Vì sao xuất khẩu chậm lại?

Xuất khẩu của Đồng Nai đang có dấu hiệu chậm lại. Trong gần 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 12,76 tỷ USD, chỉ tăng hơn 5,2% so với cùng kỳ năm trước (trong khi 8 tháng đầu năm 2018 so với năm 2017 tăng trên 10%). Đồng Nai đang tìm giải pháp để xuất khẩu năm nay giữ được mức tăng từ 10% trở lên.

Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.GIANG

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trên 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thuộc về doanh nghiệp (DN) có vốn nước ngoài, còn lại là của các DN trong nước. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của cả DN trong nước lẫn nước ngoài tăng trưởng thấp hơn so với bình quân chung cả nước.

* Nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm

Đồng Nai có hơn 50 nhóm hàng xuất khẩu lớn, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là giày dép; dệt may; xơ sợi dệt; sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị và phụ tùng; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Trong đó, có hai mặt hàng vẫn giữ được mức tăng trưởng cao từ 15% trở lên là giày dép, máy móc thiết bị và phụ tùng. Hai mặt hàng xuất khẩu tăng 4,3-4,6% là dệt may và sản phẩm từ gỗ. Còn lại xơ sợi dệt, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,5-5,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như: hạt điều, cà phê cũng thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2018.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của tỉnh chậm lại là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến đầu ra của nhiều DN bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, còn do nhiều DN giảm xuất khẩu, tăng tiêu thụ thị trường nội địa.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Gần 8 tháng của năm 2019, xuất khẩu gỗ của tỉnh đạt 929 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sản phẩm gỗ chậm lại như do một số thị trường lớn như: Anh, Canada, Trung Quốc, Australia sức mua giảm mạnh. Hiện các DN đang tìm cách mở rộng các thị trường khác để bù lại”.

Trong gần 8 tháng của năm 2019, kim ngạch nhập của tỉnh là 10,66 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều mặt hàng giảm nhập khẩu như: xơ sợi dệt, chất dẻo, hóa chất, sản phẩm hóa chất... Nguyên nhân là do xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp giảm nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, còn do doanh nghiệp tìm được nguyên liệu trong nước.

Vào thời điểm này năm trước, xuất khẩu xơ sợi dệt đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD thì hiện mới đạt gần 987 triệu USD. Cả bốn thị trường lớn nhất của mặt hàng này đều giảm mua xơ sợi dệt từ các DN tại Đồng Nai là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị đánh thuế cao đã quay về thị trường nội địa và những thị trường khác để bù lại. Với chính sách phá giá nhân dân tệ khiến hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu rẻ hơn, nhiều nước đã tăng mua hàng từ Trung Quốc.

PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh cho hay: “Hầu hết các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều áp thuế từ 20-25%. Do đó, Trung Quốc đã chuyển hướng mở rộng xuất khẩu sang các nước khác để bù lại, đồng thời đưa ra những rào cản về kỹ thuật hạn chế hàng từ các nước vào thị trường của mình. Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam nên chịu ảnh hưởng không nhỏ”.

Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào Trung Quốc giảm, nhưng nhập khẩu từ thị trường này lại tăng. Không riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành trong cả nước cũng gặp phải tình trạng tương tự.

* Tìm thêm thị trường mới

Hàng hóa từ Đồng Nai hiện đã xuất qua được hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, song vẫn còn tập trung quá lớn ở một số thị trường như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Vì thế, khi những thị trường trên gặp “sóng gió” thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của các DN Đồng Nai.

Dự tính của tỉnh là hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại mở rộng thị trường sang nhiều nước để không bị lệ thuộc vào một số thị trường. Thời gian qua, có những DN đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu khá tốt nên tránh được nhiều rủi ro.

Ông Ma Liang Hua, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị vệ sinh Caesar Viêt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều nước, công ty tăng tiêu thụ tại nội địa. Vì thế, sản xuất - kinh doanh của công ty vẫn giữ mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước”.

Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Nguyễn Xuân Quang cho rằng, xuất khẩu của tỉnh chậm lại nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn giữ mức tăng trên 8% và tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước nên sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. “Qua phân tích các số liệu, tôi thấy tuy xuất khẩu có chậm lại nhưng sản xuất của các DN tăng trưởng khá, sức mua cao. Điều này chứng tỏ các DN Đồng Nai đang chủ động nâng thị phần ở thị trường nội địa, chuyển xuất khẩu sang bán hàng cho DN trong nước” - ông Quang nói.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết: “Kế hoạch của tỉnh xuất khẩu năm nay tăng 10-12% so với năm 2018. Tỉnh đang có chính sách hỗ trợ DN kết nối, xúc tiến thương mại ra nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước. Hiện có nhiều DN đã nhận được đơn hàng lớn đến hết năm nên khả năng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm nay đạt 20,3 tỷ USD và tăng 10% so với năm trước”.

Đồng Nai đang có kế hoạch trong tháng 9-2019, sẽ xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản mục đích để thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201908/vi-sao-xuat-khau-cham-lai-2961371/