Vì sao nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai vẫn chưa được phép hoạt động?

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Công ty Tân Tiến về Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai, ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Một góc Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Một góc Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Trước đó, bà Vũ Thị Hồng Bích - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) đã có văn bản số 1007/2024, gửi UBND tỉnh Quảng Nam; Bộ Tư pháp; Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đề nghị thực hiện ngay việc kê biên tài sản của Nhà máy sô đa Chu Lai.

Trong văn bản nói trên, Công ty Tân Tiến cho biết doanh nghiệp này là cổ đông chiếm 50% cổ phần tại Công ty CP sản xuất sô đa Chu Lai (Công ty sô đa Chu Lai), đồng thời là nhà đầu tư, hợp tác để vận hành, sản xuất và kinh doanh Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Theo đó, Công ty sô đa Chu Lai được cấp phép vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà máy từ năm 2010, nhưng không thể hoạt động được do chưa đủ điều kiện về môi trường, không đảm bảo về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc thiếu, không đồng bộ và không có nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất.

“Tháng 2/2018, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai không hoạt động, Công ty sô đa Chu Lai không có nguồn trả nợ, gây thất thoát tiền vốn vay cho nên ngân hàng đã khởi kiện Công ty sô đa Chu Lai để thu hồi khoản nợ hơn 2.200 tỷ đồng. Sau đó, các bên đã thống nhất tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, số 01 ngày 9/2/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Quyết định). Sau khi có quyết định, ngân hàng và Công ty sô đa Chu Lai mời Công ty Tân Tiến tham gia tiếp tục xây dựng, vận hành nhà máy” - trích văn bản số 1007/2024.

Từ tháng 4/2018, Công ty Tân Tiến đã đầu tư vào nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp trang thiết bị, xây dựng thêm nhiều công trình. Tháng 8/2021, khi nhà máy vận hành thử nghiệm đạt, Công ty sô đa Chu Lai đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tân Tiến để tiếp tục đầu tư vào nhà máy.

Tháng 6/2022, các bên tiếp tục thống nhất trên cơ sở tự nguyện thi hành án và đã ra “Biên bản Thỏa thuận thi hành án”. Theo thỏa thuận này, Công ty Tân Tiến được quyền triển khai hoạt động, quản lý nhà máy 21 năm, đồng thời được bàn giao đầy đủ trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất và có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhưng, khi nhà máy đi vào vận hành, mặc dù được sự ủng hộ rất cao và đầy trách nhiệm của UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam chúng tôi vẫn không thể thực hiện được “Biên bản thỏa thuận thi hành án” nêu trên, bởi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam trước đó tháng 3/2022 đã kê biên toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu sản xuất theo Hợp đồng tín dụng vay tháng 8/2015, có giá trị trên 231,8 tỷ đồng” - văn bản số 1007/2024 nêu.

Vì vậy, Công ty Tân Tiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan chỉ đạo Chấp hành viên và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam thực hiện việc kê biên toàn bộ tài sản của Nhà máy sô đa Chu Lai để đảm bảo quyền và lợi ích của công ty.

Văn bản số 5344/UBND-NCKS, ngày 18/7/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam nêu: “Qua xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh chuyển nội dung kiến nghị nêu trên của Công ty Tân Tiến đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh để kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh để theo dõi”.

Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-nha-may-san-xuat-so-da-chu-lai-van-chua-duoc-phep-hoat-dong-10286179.html