Vòng tròn sự sống
Trong thế giới hình học thì hình tròn quen thuộc, gần gũi nhất với con người. Theo một khảo sát khoa học thực nghiệm bằng cách đưa cho mỗi người một tờ giấy trắng và đề nghị vẽ bất kỳ hình gì mình thích. Kết quả cho thấy số người vẽ hình tròn nhiều nhất.
Điều này được một trường phái giải thích là "di truyền" theo cơ chế "vô thức cộng đồng". Vì từ thuở hồng hoang con người ta bắt đầu tư duy thì hình tròn là một trong những ký hiệu đầu tiên được tri giác. Bộ môn khảo cổ học tán thành và cho biết thêm trên các bức vách đá của hang động cổ xưa nhất (cách đây khoảng 17.000 năm) thì hình tròn được vẽ sớm nhất.
Những ai trên 50 tuổi đều nhớ hồi trẻ con bắt đầu học chữ là học chữ O. Ngày đầu tiên cầm bút chì, đứa nào tô tròn nhất liền được cô khen. Cô cậu học trò ấy dù mặt có dài ngoẵng lem nhem mũi dãi, đất cát nhưng được khen, thích đến nỗi mặt tròn cả ra, mãn nguyện.
Trang đầu tiên của sách giáo khoa vỡ lòng là hình con gà trống "gáy" ra mấy ký tự Ò, Ó, O... Hình như về sau các nhà giáo dục cãi nhau rồi mỉa mai nhau về chuyện này: Đời nào lại dạy trẻ vào đời bằng ba số O (không) thế!!! Thế là lại thay sách... Chuyện đó thuộc tầm vĩ mô. Bây giờ ta bàn chung quanh cái biểu tượng quen mà lạ ấy!
Bất kỳ người phương Đông nào cũng biết đến hình tròn âm dương, gọi chữ là Thái cực đồ - một vòng tròn, gồm hai nửa đen (âm) đỏ (dương) đối xứng ôm khít lấy nhau. Trong phần này (âm) lại có một chấm tròn đối lập (dương).
Đến nay người ta chứng minh Thái cực đồ là sản phẩm khoa học đích thực được nghiên cứu từ sự quan sát thiên văn bằng cách đo bóng nắng mặt trời. Cắm một chiếc cột thẳng trên mặt đất làm tâm điểm rồi đánh dấu tất cả khu vực mà bóng cột quét trong một năm, ta sẽ có một mô hình Thái cực đồ.
Nhìn vào mô hình này, ai cũng có thể phát biểu về quan hệ âm dương gắn bó mật thiết, chuyển hóa cho nhau trong vòng tròn cuộc sống. Tất cả đều tuân theo chu kỳ vòng tròn, khép kín: âm cực sinh dương, dương cực sinh âm. Thế nên ai có nghèo (âm) cũng tin rằng chẳng "khó ba đời" cả, sẽ có ngày giàu sang (dương)...
Thậm chí cực đoan, đến nay còn có thuyết "âm mưu" cho rằng văn minh trái đất cũng tuân theo "thái cực đồ" tức lên tới đỉnh cao rồi lại xuống đáy. Mà đỉnh cao văn minh nhân loại (cực dương) là thời xây Kim Tự tháp Ai Cập, rồi rơi xuống đáy (cực âm) là thời kỳ "bóng đêm" Trung cổ. Còn thời đại ngày nay đang tiệm tiến đến đỉnh cao mà Cách mạng 6.0 hoặc 7.0 sẽ là một đỉnh cao mới. Người ta chứng minh có lý rằng Kim Tự tháp chỉ xây được khi có sự "lập trình" của máy tính ở thời hôm nay!
Đấy là những vòng tròn trừu tượng. Còn cụ thể, lại có một thuyết "âm mưu" ghê gớm hơn khi "khẳng định" các vòng tròn có đường kính hàng trăm mét trên các cánh đồng lúa mạch ở Anh là do người ngoài hành tinh tạo ra. Vì đơn giản người trái đất không thể tạo được những hình thù, những hoa văn rắc rối kỳ lạ như vậy...!!
Ở cấp độ mô hình toàn thế giới, ai cũng thấy lá cờ Olympic có 5 vòng tròn với 5 màu sắc khác nhau móc nối vào nhau biểu trưng cho sự đoàn kết của 5 châu lục. Tại sao lại là 5 vòng tròn? Điều này chính Ủy ban Olympic giải thích, đó là sự "thể hiện tính liên tục, sự toàn vẹn của thế giới".
Người ta còn cụ thể hơn, giải thích rằng mọi sự vận động đều trên cơ sở vòng tròn: ngày và đêm là một vòng tròn khép kín; đời người là một vòng tròn, ai cũng đến lúc "một già một trẻ bằng nhau"; bánh xe vòng tròn xe mới chạy được; quả bóng tròn mới gắn kết và gắn nối mọi người dù có xa đến mấy;...
Các nhà triết học theo khuynh hướng bản thể luận thì giải thích có phần "hàn lâm" rằng hình tròn là một dạng của sự vĩnh cửu, không có điểm bắt đầu cũng không có điểm kết thúc. Từ góc độ này người ta còn khẳng định người Nhật rất "triết học" khi lấy hình Mặt trời đỏ làm biểu tượng quốc huy.
Xét từ truyền thuyết thì mặt trời là hóa thân của nữ thần Amaterasu, vị thần thủy tổ của nước Nhật. Màu trắng nền cờ biểu trưng cho sự trung thực, thẳng thắn của tính cách Nhật. Thế là nói tới văn hóa Nhật là phải nói tới hình ảnh vòng tròn Zen trong thiết kế luôn là điểm nhấn của không gian kiến trúc. Đó là ánh sáng của trí tuệ, của viên mãn tròn đầy. Còn là biểu thị cho tư duy mở, hạnh phúc với sự chia sẻ, cởi mở, phóng khoáng để đón những cái mới...
