Vì sao mặt bằng lãi suất quá cao?

(TBKTSG) - Lãi suất phản ánh tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế, vậy nên lý nào trong điều kiện nền kinh tế vừa cơ bản thoát khỏi sự suy giảm kinh tế lại có mức lãi suất thị trường nhảy vọt lên cao như hiện nay?

Đỗ Thiên Anh Tuấn Hệ quả của sự thâm hụt ngân sách lớn Để chống suy giảm kinh tế do tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ đã đưa ra gói kích thích kinh tế với quy mô gần 8 tỉ đô la, tương đương 8% GDP năm 2009. Trong điều kiện ngân sách đã thâm hụt cao thì việc mở rộng quá mức chính sách tài khóa sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế trong dài hạn, mặc dù việc thực hiện các gói kích thích kinh tế trên là cần thiết. Một trong những hệ quả có thể nhìn thấy rõ hiện nay là mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế rất cao. Một số ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận đối với một số nhóm đối tượng nên làm cho lãi suất vốn bị kìm nén nay tăng vọt lên. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân quan trọng, mà thực tế mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đã được duy trì ở mức khá cao trong hàng mấy năm nay, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế bị suy giảm chạm đáy vừa qua. Vấn đề mấu chốt của tình trạng này nằm ở chỗ chính sách tài khóa của Việt Nam luôn trong tình trạng bội chi cao, lại có khuynh hướng mở rộng quá mức chịu đựng của nền kinh tế. Với mục tiêu ưu tiên là tăng trưởng kinh tế, Chính phủ thường chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm mở rộng chi tiêu cũng như đầu tư công. Tác động tất yếu của chính sách này là làm gia tăng tổng cầu, đẩy sản lượng cân bằng ngắn hạn tăng lên. Mục tiêu cân bằng trên thị trường tiền tệ được duy trì chỉ khi lãi suất thực phải tăng lên. Khi lãi suất thực tăng thì đầu tư tư nhân sẽ giảm đi và tác động dài hạn là sản lượng trở về sản lượng tiềm năng. Đây chính là hệ quả của sự chèn lấn đầu tư của khu vực công đối với khu vực tư nhân. Thực trạng này cũng cho thấy để tạo ra tăng trưởng ngắn hạn, Chính phủ buộc phải luôn duy trì chính sách tài khóa mở rộng giống như việc tiếp thuốc để duy trì tốc độ phát triển. Rõ ràng với chính sách này, Chính phủ luôn phải đối mặt với các bất ổn vĩ mô như căng thẳng tỷ giá hối đoái, lãi suất hay sức ép lạm phát. Vấn đề cần nói về sự chèn lấn đầu tư tư nhân là việc phát hành trái phiếu chính phủ nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách trong khi hiệu quả đầu tư khu vực công thường thấp hơn so với khu vực tư nhân. Để ngân sách thâm hụt lớn và dài hạn là không tốt nhưng việc phát hành trái phiếu như hiện nay so với in tiền để bù đắp thâm hụt thì vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, việc chính phủ phát hành trái phiếu cũng gây ra hệ quả cả trong ngắn hạn và dài hạn. Về mặt ngắn hạn, nó lấy đi tiết kiệm dùng cho đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu hiệu quả đầu tư của khu vực công cao thì cũng chưa phải là điều đáng nói, nhưng thực tế thì đầu tư khu vực công ở Việt Nam luôn có hiệu quả thấp hơn so với đầu tư tư nhân. Tính trong hơn 10 năm qua, hệ số ICOR của khu vực công ở mức khoảng 8 lần, tức để tạo ra một đồng tăng trưởng cần đến 8 đồng vốn đầu tư, trong khi khu vực tư nhân chỉ cần khoảng 3,5 đồng. Như vậy, khu vực công cần một nguồn lực gấp hơn hai lần so với khu vực tư nhân để cùng tạo ra một đồng tăng trưởng như nhau. Đầu tư kém hiệu quả còn gây ra một hệ quả nữa là nguy cơ lạm phát, cái giá mà cả nền kinh tế phải gánh chịu. