Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Ngày 24/12/2024, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác trẻ em năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều cơ quan ban ngành như Bộ Công An, Viện kiểm sát, Trung ương hội đồng đội…. với sự chủ trì của Cục Trẻ em.

Những con số ấn tượng

Báo cáo kết quả tại Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết:

Trong bối cảnh năm 2024, công tác bảo vệ và phát triển quyền trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm nay, tháng hành động Vì trẻ em đã được triển khai mạnh mẽ với sự tham gia của 7 bộ, ngành và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

Hơn 17.476 lễ phát động đã được tổ chức, thu hút trên 3,8 triệu trẻ em tham gia, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với quyền lợi của trẻ em.

Ngoài ra, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đã hoạt động hiệu quả, tiếp nhận 320.749 cuộc gọi, trong đó có 27.277 cuộc gọi tư vấn và 1.231 trường hợp hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng mà còn tạo ra một môi trường an toàn hơn cho trẻ em.

Trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, nhiều chương trình chăm sóc trẻ em đã được thực hiện, đặc biệt là dành cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí dành cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 là trên 864,3 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 765.500 trẻ em. Đối với Tết Trung thu, kinh phí dành cho các hoạt động lên tới 622,8 tỷ đồng, cao hơn so với năm trước.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành cũng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền trẻ em. Các hoạt động kiểm tra, thanh tra đã được tổ chức để đảm bảo rằng các cơ sở chăm sóc trẻ em tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý kịp thời những đơn thư khiếu nại liên quan đến quyền lợi của trẻ em.

Hệ thống dữ liệu về trẻ em cũng đã được cập nhật, giúp theo dõi và quản lý thông tin về trẻ em trên toàn quốc. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu vững chắc cho các chính sách liên quan đến trẻ em trong tương lai.

Nhìn về năm 2025 và các năm tiếp theo, công tác bảo vệ trẻ em sẽ tiếp tục được chú trọng. Năm 2025 được xem là năm quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính phủ và các cơ quan chức năng cam kết tạo ra một môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em. Mục tiêu đặt ra là giảm thiểu số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và xâm hại, đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em.

Để thực hiện được những mục tiêu này, việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em là vô cùng cần thiết. Các chương trình truyền thông, giáo dục về quyền trẻ em sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bậc phụ huynh. Đồng thời, việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cũng sẽ được chú trọng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều thách thức, việc bảo vệ và phát triển quyền trẻ em không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của toàn xã hội. Sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng, gia đình và các tổ chức xã hội sẽ là yếu tố quyết định để trẻ em có thể phát triển toàn diện và được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Bên cạnh đó, các vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng (trẻ em nữ mang thai, tự tử, chết) do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm (cha, mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trông giữ trẻ); bạo lực trường học tiếp tục diễn biến phức tạp, một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn gây mất an ninh, an toàn và bức xúc dư luận xã hội; tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh; tỉnh trạng lao động trẻ em giảm mạnh ở khu vực kinh tế chính thức do các doanh nghiệp đã nhận thức tương đối đầy đủ về việc sử dụng lao động chưa thành niên nhưng vẫn tồn tại ở khu vực kinh tế phi chính thức và chuỗi cung ứng, nơi khó phát hiện và kiểm soát.

Bà Phạm Minh Hiên - Đại điện Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Bà Phạm Minh Hiên - Đại điện Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra nhiều con số đáng suy ngẫm. Trong đó, về xâm hại trẻ em, theo thống kê của Bộ CA, 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.057 vụ, xâm hại 2.245 trẻ em.

Giảm 73 vụ = 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; đây là lần đầu tiên giảm sau 4 năm 2020- 2023.

Trẻ em vi phạm pháp luật (dưới 18 tuổi): 5.228 vụ với 13.904 đối tượng, giảm 10% so với cùng kỳ 2023 nhưng tình hình diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, manh động.

Đuối nước trẻ em: 11 tháng đầu năm 2024 cả nước có 485 trẻ em tử vong do tại nạn thương tích trong đó có 402 trẻ bị tử vong do đuối nước. Trong 3 năm trẻ em tử vong do Tai nạn thương tích giảm, đặc biệt tử vong đuối nước giảm 3-5% (giảm 100 em/năm).

Cùng với đó, việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng khó lường trong đó có việc phát sinh cả truyền thống và phi truyền thống.

Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã ghi nhận nhiều tham luận từ phía các bộ ngành có liên quan.

