Vĩnh Phúc: Phổ biến kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh khi tham gia mạng xã hội
Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tham gia môi trường mạng xã hội cho hàng nghìn em học sinh trên địa bàn tỉnh.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, nhất là Công an các xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở từng địa bàn cơ sở. Trong đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức các chương trình ngoại khóa, hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng phù hợp với chương trình khóa học, lứa tuổi, bậc học; cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các hình thức phù hợp.
Theo đó, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, trường học tổ chức tuyên truyền, truyền đạt các nội dung về nhận diện thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật; trách nhiệm khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những kiến thức pháp luật trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội và tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh…Cùng với đó, lực lượng Công an tại các địa phương phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận diện và phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Đơn cử như ngày 23/9/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cần thiết trong quá trình tham gia mạng xã hội, phòng ngừa lôi kéo, tác động tham gia các hoạt động chống phá trong âm mưu thực hiện “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động cho toàn thể cán bộ, giáo viên và hơn 1.400 học sinh của Trường THPT Trần Phú. Tiếp đó, ngày 30/9, toàn thể cán bộ, giáo viên và gần 1.200 học sinh của Trường THPT Vĩnh Yên cũng được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cần thiết trong quá trình tham gia mạng xã hội, phòng ngừa lôi kéo, tác động tham gia các hoạt động chống phá trong âm mưu thực hiện “cách mạng màu”.
Thượng tá Lê Xuân Độ, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tại các chương trình, cán bộ, công nhân viên, giáo viên và hơn hàng nghìn em học sinh đã được phổ biến các nội dung cơ bản về: Nhận diện thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng; quy định của pháp luật, trách nhiệm khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; thực trạng tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng hiện nay; các biện pháp đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.... Cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời hướng dẫn các em học sinh những kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn như bảo mật thông tin cá nhân, ứng xử văn minh, nhận biết các dạng lừa đảo trên không gian mạng… các kỹ năng an toàn khi tham gia mạng xã hội, các kỹ năng cần làm ngay khi bị lừa đảo/nghi bị lừa đảo và những nhận thức cơ bản để nhận diện một số thủ đoạn tiến hành hoạt động “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường áp dụng thời gian qua.
Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, giáo dục các em thanh thiếu niên, học sinh cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động, không để các đối tượng thù địch, phần tử xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao nhận thức của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường.
Để chương trình hấp dẫn, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn kết hợp việc tuyên truyền cùng với trò chơi “hỏi đáp có thưởng” xoay quanh các nội dung được truyền đạt đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi cũng như nhận được nhiều sự tương tác tích cực từ phía các bạn học sinh, giúp chương trình truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa, mang đến những kiến thức bổ ích và cần thiết cho các thầy cô giáo và các em học sinh. Từ đó vận dụng có hiệu quả vào công tác, học tập và cuộc sống, góp phần xây dựng môi trường học đường và cuộc sống an toàn, lành mạnh. Qua đó, giúp kéo giảm tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Trước đó, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trường Cao đẳng FPT Polytechnic - Vĩnh Phúc tổ chức Talk Show - tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Ngoài các nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật An ninh mạng, Luật an toàn thông tin, Phòng ANCTNB Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã còn hướng dẫn xử lý cơ bản tình huống lừa đảo trên không gian mạng; các phương thức bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân và một số biện pháp phòng, tránh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay.
Qua đó, góp phần làm rõ hơn phương thức, thủ đoạn của hệ, loại tội phạm trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, tập thể đội ngũ giáo viên, CB-CNV nhà trường trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay nói chung.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cần thiết trong quá trình tham gia mạng xã hội và phòng ngừa các đối tượng xấu tác động, lôi kéo tầng lớp học sinh, sinh viên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước... là một trong những nội dung luôn được chú trọng triển khai, thực hiện tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng
Để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng tránh những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng.
1. Những hình thức lừa đảo phổ biến
- Lừa đảo qua tin nhắn, email: Các đối tượng thường giả mạo nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước để gửi tin nhắn, email thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng.
- Lừa đảo qua mạng xã hội: Tạo lập các tài khoản giả mạo, các nhóm, hội nhóm để lôi kéo người dùng tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh ảo, sau đó chiếm đoạt tài sản.
- Lừa đảo qua các trang web giả mạo: Tạo ra các trang web giả mạo các ngân hàng, cơ quan nhà nước, các cửa hàng trực tuyến uy tín để đánh cắp thông tin đăng nhập, mật khẩu.
- Lừa đảo qua điện thoại: Gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng, cơ quan công an để thông báo về các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, yêu cầu cung cấp mã OTP.
2. Các thủ đoạn thường gặp
- Tạo lòng tin: Các đối tượng thường sử dụng những lời lẽ hoa mỹ, hứa hẹn lợi nhuận cao để thu hút nạn nhân.
- Gây áp lực: Tạo ra tình huống cấp bách, đe dọa để buộc nạn nhân phải hành động theo ý muốn của chúng.
- Khai thác tâm lý: Lợi dụng lòng tham, sự cả tin, hoặc nỗi sợ hãi của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.
3. Cách phòng tránh
- Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ: Không tiết lộ mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan công an.
- Cẩn trọng với các đường link, tệp đính kèm: Không click vào các đường link lạ, không mở các tệp đính kèm từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc.
- Kiểm tra kỹ thông tin: Luôn kiểm tra kỹ thông tin trên các trang web, ứng dụng trước khi thực hiện giao dịch.
- Cập nhật phần mềm bảo mật: Cài đặt và cập nhật thường xuyên phần mềm diệt virus, tường lửa để bảo vệ thiết bị của bạn.
- Thông báo cho cơ quan chức năng: Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, hãy nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an để được hỗ trợ.
Mỗi người dân cần nâng cao kiến thức của bản thân, tìm hiểu thông tin về các hình thức lừa đảo phổ biến để chủ động phòng tránh. Cảnh giác với những lời mời hấp dẫn, không dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn lợi nhuận cao một cách bất hợp lý, luôn kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi đưa ra quyết định.