VĐV Cầu lông Lê Đức Phát: Trở lại sau chấn thương và hành trình chinh phục tấm vé Olympic
Trở lại sau quãng thời gian chấn thương, VĐV Cầu lông Lê Đức Phát với nỗ lực, quyết tâm cao đã trở thành một trong 16 VĐV đại diện cho Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024.
Sau quãng thời gian dài tích cực chuẩn bị, Đội tuyển Cầu lông Việt Nam đã bước tới những giai đoạn cuối chuẩn bị cho Olympic Paris 2024. Sát cánh với tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh tại Thế Vận hội mùa hè tới đây trên đất Pháp là tay vợt nam Lê Đức Phát. Đây là lần đầu tiên, Lê Đức Phát tham dự một kỳ Thế Vận hội.
Trao đổi cùng phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc sau buổi tập trong những ngày cận kề Thế Vận hội, VĐV Lê Đức Phát tiết lộ, bản thân được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống thể thao.
Cha của Đức Phát là cựu VĐV Quyền anh Lê Văn Đức. Trong suốt sự nghiệp, ông Lê Văn Đức từng vô địch các giải quốc gia năm 1988, 1989 cùng một số giải đấu trong khu vực. Ngoài ông Lê Văn Đức, 4 người anh em của ông cũng là những tay đấm từng vô địch các giải địa phương,
Niềm đam mê với những động tác đẹp của Cầu lông
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống, ngay từ nhỏ, Lê Đức Phát đã bộc lộ niềm đam mê với thể thao và được tạo điều kiện hết mức khi có riêng một không gian tập luyện đầy đủ trang thiết bị ngay tại nhà.
Tuy nhiên, Đức Phát cũng thừa nhận, do tính cách có phần nhút nhát và sợ đau nên không thể theo Quyền anh như định hướng ban đầu của gia đình. Thay vào đó, anh quyết định chuyền sang thử sức với Bóng đá.
Kể từ đó, dưới sự hỗ trợ của bố, Đức Phát làm quen với kĩ thuật của Bóng đá. Nhưng sau một thời gian tập luyện không bộc lộ năng khiếu, anh một lần nữa quyết định thay đổi.
“Sau một thời gian tập Bóng đá, tôi cảm thấy chán và cũng nhận ra mình không có năng khiếu nên thử chuyển sang chơi Cầu lông. Lúc đó tôi mới 6 tuổi, cũng không nghĩ gì nhiều mà chỉ biết chơi thôi. Khi chuyển sang chơi Cầu lông, tôi dần thấy thích môn này, thích được chạy, vụt vào quả cầu, thực hiện nhiều động tác đẹp mắt. Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu mê Cầu lông. Tròn 10 năm sau, tôi chính thức đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp” - Lê Đức phát chia sẻ.
Bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, với tài năng vốn có, Lê Đức Phát nhanh chóng chinh phục danh hiệu đầu khi vô địch huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai năm 10 tuổi.
Sau đó một năm, Đức Phát cùng bố "khăn gói" từ Đồng Nai đi TP.HCM theo học "tượng đài" môn Cầu lông là VĐV Nguyễn Tiến Minh. Dù vậy, khi đội tuyển Cầu lông TP.HCM mở đợt tuyển chọn lứa năng khiếu, Đức Phát lại không thể cạnh tranh được bạn bè đồng trang lứa và trở về nhà tiếp tục tập luyện.
Bước ngoặt khởi đầu cho sự nghiệp
Nhớ lại quãng thời gian này, Đức Phát bộc bạch, trong thời điểm chưa tìm được hướng đi mới, thì bất ngờ cơ hội đã đến. Đồng đội cũ của bố anh đang làm HLV ở Quân khu 7 tới nhà chơi và gợi ý giới thiệu đội Cầu lông Quân khu 7.
"Sau một thời gian tập luyện, tôi đã được nhận. Trong suốt quãng thời gian tập luyện tại đây, tôi cùng bố thường đi, về, di chuyển đi lại quãng đường khoảng 35km/chiều để tập luyện" - Đức Phát nhớ lại.
