Vị Tổng Bí thư và công tác chỉnh đốn Đảng
Khí phách của một vị tướng đã tôi luyện nên 'chất thép' trong con người nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Vậy nên dù ở vị trí nào, sự quyết liệt, tận tình với công việc luôn được ông đau đáu trong lòng, gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước là những lần chỉnh đốn Đảng.
Một trong những việc làm quan trọng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quan tâm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (tháng 12/1997) chính là chỉnh đốn Đảng.
Sau hơn 1 năm giữ trọng trách, tại Hội nghị 6 diễn ra vào tháng 1/1999, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã hoàn thành nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, bắt đầu công cuộc chỉnh đốn Đảng.
Bởi trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng thì lúc bấy giờ trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém như: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn.
Do đó Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 được ban hành nhằm kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn để Đảng ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ. Qua đó, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm lần thứ 109 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của Người một ngày trước khi cả nước chính thức bước vào cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, ngày 18/5/1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cho rằng, Đảng cầm quyền, đảng viên rất dễ đánh mất mình, ngày hôm qua vĩ đại, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến nếu không còn trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, càng cần coi trọng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
Lúc đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu rõ quyết tâm chính trị rất lớn ở việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và toàn Đảng phải sửa chữa khuyết điểm mắc phải, kiên quyết chỉnh đốn Đảng, kiên quyết thực hiện cho được Nghị quyết Trung ương 6 lần 2. Hành động đó được thể hiện bằng tuyên bố mở cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001 để làm trong sạch Đảng, nâng cao sức chiến đấu, vai trò và thanh danh Đảng.
Để thực hiện được tư tưởng đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhiều lần đưa ra những phân tích rằng: Trước hết, mỗi đảng viên phải trung thực, tự giác, lấy phẩm chất và danh dự cộng sản mà soi xét bản thân, đánh giá thật đúng mình, tranh thủ sự phê bình, góp ý của đồng chí, khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang để lấy lòng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thậm chí còn tìm cách bao che cho nhau, hoặc lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân thiếu tính xây dựng.
Mà muốn vậy theo ông: “Các cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại đơn vị mình. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải làm tốt việc xử lý và kết luận các đơn thư tố cáo tham nhũng đối với cán bộ các cấp. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống quan liêu phải được chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình tiến hành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội”.
Gợi nhớ về những nỗ lực chỉnh đốn Đảng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, công việc xây dựng Đảng là một việc mới song nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thể hiện là một con người cầu thị và rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo ông Hùng, bắt đầu đổi mới thì bắt đầu đổi mới Đảng bằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng- đó là quan điểm của vị nguyên Tổng Bí thư mà ông đã từng có thời gian làm việc cùng.
“Trong giải quyết vấn đề kiểm tra, kỷ luật Đảng, ông rất khách quan, không thiên vị ai, tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành các việc, không có vùng cấm. Có thể nói ấn tượng nhất của tôi là ông Lê Khả Phiêu luôn chú ý đến xây dựng tổ chức Đảng, chấn chỉnh đảng viên và thành quả của nó. Ông là linh hồn, ý tưởng Nghị quyết Trung ương 6 lần 2”-ông Hùng nói.
Với nhiệt huyết cháy bỏng dành cho việc làm cho Đảng trong sạch trở lại, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được đánh giá người quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới. Cho nên sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong đảng, chống bè phái là những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa, có giá trị lịch sử mà ông trên cương vị là Tổng Bí thư để lại cho thế hệ ngày nay.
Theo Thông cáo đặc biệt được BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, và UBTƯ MTTQ Việt Nam phát đi hôm đầu tuần, trong 2 ngày 14 và 15/8, sẽ diễn ra trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-tong-bi-thu-va-cong-tac-chinh-don-dang-504285.html