Vĩnh Long chuyển đổi số gắn liền với đảm bảo an toàn thông tin
Công tác đảm bảo an toàn thông tin thường xuyên được Vĩnh Long tập trung chú trọng trong quá trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ số.
Nhiều hoạt động đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số và Chính phủ số
Năm 2024, Vĩnh Long đạt nhiều kết quả hoạt động nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số và Chính phủ số. Cụ thể, Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh có 34 máy chủ vật lý, được thiết kế vận hành 212 hệ thống thông tin thành phần gồm: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP); hệ thống thư điện tử tỉnh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hệ thống quản lý dữ liệu lưu trữ lịch sử; hệ thống quản lý đất đai; hệ thống quản lý người có công; hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức; hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử; hệ thống quản lý giấy phép lái xe; hệ thống quản lý biên lai; hệ thống quản lý ngân sách đầu tư; hệ thống quản lý tiền lương; hệ thống xét duyệt và thẩm định quyết toán ngân sách....
Mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hệ thống mạng hoạt động ổn định thông suốt. 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối mạng WAN của tỉnh, tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt 98%.
Một trong những điểm nổi bật được Sở TT&TT chú trọng là việc đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ số.
Điển hình, trong quá trình hoạt động, từ hệ thống mạng diện rộng đến các cơ sở hạ tầng, ứng dụng của tỉnh hoạt động ổn định, không xảy ra sự cố bị tấn công mạng. Hệ thống tường lửa (firewall) triển khai 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện, cấp xã.
Vĩnh Long cũng đã triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh theo mô hình 4 lớp, có 100% cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc về Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia; 99,2% cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc; phê duyệt cấp độ, đạt tỷ lệ 97%.
Tỉnh cũng liên tục tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng với 7.076 lượt người tham dự. Tổ chức Hội thảo “Hạn chế lộ lọt thông tin và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” với hơn 200 đại biểu tham dự.
Trong năm 2024, Sở TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Công an tỉnh Vĩnh Long; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), đặc biệt Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh; Ban Công nghệ thông tin - Bộ tham mưu Quân khu 9; Ban Thông tin - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long tổ chức thành công diễn tập thực chiến an toàn, an ninh mạng năm 2024 với chủ đề “Phòng, chống tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trọng yếu” của Cụm thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố số 9 với 12 tỉnh khu vực do Sở TT&TT Vĩnh Long làm cụm trưởng, có 34 đội tham gia với 202 thành viên.
Kết quả, Sở TT&TT Vĩnh Long đạt 1 Giải nhất (Đội khai thác lỗ hổng) và 1 giấy khen (Đội Phòng thủ), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ toàn cụm.
Đại diện Sở TT&TT Vĩnh Long cho biết, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cần 3 yếu tố chính là con người, quy trình, công nghệ và yếu tố được đánh giá yếu nhất là con người.
Do đó, việc nhân sự về an toàn thông tin luôn được tuyển chọn khắt khe về đạo đức nghề nghiệp vì ranh giới giữa bảo vệ an toàn và làm mất an toàn rất mong manh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác an toàn thông tin
Năm 2025, Vĩnh Long sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT trong quản lý hành chính. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, gắn các mục tiêu chuyển đổi số với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tỉnh cũng sẽ triển khai Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC) và phòng IOC cấp huyện; kho dữ liệu dùng chung; nền tảng số dành cho người dân, doanh nghiệp (Smart Vĩnh Long).
Tăng cường phát triển hạ tầng số và dịch vụ công nghệ, đặc biệt là dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Tập trung triển khai quy hoạch ngành thông tin và truyền thông, hạ tầng số, chiến lược dữ liệu tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Về công tác an toàn thông tin, Vĩnh Long tiếp tục đầu tư, tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin của cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên môi trường mạng. Đảm bảo vận hành ổn định, an toàn thông tin cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và mạng diện rộng của tỉnh..
Thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn năm 2024; triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung và chia sẻ dữ liệu mã độc về Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; duy trì kết nối chia sẻ thông tin của Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Vĩnh Long cũng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn an toàn thông tin trong năm 2025.