Trong đó, Hội bảo vệ quyền trẻ em cũng đã có tham luận tại Hội nghị. Theo đó những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, chăm lo nên đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong những kết quả đó, có sự đóng góp của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cán bộ, hội viên và nhiều tỉnh, thành Hội trong cả nước. Với tinh thần "Chung tâm, chung trí, chung sức", các nhiệm vụ của Hội được quy định trong Luật Trẻ em đã được Hội BVQTE Việt Nam và các Chi hội tại các tỉnh, thành triển khai một cách sáng tạo và rộng khắp đạt nhiều kết quả.

Trong 5 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và nhiều Hội địa phương đã tích cực, chủ động và sáng tạo bằng nhiều hình thức để kết nối, thu thập thông tin của trẻ em như tiến hành nghiên cứu, khảo sát xã hội học, hội thảo, diễn đàn và đã có gần 50 tổ chức xã hội được lấy ý kiến với gần 7000 lượt người, trong đó có trên 200 ý kiến góp ý cho gần 70 dự án luật, nghị quyết, nghị định, thông tư, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động quốc gia, đề án quốc gia, các văn bản về chế độ, chính sách liên quan tới trẻ em, đảm bảo 100% văn bản đề nghị góp ý gửi về Hội đều được Hội tham gia ý kiến bằng văn bản, phát biểu tại hội thảo, hội nghị liên quan, cụ thể như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2021), Luật đất đai, Luật dân chủ ở cơ sở, Luật tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục của người dưới 18 tuổi; Thông tư về sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục….

Trên cơ sở nhiệm vụ của Hội được quy định trong luật, hàng năm vào dịp Trung thu và Tết nguyên đán hoặc các dịp đặc biệt, Hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hội địa phương, vận động kinh phí, triển khai nhiều sự kiện với các chủ đề “Thắp sáng những ước mơ”, “Chia sẻ yêu thương”; “Viết tiếp ước mơ”, “Chắp cánh ước mơ”, “Tết ấm cho trẻ em nghèo”, “Tết ấm cho em”, “An yên cho em”, Hội chợ Tết 0 đồng….

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là việc không được hỗ trợ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Trong 16 năm qua, Hội đã tự tìm kiếm nguồn kinh phí, duy trì hoạt động và hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần đảm bảo quyền trẻ em được thực thi. Hội đã mở rộng tổ chức, tăng cường kết nối với các cá nhân, tổ chức có chung mục tiêu, đồng thời phát huy tinh thần tự nguyện, cống hiến của đội ngũ cán bộ.

Những bài học kinh nghiệm từ hoạt động của Hội bao gồm: bám sát chính sách, pháp luật và tình hình thực tế để xây dựng chương trình phù hợp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh nghiên cứu thực tế và lắng nghe trẻ em; đa dạng hóa hình thức truyền thông; cải tiến phương pháp vận động nguồn lực; và phát triển các mô hình hỗ trợ trẻ em như trung tâm tư vấn pháp luật, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, lao động trẻ, cùng các phương pháp kỷ luật tích cực trong gia đình.

Hội kiến nghị được Nhà nước hỗ trợ nguồn lực cần thiết để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng quyền cơ bản và không ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã nghe tham luận theo hình thức trực tuyến từ các địa phương như Bộ Giáo dục và Đào tạo tham luận về Công tác tham mưu xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến đảm bảo giáo dục sớm cho trẻ những năm đầu đời tại cộng đồng và các cơ sở mầm non.

Bộ Y tế với tham luận Công tác chăm sóc sức khỏe Trẻ em trong tình hình mới… Toàn hội nghị đã ghi nhận 20 tham luận từ các tỉnh thành, địa phương và các cơ quan chức năng.

Hội nghị lắng nghe các đại biểu từ các địa phương theo hình thức trực tuyến. Ảnh: LC

Hội nghị lắng nghe các đại biểu từ các địa phương theo hình thức trực tuyến. Ảnh: LC

Kết luận Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em cho biết: Năm 2025 là cột mốc quan trọng để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Mặc dù đạt nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như già hóa dân số, bất bình đẳng, thiên tai, dịch bệnh, và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em như xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích.

Mục tiêu chính là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, giảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị xâm hại. Chỉ tiêu đến năm 2025 bao gồm giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 6,5% và duy trì 65% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Các giải pháp trọng tâm bao gồm tăng cường nguồn lực, hợp tác quốc tế, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, cải thiện hệ thống dữ liệu trẻ em, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ và phát triển trẻ em. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/viet-nam-dat-duoc-nhieu-ket-qua-quan-trong-trong-cong-tac-cham-soc-va-bao-ve-tre-em-d5899.html