Vụ bớt xén tiền thưởng của vận động viên, Bộ trưởng VH-TT&DL thừa nhận 'biết hơi chậm'
Nói về các vụ vận động viên tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn gây xôn xao dư luận vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, 'việc này chúng tôi biết hơi chậm'.
Tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chiều 5-6, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) phản ánh, thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn.
Theo đại biểu, những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 sự việc cá biệt, đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và vấn đề tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ.
Tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận “việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”. Khi phát hiện vụ việc, Bộ VH-TT&DL đã kiên quyết xử lý và làm nghiêm theo quy định.
“Chúng tôi cũng thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, đồng thời khẳng định không bao che, dung túng cho vi phạm. Theo ông, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, đầu tiên là yêu cầu bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó có từng điều khoản từ tập luyện đến công tác quản lý. Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm vì theo ông, lâu nay chủ yếu chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo chứ ít kiểm tra về chế độ chính sách.
Đặc biệt, cần công khai, minh bạch ngay từ đầu, thông báo các vận động viên được bao nhiêu tiền ăn, tiền thưởng để các vận động viên biết và quản lý, nghiêm cấm lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp.
Vẫn liên quan đến thể thao, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) tranh luận: "Mỗi năm, ngân sách Trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao thành tích cao. Tuy nhiên kinh tế thể thao Việt Nam vẫn không phát triển. Như vậy Bộ trưởng thấy cần giải quyết vấn đề kinh tế thể thao như thế nào? Trong chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội lần này cũng không thấy bóng dáng của kinh tế thể thao?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia phục vụ tập luyện, thi đấu của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao, nhưng sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không chỉ không khắc phục được khó khăn mà còn chồng chất khó khăn hơn. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm nội dung này?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về kinh tế thể thao đã đề cập như trong Đề án 06. Ông nhấn mạnh, trong việc triển khai kinh tế thể thao cũng đã có trong luật nhưng lâu nay chưa làm được thì bây giờ tập trung làm nghiêm túc, phải sửa đổi chính sách, bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy vấn đề này, hoàn thiện các khung pháp lý.
Bộ trưởng dẫn chứng, ngay như đua chó, đua ngựa cũng loại hình kinh tế thể thao nhưng giao cho các bộ khác song cũng chưa làm được. "Chúng ta thấy đúng nhưng chưa thể làm được ngay. Những việc này cần phải nghiên cứu. Còn làm cái gì ngay thì chúng tôi sẽ quyết liệt nhất, cố gắng nhất trong thời gian ngắn để trình được nội dung về kinh tế thể thao" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Với khu thể thao Mỹ Đình, Bộ trưởng cho biết, sau khi thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ (vào 2018, đến 2021 có kết luận), khi ông lên Bộ trưởng đã nhận được kết luận này. Bộ đã nỗ lực, tập trung rà soát xử lý các kiến nghị của thanh tra và tập trung khắc phục.
Đến nay có những việc đã làm xong, có những việc đang làm. Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có văn bản chỉ đạo. Bộ đang làm theo hướng rà soát lại quy hoạch, xử lý đất đai, xử lý những tồn đọng.