Viết tiếp về số phận những con tàu vỏ thép: Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan nói gì?

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài về số phận những con tàu vỏ thép, từ ngư dân đến doanh nghiệp đóng tàu đã lên tiếng và bây giờ là tiếng nói của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan.

Tàu vỏ thép QNa 90659 TS neo đậu tại cảng Kỳ Hà.

Tàu vỏ thép QNa 90659 TS neo đậu tại cảng Kỳ Hà.

Ngày 30/5, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về những con tàu vỏ thép, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc chủ trương cho vay đóng tàu có công suất lớn để vươn khơi xa, bám biển, giữ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản là vô cùng đúng đắn và cấp thiết, được ngư dân đồng tình, ngân hàng hưởng ứng.

Tuy nhiên theo ông Thanh: “Do chính sách chưa theo kịp thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý nên đã gây khó khăn cho cả ngư dân lẫn ngân hàng, chính quyền thì lúng túng, càng kéo dài, ngư dân - người vay vốn ngân hàng để đóng tàu càng không thể trả được nợ, không thể thi hành án; ngân hàng phải ôm những khoản nợ xấu kéo dài mà tài sản thế chấp cũng không thể bán được, cơ quan thi hành án cũng khó thi hành vì con tàu càng để lâu càng hư hỏng, chẳng ai mua, chưa nói đến cơ chế mua rồi cải hoán, nâng cấp, kiểm định cũng phức tạp, khó tiếp cận nguồn hỗ trợ từ ngân sách…”.

Cũng theo ông Thanh, vấn đề này nhiều địa phương có nghề cá, trong đó có Quảng Nam, đã kiến nghị với các cấp, các ngành, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng chất vấn nhưng vẫn chưa chuyển biến.

“Để ngư dân bám biển vừa sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và chúng ta đang hướng đến một nghề cá hiện đại, có trách nhiệm thì vấn đề này cần phải được sớm quan tâm giải quyết dứt điểm, đồng thời với ban hành những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn với tình hình mới” - ông Thanh nói.

Trong khi đó bà Vũ Thị Phương Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Quảng Nam (BIDV Quảng Nam) cho rằng: “Trong nhiều năm qua, kể từ khi triển khai cho vay theo NĐ67, BIDV Quảng Nam đã nỗ lực cùng đồng hành hỗ trợ ngư dân để ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền và làm kinh thế biển. Thế nhưng sau nhiều năm thực hiện, nhiều ngư dân đã bỏ tàu nằm bờ do thiếu lao động và hiệu quả kinh tế thấp, một số khác thì chây ỳ, không trả nợ vì tâm lý chung khi thấy các tàu khác cũng không trả. Do đó để đảm bảo thu hồi vốn vay BIDV Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý và thu hồi nợ kể cả việc khởi kiện và xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của Luật các Tổ chức tín dụng”.

BIDV Quảng Nam cũng cho rằng: Đối với chính sách bảo hiểm tàu cá theo NĐ67, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đơn vị cung cấp bảo hiểm là Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đang tạm dừng triển khai bán bảo hiểm tàu cá theo NĐ67 gây ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các chủ tàu cá đang vay vốn theo NĐ67.

Đồng thời kinh phí để tham gia bảo hiểm của các chủ tàu sẽ tăng lên nhiều do không được ngân sách hỗ trợ, và là một trong các lý do các chủ tàu lấy ra viện dẫn trong việc không trả nợ cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, các tàu ngừng hoạt động do không hiệu quả, một số tàu vẫn hoạt động cầm chừng và một số tàu hoạt động hiệu quả nhưng ý thức trả nợ kém dẫn đến toàn bộ dư nợ cho vay theo NĐ67 tại BIDV Quảng Nam đều chuyển sang nợ xấu gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng và hoạt động kinh doanh của BIDV Quảng Nam.

Ngư dân Trần Văn Liên với nhiều giấy tờ vay nợ, trong đó có BIDV Quảng Nam.

Ngư dân Trần Văn Liên với nhiều giấy tờ vay nợ, trong đó có BIDV Quảng Nam.

BIDV chi nhánh Quảng Nam cũng đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ đạo triển khai thực hiện NĐ67 tỉnh Quảng Nam: Chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ ngân hàng kiểm soát được nguồn thu nhập của chủ tàu trên cơ sở có xác nhận của các đơn vị chức năng (như đồn biên phòng, BQL cảng cá, cán bộ thủy sản địa phương,…) để ngân hàng có cơ sở làm việc với các chủ tàu về số tiền trả nợ theo từng chuyến biển; Chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ tổng hợp danh sách các chủ tàu trên cả nước có nhu cầu mua/nhận chuyển nhượng dự án. Đồng thời có cơ chế đối với trường hợp giá trị thực tế còn lại của dự án thấp hơn so với toàn bộ dư nợ hiện có của chủ tàu cũ.

Ngoài ra đề xuất các cơ quan chức năng sớm có văn bản hướng dẫn về những vướng mắc liên quan đến cơ chế chuyển nhượng dự án theo NĐ17

Cùng với đó, kiến nghị chính phủ tháo gỡ về việc thực hiện chính sách duy tu bảo dưỡng cho chủ tàu cá vỏ thép theo NĐ67. Đề xuất Bộ Quốc phòng hỗ trợ tiếp nhận các tàu cá đang ngừng hoạt động chuyển đổi công năng sử dụng vì các mục đích quốc phòng khác trên biển nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và các tổ chức tín dụng.

“Đề xuất với chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có các giải pháp tư vấn hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành, nghề phù hợp để có thể tiếp tục vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Kiến nghị với chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ chính sách bảo hiểm cho tàu theo NĐ67 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Kiến nghị với chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ xử lý rủi ro đối với dư nợ cho vay theo NĐ67 nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Kiến nghị chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có các giải pháp tài chính hỗ trợ các Tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nợ xấu từ cho vay theo NĐ67" - trích báo cáo của BIDV Quảng Nam.

Được biết, tính đến nay BIDV Quảng Nam đã hỗ trợ vay vốn theo NĐ67 tổng số 16 tàu, trong đó tổng số tiền cam kết cho vay là 198.909 triệu đồng, tổng số tiền đã giải ngân là 190.294 triệu đồng, tính đến nay tổng dư nợ vay hiện tại 157.773 triệu đồng, tổng số tiền thu hồi từ thanh lý tài sản chỉ mới 16.988 triệu đồng.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/viet-tiep-ve-so-phan-nhung-con-tau-vo-thep-lanh-dao-tinh-va-cac-don-vi-lien-quan-noi-gi-5687660.html