Đến năm 15 tuổi, cùng đồng đội là Nguyễn Công Nguyên, Đức Phát đăng quang vô địch nội dung đôi nam lứa tuổi trẻ quốc gia. Tiếp sau đó một năm sau, chàng trai sinh năm 1998 giành chức vô địch đơn nam.
"Đến lúc đó, gia đình đã phần nào yên tâm về sự nghiệp của và đồng ý giao cho đội quản lý, dù vậy, tôi chỉ theo thi đấu ở những giải đấu gần nhà" - Đức Phát kể lại.
Năm 2016, danh hiệu liên tiếp đến với Lê Đức Phát, anh giành HCV giải trẻ quốc gia, HCĐ giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và HCĐ Nepal International Series, xếp hạng 241 thế giới. Với những thành tích kể trên, Lê Đức Phát được phong đẳng cấp kiện tướng.
Năm 2017, Đức Phát tiếp tục nâng cao thành tích với tấm HCV giải Pakistan International Series 2017, qua đó lọt vào top 150 thế giới.
Chấn thương bất ngờ và quyết tâm trở lại
Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, Đức Phát dính chấn thương nặng ở cơ đùi sau. Chấn thương khiến anh không thể thi đấu. Cùng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thứ hạng của tay vợt sinh năm 1998 trên bảng xếp hạng thế giới tụt sâu.
Nói về khoảng thời gian khó khăn, Đức Phát bồi hồi: "Thời điểm đó, tôi chỉ còn cách top 100 thế giới 2.500 điểm. Nhưng chấn thương ở giải vô địch quốc gia 2019 khiến tôi phải nghỉ thi đấu 6 tháng để điều trị và phục hồi, buộc phải bỏ 6 giải quốc tế. Thực sự, đó là quãng thời gian rất khủng hoảng với tôi khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, trong đó có cả SEA Games 30. Sau khi bình phục tôi gần như phải bắt đầu lại từ đầu".
Sau quãng thời gian điều trị, tay vợt người Đồng Nai đạt đủ điều kiện để trở lại thi đấu. Với quyết tâm cao nhất hướng tới Olympic Paris 2024, anh liên tục “cày điểm”, tích lũy, cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng.
Đến tháng 2/2024, Đức Phát giành danh hiệu vô địch tại Giải cầu lông Uganda International Challenge 2024, qua đó tích lũy thêm 4.000 điểm thưởng trên bảng xếp hạng các tay vợt tranh suất dự Olympic.
“Trước Giải cầu lông Uganda International Challenge 2024 tôi mới vừa trở lại tập luyện 3 tháng sau khi điều trị chấn thương. Lúc đó tôi đã nghĩ khó có cơ hội cạnh tranh. Nhưng khi bước vào trận đấu cuối cùng, tôi đã có thêm động lực, nỗ lực thi đấu đến phút cuối và giành chiến thắng" - Đức Phát kể lại.
Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 30/4/2024, Lê Đức Phát chính thức nhận thông báo xác nhận tư cách tham dự Olympic Paris 2024. Theo bảng xếp hạng thế giới thời điểm đó, Lê Đức Phát đứng hạng 74, còn ở bảng xếp hạng vòng loại Olympic, Đức Phát đứng thứ 34.
Không bỏ lỡ thời gian, Đức Phát ngay lập tức hội quân cùng Đội tuyển Cầu lông Việt Nam tích cực tập luyện chuẩn bị cho Thế Vận hội.
Lê Đức Phát bày tỏ, Olympic là sân chơi quy tụ nhiều VĐV hàng đầu thế giới. Do không được xếp hạt giống nên chắc chắn Đức Phát sẽ rơi vào bảng đấu khó.
"Dù rơi vào bảng đấu khó nhưng tôi vẫn sẽ nỗ lực tập luyện. Hy vọng bản thân sẽ đạt điểm rơi phong độ tốt và cộng thêm chút may mắn, tôi có thể vượt qua vòng bảng" - Lê Đức Phát cho hay./.