Vụ mất tích bí ẩn của điệp viên người nhái Lionel Crabb (Phần 2)

Vậy Crabb có thật sự do thám tàu của Liên Xô không? Câu trả lời là có, nhưng sự thật đã được che giấu trong một thời gian dài. Các tài liệu mới giải mật cho thấy rõ ràng có sự liên quan của Cơ quan tình báo MI-6 và cả Bộ Ngoại giao Anh trong vụ mất tích của Crabb.

Bí ẩn chưa có lời giải

Theo tài liệu giải mật được tờ báo Daily Telegraph đăng tải, đã có "thông tin sai lệch" giữa Bộ Ngoại giaoMI-6 dẫn đến việc MI-6 tin rằng "chiến dịch do thám tàu Ordzhonikidze đã được Chính phủ cho phép", trong khi trên thực tế Thủ tướng Eden hoàn toàn không hay biết gì.

Một số tài liệu mật được Văn phòng Nội các Chính phủ Anh giải mật vào năm 2005 cho thấy, MI-6 đã tiến hành điệp vụ do thám tàu Ordzhonikidze một cách rất cẩu thả dẫn đến việc Crabb mất tích và khi thông tin về vụ việc được tiết lộ, MI-6 lại tìm cách thoái thác trách nhiệm, chối bỏ mối quan hệ với Crabb.

Lionel "Buster” Crabb lặn giỏi hơn bơi

Thủ tướng Eden có vẻ không có ý khẳng định trước công chúng Anh rằng, chỉ huy Crabb "không thực hiện nhiệm vụ gián điệp" khi ông mất tích. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Eden không đả động gì đến chuyện Crabb có "do thám tàu Ordzhonikidze hay không".

Các nghị sĩ Công đảng khi đó đã thúc giục ông phải công khai khẳng định: "Chỉ huy Crabb không làm gián điệp" - để tránh dư luận không hay ảnh hưởng đến uy tín chính phủ, nhưng Thủ tướng Eden từ chối.

Cuối cùng, lãnh đạo Công đảng Hugh Gaitskell đã phải thêm vài chữ vào phát biểu của Thủ tướng Eden, với sự đồng ý của ông. Như vậy, thông tin được truyền đi rộng rãi là vào ngày Crabb mất tích, ông "được giao thực hiện một nhiệm vụ lặn huấn luyện" và "đã tử nạn do quả mìn phát nổ khi ông thử nghiệm cài vào tàu huấn luyện".

Tuy nhiên, từ năm 1957, dư luận bắt đầu nghi ngờ về vụ Crabb mất tích. Tháng 6 năm đó, 2 thợ lặn đã phát hiện một thi thể đàn ông không đầu mặc đồ lặn trôi dạt ở cảng Chichester, cách Portsmouth 14 dặm (22 km) về phía đông. Một điều tra viên sau đó khẳng định cái xác không đầu chính là Crabb.

Rồi 10 năm sau, một chiếc đầu người được tìm thấy vùi lấp trong cát cũng ở cảng Chichester. Mặc dù một số chi tiết răng hàm không hoàn toàn giống của Crabb, nhưng giám định pháp y khi đó khẳng định chiếc đầu lâu và cái xác của Crabb có cùng độ tuổi. Mặc dù vậy, nguyên nhân cái chết của Crabb vẫn chưa được xác định.

Điều đó khiến cho những đồn đoán về số phận của Crabb tiếp tục lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một giả thuyết cho rằng, Crabb bị giết bởi một thiết bị chống người nhái tối tân (khi đó) được gắn thử nghiệm vào vỏ tàu Ordzhonikidze, hoặc bị bắn chết bởi một tay súng bắn tỉa đứng trên boong tàu.

Cựu đặc nhiệm người nhái Liên Xô Eduard Koltsov cùng các "bằng chứng" đã sử dụng trong vụ thủ tiêu Lionel Crabb

Cũng có những giả thuyết khác bảo rằng Crabb thật ra không chết, đã đào tẩu và đang sống khỏe ở Liên Xô hay CHDC Đức, hoặc cũng có thể bị Liên Xô bắt giam. Năm 1975, một thầy bói ở tận Nam Phi thậm chí còn gửi thư đến Chính phủ Anh khẳng định Crabb đã "nhập" vào bà ta và kể rằng ông đã bị hút vào lườn tàu và chết ngạt (!?)

Đặc biệt, trong một bài báo đăng trên tờ Mail On Sunday ngày 26-3-2006, tác giả Tim Binding giật tít "Buster Crabb bị MI-5 sát hại". Binding viết rằng, chính Sydney Knowles, một biệt kích người nhái, đồng đội của Crabb đã tiếp xúc với ông và kể rằng, khi biết Crabb có ý định đào tẩu sang Liên Xô, MI-5 đã dàn xếp điệp vụ lặn do thám tàu Ordzhonikidze để thủ tiêu ông.

Knowles kể, khi hay tin thợ lặn vớt được xác không đầu ở cảng Chichester, MI-5 đã cử ông đến Chichester để xác minh cái xác có đúng là Crabb hay không. Knowles khẳng định cái xác đó không phải Crabb.

Năm 2007, ông Eduard Koltsov, một lính đặc nhiệm người nhái Liên Xô, đã lên tiếng trong một phóng sự tài liệu khẳng định chính mình đã giết chết Crabb bằng một con dao găm. Koltsov kể: Sau khi phát hiện Crabb bơi gần con tàu, ông đã được phái theo dõi và đã ra tay giết chết Crabb khi phát hiện ông ta đang tìm cách cài chất nổ vào lườn tàu Ordzhonikidze.

Sydney Knowles, cựu biệt kích người nhái Hải quân Anh, đồng đội cũ của Lionel Crabb

Koltsov đã trưng ra con dao găm làm bằng chứng, cùng với chiếc huy chương Sao Đỏ mà ông được tặng thưởng cho hành động dũng cảm đó. Tuy nhiên, câu chuyện của Koltsov ngay sau đó cũng bị bác bỏ vì bị cho là dựng chuyện để che đậy sự thật về Crabb.

Rốt cuộc, Crabb đã chết vào năm 1956, chết như thế nào, hay đã đào thoát thành công sang Liên Xô cho đến nay vẫn chưa có lời giải rõ ràng, chắc chắn. Câu chuyện bí ẩn về vụ mất tích và câu hỏi "Crabb đã chết hay đào thoát" trở thành đề tài cho những quyển sách ra đời trong nhiều năm qua như "Man Overboard" của tác giả Tim Binding xuất bản năm 2005; "The Final Dive" của tác giả Don Hale xuất bản năm 2007. Ngoài ra, còn có một bộ phim nổi tiếng "The Silent Enimy"./.

Hòa Thu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vu-mat-tich-bi-an-cua-diep-vien-nguoi-nhai-lionel-crabb-phan-2-349556.html