Vi phạm bản quyền trên môi trường số - Vấn nạn toàn cầu

Sáng tạo nội dung số là mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, các tổ chức, cá nhân và các nhãn hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sân chơi này cũng đặt ra bài toán về bảo vệ bản quyền đối với sản phẩm nội dung số, không riêng ở thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều thách thức

Với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý trong nước, 70 chuyên gia đến từ 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả Rập và châu Mỹ La tinh, hội thảo quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số một lần nữa khẳng định ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số là vấn đề cực kỳ phức tạp và cần sự chung tay của nhiều tổ chức.

Theo các chuyên gia quốc tế, vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số chủ yếu thể hiện ở 2 phương thức: nhà điều hành các trang web bất hợp pháp và người dùng bất hợp pháp. Nhà điều hành bất hợp pháp có cách thức hoạt động và hệ thống hiện đại, sử dụng máy chủ ở nước ngoài, áp dụng công nghệ số hiện đại nên khó ngăn chặn và theo dõi các trang web bất hợp pháp. Người dùng bất hợp pháp trước đây thường tải nội dung để sở hữu riêng hoặc chia sẻ với gia đình, bạn bè.

 Loại hình phim, chương trình truyền hình bị xâm phạm nhiều trên môi trường số

Loại hình phim, chương trình truyền hình bị xâm phạm nhiều trên môi trường số

Hiện tại, với công nghệ kỹ thuật số, người dùng bất hợp pháp có thể truyền phát, cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng bất hợp pháp theo. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là thách thức đối với các vấn đề liên quan đến bản quyền và đưa ra cảnh báo, đã đến lúc xác định các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI.

Cùng nhận định, bà Sheila Cassells, Phó Chủ tịch điều hành Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn London (Anh), cho biết, ở châu Âu dù có khung pháp lý và quy định mạnh mẽ hỗ trợ cải thiện an ninh mạng, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng. Cụ thể, thông tin điều tra của Cơ quan thuế Thụy Điển (Skatteverket), 8,6% dân số ở Thụy Điển truy cập các kênh truyền hình bất hợp pháp, đứng thứ 4 ở châu Âu.

Ông Michael Schlesinger, Phó Chủ tịch, cố vấn pháp lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Singapore, cho biết, 17,1 triệu người châu Âu sử dụng các dịch vụ IPTV (truyền hình giao thức internet) bất hợp pháp… Số liệu trên toàn cầu, năm 2022, có 191,8 tỷ lượt truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền lĩnh vực phim và truyền hình…

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện trên không gian mạng có hơn 200 website cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền về phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có giao diện tiếng Việt. Một số dạng vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến phim số, truyện số, nhạc số, phát chiếu trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn…

Đại diện Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việt Nam cũng gặp khó khăn trong xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, nhất là các trường hợp có yếu tố nước ngoài.

Cần cái bắt tay của nhiều bên

Ông Xavier Vermandele, Cố vấn pháp lý cấp cao Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, cho hay, thực thi bản quyền là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế. Tình trạng vi phạm bản quyền đã và đang làm giảm giá trị tác phẩm, cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo. Vì thế, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân, trung gian để giải quyết vấn đề này.

Giám đốc Điều hành và cố vấn pháp lý, Liên minh dịch vụ trung gian trực tuyến (Mỹ), ông Deans Marks cho rằng, cần tiếp cận các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để tranh thủ sự hợp tác nhằm ngừng cung cấp dịch vụ của họ cho các trang web, dịch vụ phát trực tuyến, công cụ khóa mạng nhằm mục đích vi phạm bản quyền.

Chung nhận định, bà Soyeong Ahn, Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc tập trung xóa bỏ việc phân phối bất hợp pháp nội dung thông qua các chiến lược: đẩy nhanh tốc độ chặn các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp; mở rộng điều tra khoa học và tập trung vào nâng cao nhận thức. Từ chính sách này, tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc liên tục giảm, tỷ lệ nhận thức về bản quyền trong giới trẻ cũng tăng lên… Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự phổ biến ngày càng tăng của các dịch vụ AI tổng hợp, bao gồm ChatGPT cũng đặt ra lo ngại về xung đột tiềm tàng với các hệ thống bản quyền truyền thống dựa trên sự sáng tạo của con người vẫn tồn tại. Vị này cũng đề xuất, mỗi quốc gia cần có kế hoạch phối hợp toàn diện nhằm xóa bỏ việc phân phối nội dung bất hợp pháp trên môi trường số. Kế hoạch có thể xây dựng dựa trên 4 chiến lược cụ thể bao gồm tốc độ, tính nghiêm ngặt, sự hợp tác, khoa học và sự thay đổi.

Từ thực tế ở Việt Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Việt Nam, cho biết đã khởi tố 4 vụ án hình sự, trong đó có 2 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua website phát chiếu phim là www.phimmoi.net, www.bilutv.net. Tuy nhiên, nguồn nội dung số có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng là khổng lồ, phong phú và xuyên biên giới. Phần lớn quyền chủ thể ở nước ngoài, vì thế việc đánh giá thiệt hại từ hành vi vi phạm bản quyền nội dung gặp nhiều khó khăn, hình phạt phần lớn là xử phạt hành chính (phạt tiền) chưa tương xứng thiệt hại thực tế mà các đối tượng gây ra.

Bởi thế, tại hội nghị, các chuyên gia đều thống nhất vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số ngày càng nhiều khó khăn, do đó, các quốc gia cần “bắt tay” nhau để giải quyết các thách thức này.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-pham-ban-quyen-tren-moi-truong-so-van-nan-toan-cau-post747009.html