VSTEP cần tiến tới được khu vực công nhận, tránh lãng phí cho người học

AI chấm điểm kỹ năng nói cho thí sinh sẽ không còn sự can thiệp của con người vào chấm thi, giúp bài thi thực chất và tăng mức độ tin cậy hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

So với quy định hiện hành, dự thảo Thông tư mới có một số điểm đáng chú ý và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu (Common European Framework of Reference - viết tắt là CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).

Chứng chỉ VSTEP (viết tắt của Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là một kỳ thi tiếng Anh được phát triển và tổ chức tại Việt Nam, nhằm đánh giá và chứng minh khả năng tiếng Anh của người Việt; là chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do các trường ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.

Giúp chuẩn hóa chất lượng, hướng tới quốc tế công nhận

Hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh là một trong những điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho sinh viên. Trường Đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Sĩ Trường - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học (Trường Đại học Lạc Hồng) cho biết, nhà trường tổ chức 5-6 đợt/năm thi chứng chỉ VSTEP.

Đánh giá chung về những điểm mới của dự thảo thông tư, theo thầy Trường: “Những điểm mới của dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 23 cơ bản hướng tới nâng cao chất lượng đề thi và tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là thông tư chỉ quy định khung, yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với các đơn vị tổ chức thi, chứ không quy định chi tiết về yêu cầu, quy trình tổ chức thi như hiện hành.

Kỳ thi nào cũng phải có quy chế, quy định, điều kiện cần đạt được chuẩn chất lượng tương ứng. Nếu những điểm mới của dự thảo được thông qua, các đơn vị tổ chức thi thực hiện đúng quy định thì rất tốt, giúp bảo đảm chất lượng từ khâu ra đề thi cho đến tổ chức, chấm thi”.

Chứng chỉ VSTEP được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu. Tuy nhiên, chứng chỉ này mới chỉ sử dụng được ở trong nước, chưa có giá trị sử dụng đối với những người có nhu cầu đi nước ngoài để học tập, làm việc,...

Thực tế không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ VSTEP B2 nhưng không thể sử dụng chứng chỉ này như một “giấy thông hành” để đi du học. Chính vì thế, nhiều người có ý định du học phải tìm đến các trung tâm luyện thi tiếng Anh để học và mong muốn sở hữu chứng chỉ IELTS. Điều này khiến cho người học tốn thêm thời gian, tiền bạc.

Ghi nhận chia sẻ từ “người trong cuộc”, bạn Nguyễn Thị Hồng (22 tuổi, ở Hà Nội) tâm sự với phóng viên rằng: “Để có chứng chỉ VSTEP C1, em đã phải dành khá nhiều thời gian ôn luyện. Song, sau khi em đạt chứng chỉ VSTEP C1 thì cảm thấy khá buồn vì không thể sử dụng chứng chỉ này để đi du học. Do đó, em phải tiếp tục đăng ký học ở một trung tâm luyện thi IELTS với mức tiền học phí và lệ phí thi đắt hơn rất nhiều so với VSTEP. Điều này khiến cho em cảm thấy khá tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức”.

Theo Hồng, đề thi VSTEP cũng đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết rất bài bản và để đạt chứng chỉ VSTEP C1 không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người. Mong muốn của Hồng là chứng chỉ VSTEP không chỉ dừng lại ở việc sử dụng trong nước mà còn được quốc tế công nhận để tạo thuận lợi, tránh lãng phí cho người học.

Với những điểm mới của dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 23, thầy Trường cho rằng sẽ góp phần chuẩn hóa chất lượng chứng chỉ VSTEP, hướng tới quốc tế công nhận, giúp giá trị của chứng chỉ VSTEP có thể cạnh tranh được so với các chứng chỉ ngoại ngữ khác. Song, để chứng chỉ VSTEP được quốc tế công nhận, bên cạnh sự chuẩn hóa về đề thi, công tác tổ chức thi, còn cần phải có bước xúc tiến, can thiệp của nhà nước trong việc kết nối chứng chỉ trong nước với quốc tế.

Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất tâm đắc và đồng tình với những điểm mới của dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 23.

 Nguồn ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

“Chứng chỉ VSTEP là chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dành riêng cho người Việt Nam. Đối với không ít người học, việc thi để đạt từng cấp, bậc của chứng chỉ VSTEP không dễ. Mỗi tháng, nhà trường tổ chức 1 đợt thi chứng chỉ VSTEP, mặc dù đã ôn rất kỹ nhưng cao nhất cũng chỉ có hơn 60% thí sinh dự thi đạt yêu cầu.

