Vì sao khu vực hồ Gươm ngập sâu sau trận mưa 140 mm?

Hình ảnh người dân bì bõm lội nước trong cơn mưa ngày 17/8 phơi bày nhiều hạn chế của hệ thống thoát nước đã quá lạc hậu của Hà Nội.

Chiều 17/8, mưa lớn bất chợt đổ xuống đúng giờ tan tầm tại Hà Nội. Các tuyến đường quanh hồ Gươm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Thi bị ngập nặng, nhiều phương tiện bị chết máy, tình trạng ùn tắc diễn ra trên diện rộng.

Việc ngập lụt do mưa lớn không lạ lẫm với người dân thủ đô. Song, nó phơi bày nhiều bất cập trong công tác quy hoạch đô thị, quản lý hạ tầng kéo dài hàng chục năm nay.

Khả năng chống chịu thấp

Ông Bùi Ngọc Uyên, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết lượng mưa đo được tại 4 quận trung tâm Hà Nội rất lớn, cao nhất tại khu vực Hoàn Kiếm: 142 mm; Ba Đình: 121 mm; Hai Bà Trưng: 110 mm; Đống Đa: 96,8 mm. Trận mưa diễn ra với cường độ cao, kéo dài, khiến hệ thống tiêu thoát không xử lý kịp, dẫn đến úng ngập.

"Theo thiết kế, khả năng tiêu thoát của 4 quận trung tâm chỉ đảm bảo cho trận mưa 50-100 mm trong 2 giờ, tương đương với mưa to và rất to. Còn trận mưa trên 100 mm như tối qua thì là dạng thiên tai, xuất hiện điểm úng ngập là bất khả kháng vì phải chờ thời gian nước rút", ông Uyên cho hay.

Phố xá biến thành sông giữa lòng thủ đô vào chiều 17/8. Ảnh: T.Đ.

Trao đổi với Zing, GS.TS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng không chỉ Hà Nội phải đau đầu với vấn đề thoát nước, mà đây là bài toán khó mà TP.HCM hay nhiều đô thị lớn đang phải đối mặt.

"Đó là câu chuyện về sự đồng bộ, đô thị mới có hệ thống thoát nước tiên tiến, nhưng lại không được kết nối đồng bộ với hệ thống của đô thị cũ tại nội đô. Chính vì vậy, khi mưa lớn, khu vực trung tâm lại thường là nơi úng ngập trước", ông Liên cho hay.

Ông đánh giá việc úng ngập ở đô thị không phải chuyện hiếm, ngay cả những thành phố lớn ở phương Tây cũng xảy ra ngập. Nhưng Hà Nội cần nghiêm túc đánh giá lại khả năng chống chịu, tiêu thoát nước đối với mưa lớn cường độ cao kéo dài.

Ông cũng cho rằng công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế cũ đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải.

Nước mưa trộn nước thải

Cùng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng tốc độ phát triển đô thị ở Hà Nội đang quá nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng xã hội không đáp ứng nổi và gần như không được nâng cấp nhiều chục năm nay.

TP cũng thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến hình thành vùng trũng thấp cục bộ, là những nơi thường xảy ra ngập úng khi mưa lớn.

"Hà Nội mới chú trọng đến chỉnh trang bộ mặt đô thị, nhưng mới chỉ là cái trên bề mặt. Còn những hệ thống hạ ngầm như thoát nước, xử lý nước thải chưa được chú trọng đúng mức. Các dự án mới thì vẫn đang dang dở trong khi hệ thống cũ đã không còn đáp ứng được", ông Tùng nói.

Nước mưa trộn với nước cống tràn vào nhà dân. Ảnh: Phạm Thắng.

Thêm vào đó, Hà Nội đang đối mặt với bài toán về thiếu diện tích mặt nước, cây xanh. Các dòng sông, hồ lớn ở Hà Nội đáng lẽ là nơi tiêu thoát nước tự nhiên rất tốt cho TP thì lại đang bị tận dụng làm nơi chứa nước thải, chết dần vì ô nhiễm, đặc biệt là sông Tô Lịch.

"Đây là hệ quả của việc quản trị đô thị không nhất quán, quy hoạch chắp vá. 10 năm vừa rồi, ta xây nhiều nhà cao tầng trong nội đô, gia tăng dân số và áp lực lên hạ tầng xã hội quá mức, thì việc quá tải là hoàn toàn dễ hiểu", ông Tùng nói.

GS Nguyễn Văn Liên thì lo ngại với hệ thống xử lý nước thải của Hà Nội khi được tận dụng luôn để tiêu thoát nước mưa là điều rất đáng ngại. "Nước thải sinh hoạt trộn với nước mưa mà dâng lên vào nhà người dân thì rất mất vệ sinh, ô nhiễm", ông Liên nói.

Theo ông, Hà Nội cần sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải kín, tách biệt với hệ thống thoát nước mưa của TP. Làm như vậy vừa giúp giảm bớt áp lực cho việc thoát nước mà vừa đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người dân.

Chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp giải pháp theo từng khu vực đô thị cũng như điều kiện hạ tầng. Từ giải pháp cứng gồm như bơm, đê, hồ điều tiết đến giải pháp mềm như trồng cây xanh, khơi thông lòng sông, nâng cao ý thức người dân.

GS Nguyễn Văn Liên nhìn nhận để giải quyết được cốt lõi vấn đề là rất khó, đòi hỏi sự đầu tư, chuẩn bị về ngân sách, nguồn lực khổng lồ. Trước mắt, ông cho rằng TP cần hết sức hạn chế xây mới nhà cao tầng, đẩy nhanh quá trình giãn dân tại khu vực nội đô và các dự án thoát nước đang bị đình trệ.

Từ đầu tháng 6, quận Hoàn Kiếm bắt đầu thực hiện chỉnh trang đô thị quanh hồ Hoàn Kiếm. Bờ hồ được kè lại bằng khối bê tông lắp sẵn và quận cũng cho lát lại toàn bộ đá hè quanh hồ.

Về lo ngại việc cải tạo quanh hồ Hoàn Kiếm có thể làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước cho khu vực này, ông Bùi Ngọc Uyên nói việc này cơ bản không ảnh hưởng. Ông cho rằng cường độ mưa quá lớn trong thời gian ngắn là nguyên nhân chủ yếu đến việc úng ngập vào chiều 17/8.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-khu-vuc-ho-guom-ngap-sau-sau-tran-mua-140-mm-post1121117.html