Với CSRD doanh nghiệp cần quan tâm thực hành phát triển bền vững chứ không chỉ là 'dấu chân' môi trường

Bước tiến lớn của Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD) trong việc đẩy mạnh thực hành phát triển bền vững là nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính, góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội, thay vì chỉ tập trung vào 'dấu chân' môi trường của bản thân doanh nghiệp.

CSRD được Liên minh châu Âu (EU) ban hành tháng 12/2022, chính thức có hiệu lực từ năm tài chính 2024. Chỉ thị này yêu cầu doanh nghiệp phải công bố đầy đủ và chi tiết kết quả hoạt động PTBV và các ý nghĩa chiến lược liên quan. Các yêu cầu công bố thông tin được quy định trong Tiêu chuẩn Báo cáo phát triển bền vững châu Âu (ESRS).

Trong một báo cáo gần đây, PwC (1 trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới) đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp tuân theo Chỉ thị này trong việc tích hợp thực hành phát triển bền vững (PTBV) vào trọng tâm chiến lược tổng thể, từ đó mở ra những cơ hội mới trong hành trình tạo lập giá trị của mình, thay vì chỉ tập trung vào dấu chân môi trường của bản thân doanh nghiệp. Như vậy, xét ở nhiều khía cạnh, CSRD không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin phi tài chính, mà còn tạo nền tảng cho việc hướng đến thực hành phát triển bền vững trong doanh nghiệp một cách bài bản và hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, liên quan đến các quy định của CSRD có 2 nhóm đối tượng chính, đó là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu

Tại Việt Nam, liên quan đến các quy định của CSRD có 2 nhóm đối tượng chính, đó là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu

Hướng doanh nghiệp đến đẩy mạnh thực hành phát triển bền vững, thay vì chỉ tập trung vào “dấu chân” môi trường

Gần đây nhất, ngày 7/2/2024, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đề xuất gia hạn thời điểm tuân thủ CSRD thêm 2 năm, tức là đến tháng 6/2026, đối với các công ty không đặt trụ sở tại EU và 8 nhóm ngành, bao gồm: dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, năng lượng, dệt may. Đây là 8 nhóm ngành có tiêu chuẩn báo cáo riêng (sector standard) trong ESRS và có tác động đáng kể tới môi trường.

Chỉ thị CSRD sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi châu Âu. Chỉ thị CSRD cũng hướng đến đẩy mạnh thực hành PTBV, thay vì chỉ tập trung vào “dấu chân” môi trường của bản thân doanh nghiệp. Trong đó, CSRD nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội. Ví dụ, với ngành hàng tiêu dùng, trên 90% tác động về môi trường của ngành này thực tế nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Vì vậy, Chỉ thị CSRD có ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều công ty thuộc chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp có hoạt động tại châu Âu. Bởi vì các công ty này sẽ cần cung cấp dữ liệu PTBV cho đối tác hoặc công ty mẹ tại châu Âu để đảm bảo việc tuân thủ với CSRD.

Thúc đẩy doanh nghiệp thực hành

Tại Việt Nam, liên quan đến các quy định của CSRD có 2 nhóm đối tượng chính, đó là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu. Các công ty này sẽ cần cung cấp dữ liệu PTBV cho đối tác hoặc công ty mẹ tại châu Âu để đảm bảo việc tuân thủ với CSRD, bao gồm các phân tích liên quan đến phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và nhân quyền. Đồng thời liên hệ những vấn đề này tới các cơ hội và rủi ro tài chính của doanh nghiệp, cũng như các tác động của doanh nghiệp đến xã hội và môi trường. Ngoài ra, các công ty cũng bắt buộc phải công bố các chiến lược và kế hoạch để quản lý song song hiệu quả hoạt động phát triển bền vững và hiệu quả tài chính.

Mặc dù CSRD tập trung vào việc yêu cầu công bố thông tin phát triển bền vững đầy đủ và chặt chẽ, nhưng đích đến của CSRD là thúc đẩy hành vi thực hành kinh doanh hướng tới PTBV.

Trong báo cáo phát hành vào tháng 7 năm 2023, PwC đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị như thế nào?”. Phần lớn các CEO đều không ngần ngại đưa ra đáp án, đó là các mục tiêu phát thải ròng bằng “0”(Net Zero), cũng như lộ trình khử cacbon, nỗ lực thiết kế các sản phẩm và dịch vụ xanh, hay các dự án về kinh tế tuần hoàn. Trong khi một số CEO sẽ đề cập đến việc có những bước đi chiến lược quyết liệt nhằm điều chỉnh lại danh mục kinh doanh, các loại sản phẩm hoặc dịch vụ và năng lực doanh nghiệp cho phù hợp với những cơ hội sẽ được tạo ra trong tiến trình phát triển bền vững. Một số khác lại cân nhắc thực hiện các chiến lược mạnh mẽ để tránh những rủi ro nghiêm trọng xuất phát từ các vấn đề môi trường và xã hội, như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.