Với những điểm mới của dự thảo thông tư, hy vọng sẽ hướng tới không chỉ nâng cao chất lượng chứng chỉ VSTEP mà còn khẳng định được năng lực ngoại ngữ của người đạt chứng chỉ VSTEP”, thầy Nhân chia sẻ.

Đề xuất tiến tới AI chấm điểm kỹ năng nói của thí sinh

Một trong những điểm mới của dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình là quy định rõ quy trình xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi giữa các đợt thi.

Thầy Nhân cho rằng, để chứng chỉ VSTEP được quốc tế công nhận thì chứng chỉ phải được đánh giá công tâm, chất lượng. Và một trong những tiêu chí đảm bảo chất lượng chứng chỉ là đề thi, mức độ trùng lặp câu hỏi giữa các đợt thi.

“Hiện nay, ngân hàng câu hỏi thi chứng chỉ VSTEP tương đối tốt, việc trùng lặp câu hỏi giữa các đợt thi phụ thuộc vào số lượng câu hỏi, bộ đề thi. Sau khi lựa chọn ngẫu nhiên, việc trùng lặp 5-10% câu hỏi trong đề thi/đợt thi cũng không phải vấn đề lớn, không ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi thi giữa các đợt thi sẽ làm phong phú ngân hàng đề thi, tránh để xảy ra tình trạng học tủ, đánh giá năng lực ngoại ngữ thiếu thực chất, khiến giảm chất lượng kỳ thi”, thầy Nhân chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Trường bày tỏ, khi ngân hàng câu hỏi đủ phong phú thì đơn vị tổ chức thi không quá lo lắng về sự trùng lặp câu hỏi trong các đợt thi.

Về việc tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các khâu của công tác tổ chức thi; yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ, thầy Trường cho hay, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều khâu trong việc quản lý hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tổ chức thi. Tuy nhiên, về việc cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi, trước mắt, đơn vị vẫn chưa thực hiện được.

“Để vừa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các khâu tổ chức thi, vừa cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi, có thể áp dụng công nghệ số vào việc xác định đối tượng dự thi bằng sinh trắc học. Từ đó, giúp xác định đúng thí sinh dự thi, chống thi hộ, thi thay, bảo đảm công bằng, tin cậy”, thầy Trường cho biết.

Cùng nêu quan điểm về quy định cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi, một cán bộ trung tâm ngoại ngữ - tin học của cơ sở giáo dục đại học ở khu vực phía Nam cho biết, hiện nhà trường chưa có thiết bị để thực hiện. Muốn làm được quy định trên, đơn vị tổ chức thi chứng chỉ cần thiết phải trang bị mỗi máy tính 1 camera để chụp hình ảnh của thí sinh.

"Đối với nhà trường, mỗi phòng thi chứng chỉ VSTEP đều được bố trí 2 camera ghi hình suốt quá trình thi. Trước khi vào phòng thi, thí sinh được quét an ninh để kịp thời phát hiện đối tượng sử dụng các thiết bị thực hiện hành vi gian lận", vị này chia sẻ.

Còn thầy Nhân cho hay, hiện nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng vào một số khâu trong công tác tổ chức thi chứng chỉ VSTEP; phòng thi được lắp camera giám sát, thí sinh làm bài thi trên máy tính, công tác chấm thi tự động nên có thể giảm tối đa sự can thiệp của con người vào khâu chấm thi,...

Tuy nhiên, trong khi các kỹ năng nghe, đọc và viết được chấm bằng hệ thống phần mềm thì kỹ năng nói của thí sinh vẫn phải do giảng viên đánh giá, chấm điểm (giảng viên phải nghe file ghi âm phần nói của thí sinh trên hệ thống bài thi). Do đó, nếu tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chấm thi thì có thể cải tiến bằng cách để AI (trí tuệ nhân tạo) chấm điểm kỹ năng nói cho thí sinh.

“Trong tương lai, nếu AI chấm điểm kỹ năng nói cho thí sinh thì sẽ không còn sự can thiệp của con người vào trong quá trình chấm thi, giúp bài thi thực chất và tăng mức độ tin cậy hơn. Hơn nữa, việc này cũng làm cho bài thi được chấm một cách khách quan, công tâm. Tuy nhiên, trước khi áp dụng AI vào chấm điểm, công cụ chấm phải được lấy mẫu thử nhiều lần và có hội đồng chuyên môn đánh giá thì mới đưa vào vận hành", thầy Nhân chia sẻ.

VSTEP là một bài thi đang dần được lựa chọn rộng rãi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho phép miễn thi với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Bậc 3 (VSTEP B1) hoặc được quy đổi sang điểm 10 môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vstep-can-tien-toi-duoc-khu-vuc-cong-nhan-tranh-lang-phi-cho-nguoi-hoc-post247700.gd