Vì một thế giới xanh hơn: Cam kết của Nike về việc giảm dấu chân carbon
Bài viết của Giám đốc Bền vững của Tập đoàn Nike, Noel Kinder về các mục tiêu khí hậu cũng như chiến lược để đạt những mục tiêu đó.
Khi tôi nghĩ về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và vai trò của một công ty như Nike, tôi nghĩ về sứ mệnh và giá trị của chúng tôi.
Tôi nghĩ về việc chúng tôi là ai, chúng tôi phục vụ ai và tương lai mà chúng tôi muốn tạo ra. Tôi cũng nghĩ về các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi cần có để thực hiện đầy đủ được tầm nhìn đó.
Khoa học đã cho thấy rất rõ, để bảo vệ tương lai cho các vận động viên ở khắp mọi nơi (và nếu bạn có cơ thể, bạn là một vận động viên), mỗi người cần làm tốt vai trò của mình trong việc giữ cho sự ấm lên toàn cầu ở dưới mức 1,5 độ C.
Để làm được điều đó, thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí nhà kính trong thập kỷ này và đạt mức 0 vào năm 2050.
Đó là lý do tại sao Nike tham gia sáng kiến các Mục tiêu dựa trên khoa học (Science-Based Targets initiative) với nội dung kêu gọi các doanh nghiệp đi đầu con đường hướng đến một nền kinh tế phát thải carbon bằng không.
Cam kết của chúng tôi là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi do chúng tôi sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030.
Đối với kế hoạch trong 5 năm tới, chúng tôi đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng nhằm giảm lượng khí thải carbon với các trọng tâm sau:
Sử dụng vật liệu carbon thấp: Giảm 0,5 triệu tấn phát thải khí nhà kính bằng cách tăng tỷ lệ vật liệu thân thiện với môi trường lên mức 50% trong tổng số các nguyên vật liệu chính.
Phi carbon hóa chuỗi cung ứng: Thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nhiên liệu thay thế, chúng tôi sẽ cắt giảm mức phát thải khí nhà kính từ hoạt động của các nhà cung cấp chính, đạt mức ngang bằng với năm 2020 hoặc thấp hơn cho dù tình hình kinh doanh được dự kiến là có tăng trưởng.
Sử dụng 100% năng lượng tái tạo: Giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính tại các cơ sở do Nike sở hữu hoặc vận hành thông qua việc sử dụng 100% điện tái tạo và điện khí hóa phương tiện vận tải.
Việc thực hiện những mục tiêu trên còn có nhiều thách thức to lớn trước mắt. Ví dụ, kể cả giảm thiểu vật liệu thải và mở rộng năng lượng tái tạo, chúng tôi vẫn có những thách thức khi chuyển sang các loại nguyên liệu và thiết kế sản phẩm phức tạp hơn.
Tuy nhiên, với các mục tiêu rõ ràng, chiến lược rõ ràng và các đối tác phù hợp, chúng tôi lạc quan tin tưởng sẽ có thể tập trung vào những cơ hội lớn nhất của mình là: nguyên liệu bền vững, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Khi tiến về phía trước, chúng tôi sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm – cả thất bại lẫn thành công - từ chặng đường 30 năm qua của mình - và chúng tôi sẽ phải dựa vào sự phối hợp giữa các ngành, các đối tác và các chính phủ để đạt được mục tiêu to lớn này.
Vì Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn cung ứng lớn nhất của Nike, việc hợp tác với các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam có vai trò then chốt đối với việc hoàn thành các mục tiêu toàn cầu của mình. Tôi cùng gia đình từng có ba năm sống ở Việt Nam.
Đó là một trong những trải nghiệm quan trọng nhất của gia đình chúng tôi, và chúng tôi rất kính trọng cũng như yêu quý đất nước và tất cả những ai mà chúng tôi từng gặp, kết bạn và hợp tác.
Tôi cũng rất tự hào về công việc của đội ngũ Nike tại Việt Nam, trong đó có việc hợp tác với các nhà sản xuất để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái các nhà xưởng của họ.
Thế nhưng, điều làm tôi phấn khởi nhất chính là mong muốn chung của tất cả các bên là được làm nhiều hơn nữa để bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Tầm quan trọng của đất nước này chính là lý do để chúng tôi làm việc với các nhà hoạch định chính sách và các đối tác liên quan, chẳng hạn như Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) thuộc Bộ Công Thương và Chương trình Năng lượng phát thải thấp của Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ, nhằm hướng tới chính sách cho phép các cơ sở sản xuất được mua điện tái tạo trực tiếp từ các công ty điện lực.
Và đó là lý do tại sao chúng tôi đánh giá rất cao các sáng kiến mà Việt Nam đang thực hiện để thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo, bao gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam; Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Và dự thảo thông tư mới đây của Bộ Công Thương về chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Thúc đẩy năng lượng tái tạo là một trong nhiều lĩnh vực mà chúng ta có chung lợi ích; và một khung chính sách năng lượng tái tạo hiệu quả, hướng về tương lai sẽ giúp Nike giảm lượng được dấu chân carbon của mình, đồng thời giúp các vận động viên và người tiêu dùng trên toàn thế giới tiếp cận được sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo cách có lợi hơn cho hành tinh của chúng ta.
Để đạt được thay đổi thực sự, chúng ta phải biến các mục tiêu khí hậu hành động. Các mục tiêu đó phải khiến chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, lập kế hoạch, vận hành và thích ứng.
Và, cùng nhau, chúng ta có thể làm ra sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch, tạo ra mạng lưới điện xanh hơn, tận dụng nguồn vốn tư nhân để sản xuất điện và – trong quá trình đó – góp phần tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.
Mỗi công ty đều có một dấu chân riêng mình. Mục tiêu của Nike luôn và sẽ luôn là khiến cho dấu ấn của mình tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.