Về với Lễ hội Cầu Ngư nơi đầu sóng ngọn gió

Lễ hội Cầu Ngư ở Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa đặc sắc, độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước.

Lễ Cầu Ngư của người dân Cảnh Dương mang đậm nét văn hóa đặc sắc độc đáo riêng biệt. (Ảnh: Phan Ba)

Nhắc đến Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ Cá Ông với Linh Ngư Miếu. Theo truyền thuyết của làng, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó. Hiện nay hai bộ xương của cá Ông và cá Bà được bà con làng Cảnh Dương thờ tại Linh Ngư Miếu.

Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m. Không chỉ vậy, ở Cảnh Dương còn có nghĩa địa độc đáo dành cho khoảng 23 cá Cô, cá Cậu, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay.

Sáng 2/3 (tức ngày Rằm tháng Giêng), xã Cảnh Dương đã tổ chức Lễ hội Cầu Ngư phát động ra quân đánh bắt hải sản ngay tại địa phương với sự góp mặt của nhiều lãng đạo sở, ban, nghành tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Trạch cùng đông đảo bà con Ngư dân xã Cảnh Dương và các vùng lân cận.

Phần Nghi lễ tại Linh Ngư Miếu. (Ảnh: Phan Ba)

Mở đầu buổi lễ là lễ xin rước Thần Hoàng về dự lễ Cầu Ngư tại Đình thờ Tổ. Tiếp đó rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ về Linh Ngư Miếu. Và sau đó Lễ Cầu Ngư được tổ chức tại Linh Ngư Miếu với các phần Nghi thức dâng hương, Văn tế, Lễ tất, Nghi lễ hò chèo cạn.

Tiết mục chèo cạn mang đậm tính đặc sắc riêng biệt Ngư dân Cảnh Dương. (Ảnh: Phan Ba).

Lễ hội Cầu Ngư ở Cảnh Dương được xem là một lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước. Lễ Hội Cầu Ngư là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh: mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Lễ hội cầu ngư, còn là cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc…

Đông đảo người dân xã Cảnh Dương và các vùng lân cạn đến tham gia Lễ Cầu Ngư. (Ảnh: Phan Ba)

Cùng với Lễ Hội Cầu Ngư, Cảnh Dương còn lưu giữ nhiều di tích và các giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo như Đình Thờ Tổ; Linh Ngư Miếu; các làn điệu dân ca hát ru, hò chèo cạn…;các lễ hội như nấu cơm cần, đua thuyền…; làng nghề truyền thống với nhiều sản vật nổi tiếng như nước mắm Hàm Hương, thuyền thúng.

Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với UBND xã Cảnh Dương xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như cung đường Bích họa, Không gian trưng bày các bộ xương Cá Voi, công viên thuyền thúng, khu dịch vụ cho khách du lịch...để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch Cảnh Dương trở thành điểm đến du lịch mới, nổi bật của Quảng Bình với các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình.

“Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió” trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của cố Nhạc sĩ Hoàng Vân đã tạo nên thương hiệu cho Cảnh Dương từ thời đánh giặc giữ nước. Và ngày nay Cảnh Dương là địa chỉ du lịch độc đáo dành cho du khách Quảng Bình và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An… cũng như khách du lịch trên hành trình khám phá con đường di sản miền Trung, khám phá Việt Nam; khách du lịch Lào, Thái Lan và khách du lịch quốc tế.

Phan Ba

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ve-voi-le-hoi-cau-ngu-noi-dau-song-ngon-gio-d64738.html