'Việt Nam - Khát vọng bình yên' - Tôn vinh các lực lượng tuyến đầu chống dịch
Tối 31/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình 'Việt Nam - Khát vọng bình yên' và trao giải Cuộc thi 'Giai điệu nơi tuyến đầu', 'Thời khắc khó quên'.
Dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Cùng dự chương trình còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, trực tiếp tấn công công nhân và các khu công nghiệp, cả dân tộc ta bước vào cuộc chiến không tiếng súng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19, cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân đã vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bất chấp mọi hiểm nguy, tất cả vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân và an toàn của đất nước. Nòng cốt, tiên phong trong cuộc chiến cam go, ác liệt này là lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm cán bộ nhân viên ngành Y tế, Quân đội, Công an, cán bộ cơ sở, cán bộ công đoàn các cấp…
Chương trình “Việt Nam - khát vọng bình yên” được tổ chức là dịp để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chương trình cũng tri ân sự đóng góp ý nghĩa, hy sinh thầm lặng của tất cả các tổ chức, cá nhân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và cán bộ công đoàn.
Với việc khắc họa rõ nét sự khốc liệt của dịch bệnh, những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu, chương trình đã tôn vinh những hy sinh, những sáng kiến, sáng tạo, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong cuộc chiến giành giật sự sống của người dân, những cán bộ công đoàn ngày đêm căng mình chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên người lao động; khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn đối với doanh nghiệp, Chính phủ và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.
Chương trình là sự kết hợp giữa các phóng sự, clip, giao lưu trường quay với các nhân vật và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc đã quen thuộc với khán giả và các tiết mục mới được dàn dựng từ các tác phẩm đạt giải cao trong cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Tại chương trình, những phóng sự trầm buồn tại đã đưa người xem đến với kho kỷ vật của những người đã mất vì COVID-19, những nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền của anh công nhân phải nghỉ việc và trở thành F0, cái ngơ ngác của những đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì COVID-19…
Người xem được lắng nghe những trò chuyện của chính những người trong cuộc. Đó là những y bác sĩ sẵn sàng tăng cường đến các địa phương chống dịch bất chấp hiểm nguy với tinh thần bảo vệ sinh mạng nhân dân là sứ mệnh của người thầy thuốc. Đó là những cán bộ công đoàn thầm lặng “3 cùng” với công nhân để tiếp phẩm, động viên người lao động an tâm, tiếp tục bám trụ cùng doanh nghiệp “3 tại chỗ”.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyên Đình Khang, các cấp công đoàn đã chi một nguồn lực có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay (khoảng 6.000 tỷ đồng) để hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch; đã có hàng chục triệu đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Công đoàn, góp phần ổn định cuộc sống người lao động trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.
Chia sẻ tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khi dịch bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống y tế quá tải gấp 10 lần bình thường. Mọi lực lượng đều được huy động tham gia chống dịch. "Khi dịch đã ngấm rất sâu vào xã hội, chúng tôi đã cùng lãnh đạo Thành phố tính đến nhiều phương án, thậm chí cả phương án xử lý tử thi. Mọi quyết định lúc đó phải thật nhanh chứ không có thời gian tính toán hơn thiệt. Trong đau thương mất mát nhưng người Việt Nam luôn có ý chí vươn lên bằng được và rất nghĩa tình”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, biến chủng của virus có biến đổi khó lường, vì vậy, thời gian tới người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy định 5K; Chính phủ cũng đang nỗ lực để trong vòng 2 tháng nữa sẽ tiêm đủ vaccine cho người trên 18 tuổi.
Để động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, nhường cơm, sẻ áo, góp công, góp sức, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu “kép” của Đảng, Chính phủ, vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, phát động 2 Cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” và “Thời khắc khó quên”.
“Giai điệu nơi tuyến đầu” là cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Sau 40 ngày triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 1.296 tác phẩm ca khúc (bản nhạc) và các bản ghi âm thanh bài hát của 935 tác giả và đồng tác giả gửi tham dự. Hội đồng Giám khảo gồm các nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi, có uy tín đã chấm và chọn được 195 tác phẩm vào vòng II và 54 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Kết quả: Có 3 Giải Nhì (không có giải Nhất), 6 Giải Ba, 12 Giải Khuyến khích và 5 Giải chuyên đề được trao cho các tác giả. Các tác phẩm xuất sắc được lựa chọn trình diễn tại Chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”.
Cuộc thi “Thời khắc khó quên” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp tổ chức. Sau 1 tháng triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 45.304 clip tham gia. Trên Tik Tok, có 253.180.768 lượt xem video clip; 13.500.536 lượt thích; 553.167 bình luận; 344.403 lượt chia sẻ.
Tại minisite “Thời khắc khó quên” trên Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) có 4.110 người tham gia dự thi trong đó có 1.411 bài dự thi hợp lệ và được đăng tải trên trang “Thời khắc khó quên” của Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn. Kết quả: 16 tác phẩm đoạt giải cá nhân bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích; 5 giải tập thể được trao cho đơn vị có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất.
Tại Chương trình, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Tổ chức đã trao giải thưởng tặng các tác giả đã có những tác phẩm xuất sắc; vinh danh cán bộ công đoàn và đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế vì những cống hiến lớn lao trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 thời gian qua...