Vụ Chủ tịch Vimedimex bị bắt: Cổ phiếu VMD và HBS bị ảnh hưởng như thế nào?
Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt đã ảnh hưởng ngay đến giá cổ phiếu VMD và HBS khi mở phiên sáng 10/11.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Y dược Vimedimex (VMD) đồng thời là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS) vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, tạm giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" trong tối 9/11.
Tin tức này ảnh hưởng ngay đến giá cổ phiếu liên quan ngay khi mở phiên sáng 10/11, theo đó VMD rơi mạnh về mức giá sàn 43.050 đồng/cp với dư bán gần 250.000 đơn vị tính đến 9h40.
Trên thị trường chứng khoán, VMD là một trong những cổ phiếu có những đợt tăng trần lạ lùng nhất trong năm 2021. Kết phiên ngày 9/11 (trước khi thông tin Chủ tịch bị bắt được công bố), VMD vẫn đang ghi nhận mức tăng trần 4 phiên liên tiếp bắt đầu từ ngày 4/11, leo một mạch 31% lên 46.350 đồng/cp.
Đây chưa phải là tất cả, trước đó hồi đầu tháng 8 đến 9 vừa qua, có tổng cộng 17 phiên tăng trần, bật từ mức giá 25.000 đồng/cp lên tới hơn 80.000 đồng/cp để rồi lao dốc không phanh và chỉ mới bật lên 4 phiên gần đây.
Tương tự tại HBS, cổ phiếu này cũng đang ghi nhận từ quanh mức giá 7.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 đã phi lên hơn gấp đôi khi chốt phiên ngày 9/11 tại mức 14.800 đồng/cp.
Trong phiên sáng 10/11 thì HBS cũng bị bán tháo đẩy về mức sàn 13.400 đồng/cp, tuy vậy hiện chỉ còn giảm hơn 4% về mức 14.200 đồng/cp.
Vụ việc Chủ tịch bị bắt dẫn đến giá cổ phiếu rớt thảm không còn xa lạ. Còn nhớ sự việc của ông Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu Kiên” bị bắt vào tháng 8/2012 đã làm bay hơi không ít tài sản của cổ đông cũng như cả Ngân Hàng TMCP Á Châu (ACB) ngay sau đó.
Mất đến hơn 45% trong vòng 3 tháng sau đó, ACB có thời điểm còn có ở mức giá 11.600 đồng/cp. Và cũng chỉ hồi phục rồi đi ngang quanh vùng từ 12-13.000 đồng trong vòng 2 năm tiếp theo.
Không riêng gì cổ phiếu ACB, hàng trăm mã cổ phiếu khác trên cả hai sàn HNX và HoSE đồng loạt giảm sàn, kéo theo đó VN-Index giảm 4,67%, HNX-Index cũng rớt thảm 5,24%.
Đây được coi là một trong những ngày giảm điểm khủng khiếp nhất trong ngày kể từ thời kỳ khủng hoảng năm 2009 khi chứng khoán Việt Nam rơi tự do liên tục.
Trái ngược với phản ứng tiêu cực khi tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin “ông trùm ngành tài chính, ngân hàng” bị khởi tố khá bình thản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11/2018, cổ phiếu BID chốt phiên ở mức 31.250 đồng/cp, giảm nhẹ 0,95% so với thời điểm trước đó một ngày.
Tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã lan rộng trên thị trường từ đêm 28/11/2018, nhưng có lẽ sau vài lần “rập rình”, các nhà đầu tư đã “miễn nhiễm” trước thông tin trên.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu BID sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, ông Trần Bắc Hà đã nghỉ hưu từ lâu. Thứ hai, thị trường đã “quá quen” với các tin đồn về việc ông Bắc Hà bị bắt.
Trước đó, cả hai lần ông Trần Bắc Hà dính tin đồn bị bắt là thị trường chứng khoán lập tức "đỏ lửa". Đỉnh điểm là vào ngày 9/8/2017, toàn bộ 11 cổ phiếu ngành ngân hàng đều chìm trong màu đỏ khi tin đồn lan rộng. Chỉ trong một ngày, 2 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán.
Tháng 2/2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cũng gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch. Sau sự việc trên, nguyên Chủ tịch của BIDV cho rằng những kẻ tung tin đồn có thể đã kiếm được 500 – 700 tỷ đồng sau những biến động trên thị trường tài chính.