Vì sao một đoạn video 10 giây được bán trên mạng với giá 6,6 triệu USD?
Blockchain đang tạo ra một sân chơi mới cho các nhà sưu tập nghệ thuật.
Hồi tháng 10/2020, một nhà sưu tập nghệ thuật ở Miami, Mỹ có tên Pablo Rodriguez-Fraile dành gần 67.000 USD để mua một đoạn video nghệ thuật kéo dài 10 giây mà anh có thể xem miễn phí trên mạng. Tuần qua, Pablo Rodriguez-Fraile bán nó với giá 6,6 triệu USD.
Đoạn video được tạo ra bởi nghệ sỹ Beeple, tên thật Mike Winkelmann, được xác thực bởi blockchain (chuỗi khối). Lúc này, blockchain đóng vai trò như một công cụ xác nhận chủ nhân của bức tranh cũng như bức tranh là nguyên gốc.
Theo Reuters, bức tranh nói trên được xem như một loại tài sản số mới – các token không thể thay thế (NFT). Loại tài sản này ngày càng trở nên phổ biến trong đại dịch vì các nhà đầu tư và người hâm mộ dành khoản tiền lớn để mua các món đồ chỉ tồn tại trên mạng.
Công nghệ blockchain đã xác thực một “đối tượng” nào đó là duy nhất, khác với các sản phẩm truyền thống trên Internet có thể được sao chép nhiều lần.
“Bạn có thể vào Louvre và chụp ảnh bức tranh Mona Lisa và bạn đã có nó nhưng nó không hề có giá trị vì nó không phản ứng xuất xử hoặc lịch sử của tác phẩm,” Pablo Rodriguez-Fraile nói.
OpenSea, một khu chợ trao đổi các NFT, cho biết đang đón nhận doanh số hàng tháng tăng đến mức 86,3 triệu USD trong tháng 2 năm nay. Trước đó, vào tháng 1, con số này dừng lại ở mốc 8 triệu USD. Năm ngoái, doanh số hàng tháng duy trì ở mức 1,5 triệu USD.
“Nếu bạn dành 10 giờ mỗi ngày trên máy tính hoặc 8 giờ mỗi ngày trên thế giới số thì nghệ thuật trên thế giới số có nhiều ý nghĩa – bởi vì đó là thế giới”, ông Alex Atallah, người sáng lập của OpenSea chia sẻ.
Dù vậy, các nhà đầu tư được khuyến cáo khi đổ tiền vào NFT bởi thị trường này hoàn toàn có thể là một trái bong bóng.
Cũng giống như nhiều khoản đầu tư khác, các nhà đầu tư có thể mất một số tiền lớn khi cơn sốt qua đi. Bên cạnh đó, đây cũng có thể cơ hội vàng cho những kẻ lừa đảo khi thị trường được giao dịch bằng nặc danh.