VnSAT Đồng Tháp nâng thu nhập của nông dân

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án 'Chuyển đổi nông nghiệp bền vững' (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho tỉnh Đồng Tháp, thu nhập của nông dân trong vùng dự án tăng bình quân 15% so với trước khi có dự án.

Dự án sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị cho hợp tác xã/tổ hợp tác khi có ít nhất 50% hộ nông dân hoặc 50% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”

VnSAT hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo thực hiện ở 6 huyện (23 xã, 41 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác). Thời gian thực hiện 5 năm (2015 -2020). Dự án bao phủ chuỗi sản xuất lúa gạo, từ tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, "1 phải, 5 giảm”, xây dựng điểm trình diễn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị cho nông dân đến việc kết nối hợp tác xã với DN để hình thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị cho hợp tác xã/tổ hợp tác (tổ chức nông dân) khi có ít nhất 50% hộ nông dân hoặc 50% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”.

Để đạt được yêu cầu này, sau khi UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án, Ban quản lý dự án VnSAT triển khai ngay các hoạt động như: Xây dựng bộ máy từ tỉnh, huyện, xã, đến hợp tác xã; mua sắm thiết bị văn phòng; tập huấn chuyên môn cho cán bộ dự án; tuyên truyền giới thiệu nội dung dự án đến chính quyền địa phương và tổ chức nông dân; tham mưu đề xuất các văn bản hướng dẫn thực hiện; ký kết liên tịch với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để vận động nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm”.

Bên cạnh công tác triển khai, tỉnh Đồng Tháp đã nhanh chóng tổ chức đào tạo kỹ thuật trồng lúa bền vững cho nông dân theo bộ tài liệu hướng dẫn của dự án và xây dựng các điểm trình diễn. Đến nay có 15.300 hộ nông dân, với diện tích canh tác gần 27.000ha được đào tạo về "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; chiếm trên 80% diện tích tham gia dự án. Việc giảm giống, giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu đã làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân so với trước đây, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài việc đào tạo kỹ thuật cho nông dân, Ban Quản lý dự án VnSAT tập trung tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho tổ chức nông dân như: Tổ chức 19 lớp tập huấn về giống lúa, cơ cấu giống và giám sát quản lý dịch hại trên lúa; 4 lớp về quản lý và phát triển hợp tác xã; 3 cuộc hội thảo về tưới nước tiết kiệm cho lúa, các giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, biến đổi khí hậu; 2 lớp hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng.

Năm 2018, được sự quan tâm của WB, bộ ngành Trung ương và UBND các cấp, cùng với sự đồng tình ủng hộ của bà con nông dân, VnSAT tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đảm bảo tiến độ dự án, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2017, Ban Quản lý dự án VnSAT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ 6 huyện (Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh) tổ chức tập huấn vận động tuyên truyền cho 600 phụ nữ về lợi ích của việc áp dụng "3 giảm, 3 tăng". Tháng 3/2018 Hội Nông dân tỉnh đang lập kế hoạch triển khai các lớp tập huấn cho hội viên trong vùng dự án về sản xuất lúa bền vững theo quy trình "1 phải, 5 giảm".

Để tăng tỷ lệ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên, Ban Quản lý dự án VnSAT đã xây dựng và phát cho tổ chức nông dân: 6.600 tờ rơi, 234 đĩa CD; 4 phóng sự phát trên Đài Phát thanh -Truyền hình Đồng Tháp các nội dung tuyên truyền về dự án. Các huyện chủ động đưa 426 tin trên Đài Truyền thanh huyện về kết quả thực hiện dự án của địa phương mình, gương nông dân tiêu biểu áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Thông qua các hoạt động của dự án, nhận thức của nông dân được nâng lên. Đến nay số hộ nông dân áp dụng quy trình sản xuất "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trên đồng ruộng của mình chiếm bình quân 50% số hộ được tập huấn và tăng gấp 4 lần trước khi có dự án.

Kết quả này đã đáp ứng điều kiện đầu tiên để được dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị cho tổ chức nông dân. Giai đoạn 1, có 7 hợp tác xã (Mỹ Đông 2, Thắng Lợi, Thuận Tiến, Bình Hòa, An Thạnh, Số 01 Tân Thành A, Phước Tiền) được Bộ NN-PTNT phê duyệt 29 danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị với giá trị 52,8 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 31,8 tỷ đồng, vốn đối ứng 21 tỷ đồng, bao gồm: Trạm bơm điện, trạm biến áp, đường dây trung thế, kho trữ lúa, lò sấy lúa, máy cuốn rơm, cống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng. Ban Quản lý dự án VnSAT đang thuê tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, trình phê duyệt. Dự kiến đến cuối quý 2/2018 sẽ ký hợp đồng thi công.

Hiện các tổ chức nông dân đang gặp khó khăn trong việc đối ứng 70% để mua hàng hóa thiết bị. Ban Quản lý dự án VnSAT đang lập kế hoạch tổ chức hướng dẫn cho tổ chức nông dân thủ tục vay từ nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển.

Để tạo điều kiện cho các tổ chức nông dân được dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý cho UBND huyện sử dụng các nguồn vốn thủy lợi phí, vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, nguồn vốn hợp pháp khác để đối ứng thực hiện dự án VnSAT (20% vốn đối ứng để xây dựng hạ tầng) tại Thông báo số 367/TB-VPUBND ngày 21/11/2016.

Tại cuộc họp lần thứ 4 về đánh giá tiến độ thực hiện dự án, ông Sergiy Zorya, chuyên gia kinh tế cao cấp về nông nghiệp của WB, Chủ nhiệm dự án VnSAT tại Việt Nam cho biết: “Năm 2018 WB sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị cho tổ chức nông dân giai đoạn 2; hỗ trợ đa dạng hóa cây trồng, sản xuất lúa VietGAP để thu hút thêm các nhà máy sản xuất lúa gạo tham gia ký hợp đồng liên kết với nông dân”.

HUỲNH THỊ NGHĨA

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vnsat-dong-thap-nang-thu-nhap-cua-nong-dan-post214367.html