Vì sao chuông báo động không kêu trong vụ xả súng ở trường đại học Nga?
Hãng tin RT cho biết nhân viên bảo vệ của Đại học Perm (Nga) đã bị nghi phạm bắn tử vong trước khi kịp nhấn chuông báo động.
Nghi phạm Timur Bekmansurov. Ảnh: Daily Mail
Theo lời kể của các nhân chứng, nghi phạm Timur Bekmansurov (18 tuổi) tiến vào khuôn viên Đại học Perm (thành phố Perm, cách thủ đô Moscow hơn 1.000km) sáng 20/9 và bắt đầu nổ súng loạn xạ.
Một trong những người đầu tiên bị sát hại là nhân viên bảo vệ, theo một nguồn tin của RT, do đó chuông báo động không được kích hoạt.
Sự xuất hiện của nghi phạm Timur khiến các sinh viên hoảng loạn đến mức nhiều người đã nhảy xuống từ cửa sổ tầng hai để thoát thân.
Theo thông tin mới nhất, 6 người đã thiệt mạng và 28 người khác bị thương trong vụ xả súng. Trước đó, Bộ Y tế Nga cho biết nghi phạm đã hạ sát 8 người, nhưng thông tin về con số thương vong đã được thay đổi.
Timur vốn là sinh viên năm nhất, đã nhập học ở Đại học Perm khoảng 10 ngày. Sau khi bị cảnh sát khống chế, nghi phạm còn sống nhưng bị thương và hiện đang nằm phòng chăm sóc đặc biệt.
Trước khi xảy ra vụ tấn công, nghi phạm đã viết trên mạng xã hội VKontakte rằng động cơ tấn công không phải là tôn giáo hay chính trị, mà là do lòng thù hận với mọi người xung quanh.
Timur đã cân nhắc tấn công bằng xe hơi, bom tự chế hoặc dao thay vì súng. Timur cũng kể chi tiết về quá trình mua súng, học bắn súng và lấy giấy phép sử dụng súng.
Vụ việc hiện đang tiếp tục được điều tra.
Chiều cùng ngày, người phát ngôn Nội các Đức Steffen Seibert cho biết chính phủ nước này “bị sốc trước thông tin về vụ thảm sát tại Đại học Perm”. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới thân nhân và bạn bè các nạn nhân”, Seibert nói.
Tổng thống Israel - Isaac Herzog cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và người dân Nga về vụ xả súng.