Vĩnh Linh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Để giải bài toán về giảm sức lao động thủ công, các khoản chi phí và nâng cao hiệu sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, những năm qua huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; nhiều loại máy móc thiết bị được đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả tích cực.

 Thu hoạch lúa bằng máy trên đồng ruộng Vĩnh Linh -Ảnh: PN

Thu hoạch lúa bằng máy trên đồng ruộng Vĩnh Linh -Ảnh: PN

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động để địa phương thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp qua từng giai đoạn. Thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ cơ giới hóa vào sản xuất, nhiều giải pháp đã được triển khai như: Khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện để phục vụ sản xuất, hỗ trợ về nguồn vốn thông qua các kênh vay lãi suất thấp hay các dự án đầu tư; tích cực thực hiện việc tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung để từng bước cơ giới hóa một cách đồng bộ… Nhờ đó, số lượng các loại máy móc cơ giới liên tục tăng. Đến nay, toàn huyện có trên 800 máy kéo công suất trên 35 mã lực, 751 máy kéo có công suất từ 12-35 mã lực và gần 200 máy công suất dưới 12 mã lực; trên 1.120 động cơ nổ; 1.750 máy phun thuốc bảo vệ thực vật; 1.520 thiết bị tưới và trên 150 máy bơm nước công suất lớn...

Hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở Vĩnh Linh thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất lúa gạo. Với hơn 7.000 ha canh tác mỗi năm, lúa là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Với việc phát triển số lượng các loại máy móc như: 150 máy gieo hạt, 12 máy gặt, đập liên hợp, trên 50 máy làm đất các loại và nhiều phương tiện vận chuyển lớn nhỏ, đến nay tỉ lệ diện tích canh tác được làm đất bằng máy trong toàn huyện đạt 100%, gieo trồng đạt 13%, 30% diện tích được tưới bằng hệ thống máy, trên 90% diện tích được thu hoạch bằng máy và 100% vận chuyển bằng máy. Đối với các loại cây trồng khác như hồ tiêu, ngô, đậu, lạc… tỉ lệ diện tích đất có sử dụng máy móc qua các khâu đạt từ 50-100%. Ông Cao Văn Hữu, nông dân HTX Tiên Mỹ 1 cho biết: “Việc áp dụng các loại máy móc cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Nếu như trước đây sử dụng sức kéo của trâu bò để làm đất thì 1 ha phải mất từ 3- 4 ngày mới hoàn thành, nhưng khi sử dụng máy thì chỉ mất nhiều nhất là 2 ngày. Mặt khác đất được cày xới bằng máy có độ tơi xốp, bằng phẳng hơn nên rất thuận lợi cho các công đoạn về sau”. Theo tính toán, các loại cây trồng được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ vừa tiết kiệm được chi phí đầu vào từ 3- 5 triệu đồng/ha vừa tiết kiệm được thời gian và năng suất cũng tăng lên từ 10- 15% so với cách làm truyền thống. Cùng nhờ đó, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đến năm 2020 đạt trên 41.100 tấn, trong đó lúa cho năng suất bình quân trên 54 tạ/ha, hồ tiêu đạt gần 1.440 tấn/năm, lạc bình quân 22 tạ/ha...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều loại máy móc hiện đại cũng được đưa vào sử dụng như máy nghiền ép thức ăn, máy vắt sữa, máy tách ép phân, máy làm mát cho gia súc, gia cầm... Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay toàn huyện có trên 500 loại máy móc các loại phục vụ trong chăn nuôi; 17 trang trại, HTX, doanh nghiệp có chuồng trại sử dụng công nghệ chăn nuôi bán tự động. Nhờ sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị giúp giải phóng sức lao động và tiết kiệm chi phí nên quy mô và số lượng đàn chăn nuôi đang dần được mở rộng. Toàn huyện có 4 trang trại bò có quy mô từ 50 con trở lên, 5 trang trại chăn nuôi lợn cơ quy mô từ 500-2.500 con, 15 trang trại chăn nuôi gà có quy mô từ 5.000-10.000 con.

Ông Diệp Hồng Cương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Không những đem lại hiệu quả về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch; đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý sản xuất cũng như thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư vào quá trình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm”.

Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp phải những hạn chế. Đó là còn nhiều diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; nông dân còn thiếu vốn sản xuất; thị trường cung cấp máy móc thiết bị cơ giới còn hạn chế về số lượng, chủng loại, giá cả một số loại máy cao, chất lượng chưa đồng đều. Mặt khác, người dân mua máy móc thiết bị nhưng chưa được đào tạo, bảo dưỡng, vận hành làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Xác định được những khó khăn trên, để đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng và mở rộng diện tích sản xuất tập trung. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Huyện Vĩnh Linh cũng sẽ ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị; đồng thời tìm kiếm khâu nối với các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị uy tín, chất lượng và đa dạng để người dân được tiếp cận, lựa chọn và đảm bảo cho các hoạt động hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa.

Phương Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152705