Với văn hóa Hồi giáo thì hình tròn như là một hằng số, một "mẫu gốc" đẻ ra các mô hình hình tròn, oval, hình cầu... trong trang trí kiến trúc, sinh hoạt. Với người da đỏ ở Bắc Mỹ, hình tròn ngoài sự thể hiện chu kỳ thời gian còn mang lại sự yên tâm. Thế nên các lều ở của họ thường hình tròn.
Ngày nay trò chơi ném Boomerang (một vật chơi bằng gỗ thường có hình tam giác) vẫn rất phổ biến của thổ dân châu Úc: người chơi ném nó quay một vòng trong không gian rồi nó trở về đúng vị trí cũ. Thậm chí chính xác đến mức chém vỡ quả trứng người chơi đặt trên đầu!
Nhìn chung, với mọi nền văn hóa thì hình tròn là biểu tượng của năng lượng dương, tích cực, mạnh mẽ. Hình tròn thường dễ vận động, di chuyển hơn các hình khác. Nó là biểu trưng của khí và bầu trời (cung Hoàng Đạo), của nhịp điệu cuộc sống (vòng Âm Dương), của thời gian (mặt đồng hồ), sự chứng minh hôn nhân (nhẫn cưới), sự bảo mệnh (vòng cổ)... Từ đó vật phong thủy thường mang hình tròn.
Nguyên thủy, đồng tiền kim loại thường hình tròn, dễ trao đổi, giao dịch, cơ bản hơn là biểu trưng cho sự luân chuyển, sinh sôi. Qua năm tháng mã văn hóa vòng tròn/đồng tiền dày lên thêm các lớp ý nghĩa như sự vĩnh cửu, sự kỳ diệu và tính bí ẩn, hấp dẫn... Còn là sự mềm mại (mãi gần đây ở ta mới có thuật ngữ "đường cong mềm mại" chính là "di truyền" từ "vô thức cộng đồng"!). Vì lẽ này các vòng xuyến, các "bốt" giao thông thường kiến trúc theo mô hình "hình xuyến"!!!
Vòng tròn của bánh xe luân hồi như là một biểu tượng cơ bản của văn hóa Phật giáo. Đó là biểu trưng cho sự chuyển động của tạo hóa, cho sự hoàn thiện từ bên trong, cho sự phát triển của giác ngộ. Bánh xe vĩ đại hay quả cầu ánh sáng cũng có thể coi là biểu tượng lòng từ bi của Đức A Di Đà luôn tỏa ánh sáng cứu độ khắp cõi chúng sinh.
Ngày nay vào bất cứ ngôi chùa nào cũng thấy vòng hào quang hình tròn tỏa sáng từ tượng Đức Phật chính là mang ý nghĩa ánh sáng soi cho nhân quần thoát khỏi bến mê tham sân si để cập bến bờ an lạc! Thế nên các tín đồ đi vòng quanh tháp stupa tượng trưng cho Tuệ giác sẽ đến gần hơn với sự Giác ngộ. Các tượng Phật cũng thường kiến trúc theo mô hình vòng tròn.
Ở Việt Nam có tượng Phật Nghìn mắt nghìn tay rất nổi tiếng cũng cấu trúc theo mô hình này. Đó là khát vọng tuyệt vời của con người gửi gắm vào Đức Tin: có nghìn mắt để nhìn thấu nỗi khổ chúng sinh, có nghìn tay để "cứu độ" trầm luân nhân thế!
Ấn Độ có một truyền thống triết học rất sâu sắc, một phần nào đó thể hiện trong Kinh Vệ Đà với hình tượng mặt trời biến thể qua hình dáng của một vòng tròn hoặc bánh xe. Bánh xe tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ. Tâm của bánh xe biểu trưng cho sự sống còn các nan hoa (đũa) tượng trưng cho vạn vật của vũ trụ.
Số lượng các nan hoa là 5, 12, 360, tượng trưng cho 5 mùa, 12 tháng, 360 ngày trong năm. Giữa vòng tròn là ba con thú ngậm đuôi nhau như một vòng nhân quả; gà trống (biểu tượng cho sự kiêu căng tham dục), rắn (biểu trưng cho sự sân hận ác độc), và heo (biểu trưng cho si ngu ngốc)...
Trong văn hóa Việt, hình tròn cũng góp phần làm nên nét bản sắc độc đáo. Không ai quên triết lý truyện "Bánh chưng bánh giầy" nói về quan niệm vũ trụ trời tròn đất vuông, là sự hiếu thảo, hiếu nghĩa, chăm chỉ, cần cù, trong sáng...
Không phải là niềm tự tôn dân tộc thái quá mà là vấn đề khoa học: biểu tượng vuông tròn (rất rõ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ) của người Việt cổ có trước biểu tượng âm dương của Đạo giáo (đầu Công nguyên).
Người Việt coi "vuông tròn" là sự hoàn thiện, hạnh phúc: "Mẹ tròn con vuông"; "Trăm năm tính cuộc vuông tròn" ("Kiều"); hoàn mỹ, vững bền, muôn thuở: "Ba vuông sánh với bảy tròn/ Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu"; "Lạy trời cho đặng vuông tròn/ Trăm năm cho trọn lòng son với chàng"...
Có thể lý giải ra đời từ xứ Lạc Việt, qua tiếp biến văn hóa (cả tự nhiên và cưỡng bức) mà mô hình vuông tròn ngược lên phương Bắc rồi được biến cải, thêm thắt thành mô hình âm dương - biểu tượng hạt nhân của văn hóa châu Á!?
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/vong-tron-su-song-620367/