Tuy nhiên, PwC đã cho biết có khả năng nhiều CEO sẽ sớm có những hành động thiết thực hơn để giải quyết các tác động về chiến lược và tài chính xuất phát từ việc thực hành PTBV. Một trong các động lực thúc đẩy quyết định này đến từ các tiêu chuẩn báo cáo mới của EU; Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Hội đồng Tiêu chuẩn phát triển bền vững Quốc tế (ISSB). Trong số 3 tiêu chuẩn quan trọng này, thường được đề cập đến là “big three” được nêu trong CSRD mà EU đã ban hành tháng 12/2022.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp ngành Dệt May đã bắt tay vào việc tích hợp các chủ đề phát triển bền vững vào các chiến lược kinh doanh cốt lõi. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc này vẫn “chưa trở thành một thực hành phổ biến”, do việc tích hợp cơ bản các chủ đề phát triển bền vững như biến đổi khí hậu và nhân quyền mới chỉ đáp ứng yêu cầu tuân thủ pháp luật và quy định của thị trường nhập khẩu, chưa đạt được sự gắn kết thực hành phát triển bền vững với việc kiến tạo giá trị của các doanh nghiệp.

Ngành Dệt May đã tích hợp các chủ đề phát triển bền vững vào các chiến lược kinh doanh qua đó góp phần giảm thiểu dấu chân các bon.

Ngành Dệt May đã tích hợp các chủ đề phát triển bền vững vào các chiến lược kinh doanh qua đó góp phần giảm thiểu dấu chân các bon.

Theo giải thích của ông Vũ Đức Giang, khi một công ty may mặc xác định việc sử dụng nước là một chủ đề trọng yếu, sẽ phải gắn liền chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp với các tác động, cơ hội và rủi ro, đồng thời phải công bố các chỉ số hiệu suất liên quan. Ví dụ, việc sử dụng nước trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ trồng bông đến sản xuất vải, công bố lượng nước tiêu thụ và hiện trạng nguồn nước khu vực đặt nhà máy. Với các quy định tiêu chuẩn khắt khe này, nếu doanh nghiệp thiếu cẩn trọng trong việc đánh giá các chủ đề phát triển bền vững và lập kế hoạch ứng phó, sẽ có thể là “bằng chứng để các bên liên quan đưa ra kết luận”. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những “hậu quả tài chính” không mong muốn.

Từ thực tế này, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu doanh nghiệp chọn cách tiếp cận báo cáo CSRD chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ đơn thuần - nghĩa là, nếu doanh nghiệp chọn không quan tâm tới mối liên hệ giữa thực hành phát triển bền vững và việc tạo lập giá trị - thì việc tuân theo Chỉ thị CSRD này sẽ mang lại rất ít lợi ích. Ngoài ra, giá trị doanh nghiệp cũng có thể suy giảm nếu nhà đầu tư nhận thấy doanh nghiệp chưa liên kết chặt chẽ các rủi ro và cơ hội liên quan đến phát triển bền vững với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Mặt khác, nếu áp dụng đúng mục đích của CSRD, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn cách thức các yếu tố phát triển bền vững mang lại các tác động tích cực trong hành trình tạo lập giá trị của mình, từ đó mang lại kết quả tài chính tốt hơn.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đang chọn cách thành lập các nhóm chuyên gia đa ngành về tài chính, phát triển bền vững, quan hệ nhà đầu tư và chiến lược, sau đó đề xuất các phương thức toàn diện nhằm giải quyết các thách thức và cơ hội phát sinh từ các vấn đề phát triển bền vững. Ví dụ, doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi nhờ tích hợp vào chiến lược kinh doanh các khoản thuế và ưu đãi thuế xanh, có số lượng hiện đã lên đến hàng nghìn loại. Kinh nghiệm của PWC cho thấy, các giám đốc tài chính (CFO) có vị trí đặc biệt phù hợp để đóng góp trong quá trình này bằng cách chỉ đạo việc sử dụng các yếu tố phát triển bền vững trong hoạch định chiến lược và tài chính, cũng như đối thoại tích cực và hiệu quả với các nhà đầu tư.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/voi-csrd-doanh-nghiep-can-quan-tam-thuc-hanh-phat-trien-ben-vung-chu-khong-chi-la--dau-chan--moi-truong-126638.htm