Vì sao trẻ cần hình mẫu mạnh mẽ uy quyền của người lớn?
Khi năm hoặc sáu tuổi, với khả năng xét đoán mới phát triển, thì lòng tôn trọng đối với uy quyền của người lớn không còn là chuyện tự động và dễ có.
Người lớn là hình mẫu
Khi còn thơ bé, trẻ hoàn toàn tin tưởng vào người lớn xung quanh như là hình mẫu để bắt chước. Các bé chưa có khả năng phân biệt điều tốt và xấu để bắt chước hay không. Sự tôn trọng mà trẻ dành cho người lớn là tuyệt đối. Khi năm hoặc sáu tuổi, với khả năng xét đoán mới phát triển, thì lòng tôn trọng đối với uy quyền của người lớn không còn là chuyện tự động và dễ có. Nhiều trẻ bắt đầu nổi loạn hoặc thể hiện những hành vi bất kính và không vâng lời.
Mặt khác, một hình mẫu mạnh mẽ và uy quyền của người lớn là điều mà trẻ cần nhất trong giai đoạn này. Các bé đã mất đi cảm giác hồn nhiên về sự toàn năng của mình - rằng mình có thể làm được bất kỳ điều gì, bây giờ các bé hay so sánh việc làm của mình với việc làm của người lớn và tự thấy mình còn thiếu sót. Nền móng bắt đầu lung lay và trẻ không còn thấy vững chắc. Trẻ cần tiếp tục tin tưởng vào người lớn, đặc biệt là cha mẹ, như là những hình mẫu tốt nhất mà trẻ muốn trở thành. Điều này là một cái neo để cho trẻ được an ổn.
Trẻ ở độ tuổi này cần người có uy quyền để kính trọng và vâng lời. Đây không còn là uy quyền chỉ dựa trên tình yêu và sự chấp nhận nữa, mà còn dựa trên sự kính trọng xuất phát từ việc quan sát và cảm nhận được ở người lớn những phẩm chất đáng quý của con người - tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn, điềm tĩnh, trung thực, công bằng, cần mẫn và nỗ lực tinh thần, v.v.. Lúc nào chúng ta cũng cần phải cải thiện bản thân để giúp con chúng ta phát triển lành mạnh; bởi thế mới có câu nói “Trẻ con là thầy của người lớn”.
Bắt chước công việc thực tế
Khi đang sắp sửa đến giai đoạn “nhộng” của khủng hoảng ở tuổi lên sáu, các hoạt động sáng tạo của trẻ dường như chững lại. Điều tốt nhất để hỗ trợ quá trình phát triển bên trong ở giai đoạn này là cho trẻ có cơ hội nhìn và bắt chước công việc thực tế của người lớn.
Điều này bao gồm việc trẻ được trải nghiệm những hành động đúng đắn của người lớn. Trải nghiệm này sẽ kích thích một quá trình tương tự trong trẻ. Những cử chỉ, thái độ, và kết quả hữu ích của công việc, sẽ được ngấm sâu vào người trẻ để biểu lộ bằng sự bắt chước. Từ từ trẻ sẽ chui ra khỏi lớp vỏ kén tạm bợ để trở thành một con người tự lập, biết định hướng hành động của mình.
Sẽ tốt khi thỉnh thoảng cho con đi xem những người làm nghề thủ công hoặc những người thợ, chuyên gia đang làm việc, ví dụ, thợ xây nhà, thợ sửa đồng hồ, người làm gốm, nhạc sĩ, đầu bếp, thợ sơn, v.v.. Ở nhà, con có thể quan sát và giúp mẹ trong công việc nội trợ như cắt thái rau củ, nấu ăn, phơi đồ, ủi quần áo, may vá, đan, v.v. hoặc xem và giúp cha chặt củi, nhóm lửa, trám máng xối bị thấm dột, lát sàn, rửa xe, sửa hàng rào, v.v..
Điều cha mẹ có thể làm - Hình mẫu từ người lớn
• Khi con bạn nhiều lần không vâng lời hoặc tỏ ra bất kính, hãy giữ bình tĩnh và chỉ cho con thấy cách cư xử đúng đắn. Đồng thời, hãy xét lại những cử chỉ của mình xem có phù hợp không.
• Sự xấc láo của trẻ thường che đậy một sự bất an nội tâm. Hãy tìm hiểu những cảm xúc trẻ đang che giấu.
• Giận dữ và trừng phạt chỉ gây ra phẫn nộ và bất kính thêm nữa. Nó cũng có thể tạo ra tác động tiêu cực lên sự khỏe mạnh hạnh phúc của trẻ.
• Có nhiều cách để cải thiện bản thân để trở thành một hình mẫu tốt - tham gia một khóa học về phát triển bản thân, đọc sách về tâm lý học trẻ em và phát triển bản thân, tham gia một nhóm hỗ trợ cho cha mẹ, hỏi ý kiến tư vấn từ giáo viên của trẻ hoặc từ chuyên viên tham vấn, v.v..
• Một trong những cách hữu hiệu nhất để ta được trẻ tôn trọng, là cho trẻ thấy mình luôn phấn đấu để trở thành một con người tốt và là một người cha mẹ hoàn hảo hơn, mặc dù đôi khi ta vẫn mắc sai lầm.
• Không nên trao đổi hay bàn bạc với con về những nỗ lực của mình trong quá trình phát triển bản thân; trẻ có thể cảm nhận được điều đó theo cách riêng của mình. Dùng câu chuyện để truyền tải thông điệp về phát triển bản thân thì tốt hơn nhiều.
• Nếu có thể, nên tránh dùng đồ điện tử xung quanh trẻ - tivi, máy tính, iPad, điện thoại di động và trò chơi máy tính, v.v..
• Trẻ cần cảm nhận được sự hiện diện hoàn toàn của cha hay mẹ bên mình. Các bé cũng cần nhìn thấy những hình mẫu của người lớn là những người chân thật, dễ hòa đồng và thân thiện.