Văn Yên rà soát cấp mới cho sản phẩm OCOP hết hạn

Đến nay, huyện Văn Yên đã có 48 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Văn Yên đã có 13 sản phẩm hết thời hạn chứng nhận phải chuẩn hóa hồ sơ đề nghị công nhận.

Lãnh đạo và người dân huyện Văn Yên tham quan tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trấn Mậu A.

Thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2019 đến nay, huyện Văn Yên đã có 48 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó, 45 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao của 12 hợp tác xã (HTX), 8 doanh nghiệp, 1 tổ hợp tác và là địa phương có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Văn Yên đã có 13 sản phẩm hết thời hạn chứng nhận phải chuẩn hóa hồ sơ đề nghị công nhận.

Trước vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương vận động các đơn vị chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; hướng dẫn các đơn vị chủ thể hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại kịp thời và tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu OCOP.

Sản phẩm chuối tiến vua Yên Hợp của HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020. Là 1 trong số 13 sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên đã hết hạn và đang làm thủ tục để thẩm định cấp lại đảm bảo các tiêu chí cho sản phẩm của đơn vị, sau 3 năm được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm chuối tiến vua của HTX thuận lợi hơn rất nhiều. Đây còn là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thị trường.

Bà Nguyễn Thị Tình - Giám đốc HTX cho biết: "Chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu công nhận cho chất lượng sản phẩm, mà còn là tấm vé thông hành để các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại nhiều hệ thống tiêu dùng thông minh, những siêu thị lớn trong nước. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chứng nhận sao OCOP đối với sản phẩm nên khi đến hạn 36 tháng, HTX đã chủ động liên hệ với huyện để đăng ký, đánh giá, xếp hạng lại cho sản phẩm”.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, thị trấn Mậu A là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước lau sàn và nước rửa chén từ tinh dầu quế với 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ năm 2020 gồm: nước rửa chén tinh dầu quế, nước lau sàn tinh dầu quế, trà quế, quế phát hương quế Văn Yên, quế phát tinh dầu quế.

Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP, việc tiêu thụ của đơn vị cũng tăng cao, những sản phẩm này đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử và một số siêu thị lớn trong nước, cùng với đó, chất lượng sản phẩm cũng không ngừng được nâng cao.

Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty cho biết: "Đối với những sản phẩm đã hết hạn chứng nhận, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục thẩm định để cấp lại chứng nhận mới. Cùng với đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thêm các sản phẩm mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Đây là việc làm cần thiết để tránh việc kinh doanh gián đoạn, thay đổi nhãn mác, bao bì; đồng thời, tạo sự yên tâm với người tiêu dùng khi chọn các sản phẩm hết hạn công nhận OCOP vẫn đang bày bán ở các cửa hiệu kinh doanh, siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch”.

Chỉ qua vài năm thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Văn Yên đã góp phần nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng, mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Đến nay, huyện Văn Yên đã có trên có 103 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực có đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử; có trên 5.400 tài khoản tạo app trên sàn thương mại điện tử.

Một số sản phẩm đã được ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà phân phối lớn như chuối Ngự tiến Yên Hợp; sản phẩm Trà quế của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung Văn Yên đã được tham gia trưng bày sản phẩm mẫu tại nước Anh.

Chương trình bước đầu cũng khuyến khích được các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Năm 2023, huyện Văn Yên có 13 sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng. Cụ thể, là các sản phẩm: quế thanh; bột quế Văn Yên; lọ tăm quế Văn Yên; tinh dầu quế Văn Yên; trà quế; quế thuốc lá; an đường cao (thực phẩm bảo vệ sức khỏe); phú nữ cao (thực phẩm bảo vệ sức khỏe); chuối tiến vua Yên Hợp (chuối ngự); tinh dầu quế Công Tâm; nước rửa chén tinh dầu quế; tinh dầu thực vật Đại Phú An; cao cà gai leo Viễn Sơn.

Theo quy định, hết hạn 36 tháng, chủ thể không tham gia đánh giá, xếp hạng lại thì sao OCOP và tem nhãn có gắn sao OCOP sẽ không còn hiệu lực; nếu lưu hành, tiêu thụ trên thị trường sẽ vi phạm các quy định về bảo hộ nhãn hiệu sở hữu.

Để việc quản lý các sản phẩm OCOP đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành; đồng thời, thực hiện đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết hạn, UBND huyện Văn Yên đề nghị UBND các xã, thị trấn, các đơn vị, chủ thể có sản phẩm hết thời hạn 36 tháng hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP theo quy định.

Đến hết ngày 31/12/2023, huyện có 8 sản phẩm được đánh giá và cấp chứng nhận lại, còn 5 sản phẩm OCOP không tham gia đánh giá lại gồm: sản phẩm an đường cao, phú nữ cao, tinh dầu thực vật Đại Phú An của Công ty Nam dược Đại Phú An do đang dừng một số hoạt động để nâng cấp nhà máy lên GMP nên không có sản phẩm tham gia đánh giá lại. Sản phẩm quế thanh của Hợp tác xã Quế Văn Yên không tham gia đánh giá lại do sản phẩm tiêu thụ kém. Sản phẩm cao đặc cà gai leo Viễn Sơn của HTX Sản xuất Dược liệu Viễn Sơn do không phát triển được sản phẩm nên dừng hoạt động.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: đối với các sản phẩm chưa thực hiện đánh giá lại, UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các chủ thể hoàn tất thủ tục tiến hành đánh giá lại vào đầu năm 2024 đảm bảo đầy đủ các quy trình.

Các sản phẩm đã được chứng nhận và chứng nhận lại, UBND huyện tiếp tục triển khai để phát triển bền vững; chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, không chạy theo số lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Vận dụng cơ chế, chính sách của trung ương, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường để xây dựng sản phẩm OCOP đạt cả chất lượng, sản lượng và giá trị, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác.

Thanh Tân

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/305207/van-yen-ra-soat-cap-moi-cho-san-pham-ocop-het-han.aspx