Về cực Tây vui tết Khù Sự Chà

ĐBP - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, người Hà Nhì ở cực Tây Mường Nhé vẫn còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, mang đậm bản sắc riêng. Một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu là Tết truyền thống (Khù Sự Chà) được lưu truyền qua nhiều thế hệ và duy trì tới ngày nay.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì đi chơi tết.

Hiện nay, người Hà Nhì sinh sống chủ yếu ở 21 bản, thuộc 4 xã vùng giáp biên của huyện Mường Nhé, gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn. Cũng như hầu hết tết truyền thống của cộng đồng các dân tộc khác, tết Khù Sự Chà của đồng bào Hà Nhì là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người về đoàn tụ, cùng ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động vất vả, cùng vui xuân, sum vầy bên mâm cỗ, nâng chén rượu mừng chúc nhau những điều tốt đẹp cho một năm mới, mong cho con cháu sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên…

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị đồ cúng trong dịp tết.

Theo tục lệ của người Hà Nhì, trong ngày đầu tiên, sáng ngày mồng một tết, các gia đình sẽ làm bánh trôi để cúng mời tổ tiên. Người Hà Nhì quan niệm đây là nghi thức để thông báo với tổ tiên về việc năm hết tết đến, đồng thời coi đây là món ăn lót dạ cho tổ tiên khi về ăn tết cùng con cháu. Chủ nhà sẽ phải nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, đem nấu chín trước, vớt ra một tấm lá chuối tươi, rắc thêm một chút bột vừng rang chín thơm, đặt lên mâm và bưng vào gian thờ cúng gia tiên để chủ nhà làm lý cúng. Sau lễ cúng bánh trôi, các thành viên trong gia đình mới được ăn bánh, tiếp đó gia đình sẽ tiến hành mổ lợn, thịt lợn này vừa để làm lễ vật cúng mời tổ tiên vừa làm thực phẩm ăn trong những ngày Tết và đãi khách.

Phong tục soi gan lợn trong dịp tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở cực Tây.

Với dân tộc Hà Nhì, ngày tết, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc phải có. Sau khi khấn để tiến hành mổ lợn, chủ nhà tay cầm bát nước đổ lên phần cổ để thể hiện sự sạch sẽ trước khi làm đồ lễ dâng cúng tổ tiên. Bát nước đó khi đổ đi cũng là mong muốn những điều không may mắn của năm cũ sẽ qua đi và một năm mới bắt đầu tốt đẹp hơn. Khi mổ lợn đón tết, dân tộc Hà Nhì có nghi thức xem gan lợn để dự đoán cuộc sống trong năm mới. Nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi thì tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, gia đình gặp may mắn...

Các trò chơi dân gian, múa xòe của người dân Hà Nhì trong dịp tết.

Đến ngày tết thứ hai, từ sáng sớm, các gia đình tổ chức giã bánh giầy để ăn trong những ngày tết. Ngoài ra, đây còn là quà để biếu những người khách ở xa đến chơi khi về, qua đó thấy được sự hiếu khách, nhiệt tình của đồng bào Hà Nhì. Cùng với đó, các gia đình vẫn tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc tết nhau. Đến gia đình nào cũng đã bày biện mâm cỗ với nhiều món ăn, như: Thịt lợn luộc hoặc nướng, dưa cải muối chua ăn sống hoặc xào với thịt lợn, thịt gà... Đặc biệt không thể thiếu được món cháo nấu bằng nước luộc thịt với thảo quả và một số loại rau, củ. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng, dễ ăn và để giải rượu trong ngày tết.

Đội văn nghệ bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé biểu diễn phục vụ bà con trong dịp tết Khù Sự Chà.

Bên mâm cỗ ấm cúng, mọi người cùng quây quần nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, năm mới gặp nhiều điều may mắn. Sau đó, các bà các chị say sưa với những câu hát dân ca, nam nữ thanh niên thì đắm mình trong các điệu múa xòe, múa nón vui tươi, khỏe khoắn. Tất cả tạo nên bức tranh tết của đồng bào Hà Nhì nhộn nhịp, vui tươi đầy màu sắc ở nơi biên cương của Tổ quốc...

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/213039/ve-cuc-tay-vui-tet-khu-su-cha