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu hiện tại cũng đồng nghĩa với việc tăng thuế trong tương lai. Gánh nặng thuế sẽ không chỉ làm giảm tiết kiệm và tiêu dùng của xã hội mà còn gây nên những biến dạng và phát sinh các tổn thất phúc lợi vô ích. Khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế của thế hệ tương lai bị suy giảm do sự phân bổ thiếu hiệu quả và lãng phí các nguồn lực hiện nay. Có lẽ đến lúc cần phải đặt ra vấn đề ai đó phải chịu trách nhiệm cho các quyết sách của mình đối với tăng trưởng của thế hệ tương lai. Gian nan lựa chọn mục tiêu chính sách Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khá cao, vào khoảng 14-18%/năm, tác động trực tiếp đến đầu tư của nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5%. Trước thực tế này, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 18/NQ-CP yêu cầu NHNN điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế; sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường. Ngay sau đó, NHNN đã ra Chỉ thị 02/CT-NHNN để cụ thể hóa mục tiêu, đồng thời tăng cường hoạt động thị trường mở theo hướng nới lỏng nhằm đảm bảo duy trì mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của tình trạng lãi suất quá cao như đã trình bày ở trên nằm ở chính sách tài khóa với vai trò và trách nhiệm thuộc Bộ Tài chính đã bị bỏ sót trong nghị quyết trên. Nếu căn cứ vào tăng trưởng tín dụng quí 1-2010 khoảng 3,34% so với mục tiêu cả năm 25% thì có vẻ như tín dụng của nền kinh tế đang bị nghẽn mà nguyên nhân được cho là lãi suất quá cao. Tuy nhiên, điều cần lưu ý rằng con số 3,34% chỉ tính cho dư nợ tín dụng bằng đồng Việt Nam, trong khi dư nợ bằng ngoại tệ đã tăng vọt. Ngoài ra, quan hệ tín dụng trong nền kinh tế còn phải xét đến cả tín dụng nhà nước (thông qua các đợt phát hành trái phiếu chính phủ thời gian qua) và cả tín dụng thương mại giữa các doanh nghiệp. Hẳn những điều này đã không được tính đến một cách đầy đủ. Dư địa của các gói kích thích kinh tế trong năm 2009, cùng với thực tế diễn biến về tăng trưởng tín dụng hiện nay đã cho thấy khả năng kiềm chế lạm phát dưới mức 7% của Chính phủ là rất khó. Với độ trễ của chính sách tiền tệ khoảng từ 5-7 tháng thì động thái chính sách tiền tệ hiện nay phải là thận trọng thắt chặt chứ không phải nới lỏng. Như thế, nếu giả sử mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát ở mức thấp thì điều cần làm là phải thực hiện động thái tăng lãi suất hoặc ít nhất là duy trì mặt bằng lãi suất cao ở mức hợp lý để phản ánh mục tiêu chính sách. Một mức lãi suất cao như hiện nay là sự phản ứng phòng vệ có tính tự nhiên trước các cú sốc lạm phát có thể phát sinh. Việc khống chế trần lãi suất thời gian qua càng không cho thấy được mặt bằng lãi suất thực tế của nền kinh tế là bao nhiêu, đồng thời lại gây nên nhiều biến dạng bất lợi trong hoạt động kinh tế. Như thế Chính phủ đã tự mình bỏ đi một kênh tín hiệu cực kỳ quan trọng làm cơ sở hoạch định và thực thi chính sách vĩ mô. Cơ chế lãi suất thỏa thuận đã làm cho lãi suất phản ánh sát hơn điều kiện nền kinh tế. Lãi suất cao sẽ góp phần loại bỏ những dự án thiếu hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, qua đó làm tăng chất lượng và hiệu quả đầu tư vốn xã hội. Nếu quả thật mức lãi suất cho vay cao hiện nay không có doanh nghiệp nào có thể chịu đựng được thì tất yếu nó phải giảm xuống mà không cần phải có sự can thiệp mạnh tay của NHNN. Thay vào đó, nhiệm vụ cần làm của cơ quan này là phải xóa bỏ tính chất độc quyền nhóm trong hoạt động ngân hàng. Nếu như lãi suất cho vay đang dần được tự do hóa thì lãi suất huy động đang bị khống chế dưới mức 10,5% như hiện nay cũng phải được tháo gỡ nốt. Tuy nhiên, ngay cả khi NHNN thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận hoàn toàn thì vấn đề cơ bản hiện nay vẫn chưa thể được giải quyết. Chỉ có các cải cách về mặt cơ cấu mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề này.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/ykien/32875/