Vụ bắt giữ CEO của Telegram có thể khoét sâu mâu thuẫn Nga - Phương Tây

Giám đốc điều hành (CEO) - Pavel Durov của ứng dụng mạng xã hội Telegram vừa bị chính quyền Pháp bắt giữ hôm 24/8 làm dấy lên căng thẳng mới giữa Nga với các nước Phương Tây.

Moscow cho biết họ vẫn coi ông Durov là công dân Nga. Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu sứ quán Nga tại Pháp "ngay lập tức thực hiện các bước cần thiết trong những trường hợp như vậy để làm rõ tình hình xung quanh công dân Nga, mặc dù chưa nhận được yêu cầu từ đại diện của vị doanh nhân".

Sau đó, chính đại sứ quán Nga cho biết họ đang tìm cách "làm rõ lý do giam giữ và bảo vệ các quyền của ông Durov cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận lãnh sự", đồng thời chỉ trích chính quyền Pháp đã không hợp tác với các quan chức Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova đăng trên tài khoản Telegram chất vấn rằng liệu các tổ chức phi chính phủ hoạt động về nhân quyền của Phương Tây có im lặng trước vụ bắt giữ ông Durov hay không, sau khi họ chỉ trích quyết định của Nga “tạo trở ngại” cho hoạt động của Telegram ở Nga vào năm 2018.

Telegram cho phép lập các nhóm lên tới 200.000 thành viên, điều mà các nhà phê bình cho rằng đã giúp thông tin sai lệch dễ dàng lan truyền hơn và để người dùng chia sẻ nội dung khó có thể kiểm soát, thậm chí liên quan đến tư tưởng cực đoan, ấu dâm hoặc khủng bố.

Tại Vương quốc Anh, ứng dụng này đã được xem xét kỹ lưỡng vì có chứa các kênh cực hữu vốn là công cụ gây ra tình trạng bạo động ở các thành phố của Anh vào đầu tháng này.

Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, Telegram đã loại bỏ một số nhóm, nhưng nhìn chung, hệ thống kiểm duyệt nội dung cực đoan và bất hợp pháp của họ yếu hơn đáng kể so với các công ty truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin khác.

Giám đốc điều hành (CEO) - Pavel Durov của ứng dụng mạng xã hội Telegram

Giám đốc điều hành (CEO) - Pavel Durov của ứng dụng mạng xã hội Telegram

Trong khi đó các quan chức Pháp cho biết ông Durov đã bị bắt tại một sân bay phía bắc Paris theo lệnh truy nã vì tội liên quan đến ứng dụng này. Cuộc điều tra được cho là về việc kiểm duyệt không đầy đủ, trong đó ông Durov bị cáo buộc đã không thực hiện các bước để hạn chế việc sử dụng Telegram cho mục đích tội phạm.

Ứng dụng này bị cáo buộc không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật về buôn bán ma túy, nội dung khiêu dâm trẻ em và lừa đảo.

Telegram cho biết trong một tuyên bố rằng “sự kiểm duyệt nằm trong tiêu chuẩn và không ngừng cải thiện”. Ứng dụng cho biết: “Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó”. Telegram cho biết ông Durov thường xuyên đi du lịch ở châu Âu và nói thêm rằng họ tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, nhằm đảm bảo một môi trường trực tuyến an toàn và có trách nhiệm.

Tuyên bố của ứng dụng cho biết: “Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện liên lạc và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ giải pháp nhanh chóng cho tình trạng này".

Các nguồn tin tư pháp được hãng tin AFP trích dẫn cho biết việc giam giữ ông Durov đã được gia hạn vào ngày 25/8 và có thể kéo dài tới 96 giờ. Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra ở Nga và hiện sống ở Dubai, nơi Telegram có trụ sở. Ông có quốc tịch của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Pháp.

Telegram đặc biệt phổ biến ở Nga, Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng này đã bị cấm ở Nga vào năm 2018, sau khi ông từ chối giao dữ liệu người dùng trước đó. Lệnh cấm đã được xóa bỏ vào năm 2021.

Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat.

Ông Durov thành lập Telegram vào năm 2013. Ông rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng truyền thông xã hội VKontakte mà ông đã bán.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/vu-bat-giu-ceo-cua-telegram-khoet-sau-mau-thuan-giua-nga-va-phuong-tay_166486.html