Vì sự an toàn của trẻ, vì tương lai cộng đồng
Đuối nước là nỗi lo, sự ám ảnh của các gia đình và cả cộng đồng. Vì vậy, chủ động giúp con em ứng phó với vấn đề này bằng cách nắm chắc những nguyên tắc để phòng, chống đuối nước là vô cùng cấp thiết, nhất là trong kỳ nghỉ hè.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước (làm chết 10 người). Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: sông, suối, ao, hồ... Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình.
Mùa hè đang đến, đây là thời điểm trẻ em có nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, trong đó, hoạt động bơi lội thường thu hút sự quan tâm của các em. Để phòng, chống đuối nước cho thiếu nhi, ngành Y tế tỉnh tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về phòng, chống đuối nước. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân cách sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Nội dung này cũng được ngành phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình ngoại khóa tại các trường học. Theo đó, ngành Y tế tỉnh xây dựng tài liệu hướng dẫn, định kỳ tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho nhân viên y tế trường học, giáo viên thể chất và người cứu hộ tại các bể bơi. Hướng dẫn thực hành sơ cấp cứu tại chỗ và cách sử dụng trang thiết bị cấp cứu khi gặp tình huống đuối nước.
Bác sỹ CKII Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng và phòng, chống đuối nước cho học sinh. Chú trọng công tác sơ cấp cứu ban đầu, điều trị, vận chuyển bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh; chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng. Lồng ghép xây dựng “Cộng đồng an toàn”. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng 24/24h cấp cứu đuối nước tại tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện tuyến tỉnh...

Nên dạy trẻ biết bơi và kỹ năng thoát hiểm dưới nước.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh thường xuyên rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, vật tư, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng chống, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị đuối nước. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em tại các trường học, các cơ sở kinh doanh bể bơi... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, đề xuất các giải pháp và đánh giá hiệu quả các giải pháp can thiệp phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn tỉnh; tiếp tục huy động nguồn lực và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh.Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong. Do đó, để phòng, tránh đuối nước, ngành Y tế khuyến cáo, người dân không để trẻ em chơi gần sông, hồ, ao, giếng nước... mà không có người lớn trông coi. Đặc biệt, nên dạy trẻ biết bơi và kỹ năng thoát hiểm dưới nước; hướng dẫn trẻ nhận biết và tránh xa khu vực nguy hiểm; khu vực giếng, ao, bể nước trong gia đình cần che chắn hoặc làm rào an toàn; dọn dẹp các vật chứa nước không cần thiết sau mưa hoặc sinh hoạt (xô, chậu, lu...); kịp thời báo cáo với chính quyền hoặc cơ quan chức năng khi phát hiện những khu vực có nguy cơ mất an toàn hoặc khi có tai nạn xảy ra để xử lý nhanh chóng. Anh Hoàng Đức Hiếu (bản Sin Páo Chải, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) cho biết: Cứ nghe tới các vụ việc liên quan đến đuối nước tôi rất sợ. Do đó, tôi thường xuyên nhắc nhở và quán triệt các con không ra ao, suối gần nhà để chơi, tắm. Mỗi kỳ nghỉ hè, tôi đều đăng ký cho các con tham gia các lớp bơi. Vừa giúp các con thỏa đam mê bơi lội, vừa trang bị cho con những kỹ năng cần thiết trong phòng, chống đuối nước. Sự quan tâm, giám sát và hành động kịp thời của mỗi gia đình, mỗi người dân là yếu tố then chốt để bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em. Vì sự an toàn của trẻ, vì tương lai cộng đồng, hãy chung tay phòng, chống đuối nước.
Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/xa-hoi/vi-su-an-toan-cua-tre-vi-tuong-lai-cong-dong-637709