiền họ đã quyên góp.
Duncan Smith, một nhà tâm lý học xã hội, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng khi mọi người được tự do hành động, họ cũng hào phóng nhưng không hào phóng bằng khi họ bị giám sát".
Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu cho thấy rằng khi đặt một áp lực tinh tế, dù là dưới hình thức bị quan sát hay chỉ đơn giản là áp lực phải tuân theo phép xã giao, mọi người có nhiều khả năng hành động theo cách tích cực hơn.
Hiệu ứng trái chiều khi công khai tiền từ thiện
Trong nhiều nền văn hóa, việc bàn đến ủng hộ từ thiện có thể bị coi là tế nhị và những khoản quyên góp ẩn danh thường được ca ngợi, còn người kể về số tiền đóng góp bị coi là khoe mẽ.
Nhưng truyền thông và mạng xã hội đang khiến mọi người cởi mở hơn khi chia sẻ về hoạt động từ thiện.
Theo Kellogg Insight, chia sẻ về việc quyên góp từ thiện có thể lan tỏa lòng nhân ái và truyền cảm hứng để nhiều người khác cùng đứng ra ủng hộ, tạo ra hiệu ứng cộng đồng mạnh mẽ.
Cho đi cũng là một cách để chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân và mang đến cảm xúc tích cực. Chia sẻ nó lên mạng xã hội là cách "ghi chép" và bày tỏ tự hào về hành động của bản thân.
Hơn nữa, chia sẻ về hành động tốt của mình lên mạng xã hội còn nhằm quảng bá thương hiệu cá nhân và truyền cảm hứng cho những người theo dõi.
Tuy nhiên, với nhiều người, chia sẻ về khoản đóng góp từ thiện lên mạng xã hội lại xuất phát từ mong muốn tìm kiếm sự xác nhận, chú ý. Đó là cách để họ được công nhận, khen ngợi và những người xung quanh chấp thuận.
Hành động "đức hạnh" có thể giúp củng cố hình ảnh và vị thế của một người trong vòng tròn xã hội, đặc biệt hiệu quả với những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng.
Một người có xu hướng phóng đại sự quyên góp của mình nhằm làm tăng danh tiếng và uy tín. Những người theo dõi trên mạng xã hội, tương tự như một "người giám sát", cũng có thể khiến họ thổi phồng giá trị số tiền quyên góp để củng cố vị thế vốn có hoặc tránh nỗi sợ bị phán xét.