Vấn nạn cần xử lý triệt để!

Sử dụng lao động trẻ em đang là vấn đề nan giải đối với nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, với mức giá nhân công hết sức rẻ mạt, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ, thậm chí có nhiều trẻ còn bị người sử dụng lao động bạo hành như vụ xảy ra ở Bắc Ninh đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ sự vụ ở Bắc Ninh...

Những ngày gần đây, vụ việc chủ quán bánh xèo miền Trung (ở thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hành hạ dã man thiếu niên 15 tuổi bằng chày, cối... đang khiến dư luận xã hội hết sức phẫn nộ. Cụ thể, vào khoảng 21 giờ ngày 21/11, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong phát hiện một cháu bé tại khu vực Chùa, thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong có biểu hiện bất thường.

Sau khi đưa về trụ sở công an huyện, cháu bé trình bày tên là T.Q.D, 15 tuổi, quê xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Cháu D. có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, cha bị bệnh nặng nên anh cháu đưa cháu ra Bắc Ninh làm thuê. Tháng 9/2020, cháu D. được anh ruột (sinh năm 2002) đưa đến làm công tại quán bánh xèo miền Trung do vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (quê xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và Ngô Thanh Vũ (quê quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ.

Cháu bé 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh bạo hành dã man.

Cháu bé 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh bạo hành dã man.

Trong quá trình làm việc, cháu D. bị chủ quán đánh đập nên chiều 21/11 đã bỏ chạy khỏi quán. Sau khi tiếp nhận và xác minh ban đầu, Công an huyện Yên Phong đã chuyển cháu D. đến Trung tâm Y tế huyện Yên Phong để khám và điều trị. Theo lời kể của cháu D. trong thời gian làm việc tại quán, cháu thường xuyên bị chủ quán đánh đập bằng bàn chải đánh vẩy cá, dao, chảo… gây nhiều thương tích.

Ngoài bị đánh đập dã man nhiều lần, thì hàng ngày cháu phải dậy từ lúc 7h sáng và làm việc đến 4h sáng hôm sau. Nơi nghỉ ngơi sau giờ làm của D là dưới nền đất lạnh lẽo, không giường chiếu và cũng chưa từng được ăn một bữa cơm tử tế. D. cho biết thêm, nam nhân viên 21 tuổi còn lại ở quán cũng thường xuyên bị đánh. Suốt 2 tháng làm việc, D. không được ra khỏi quán và cũng chưa được trả một đồng tiền lương nào.

Liên quan đến vụ việc của cháu D. ngay sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát tình hình sử dụng lao động chưa đến tuổi lao động trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, vụ việc cháu D. nhân viên quán bánh xèo bị tra tấn dã man đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn lao động trẻ em bị bạo hành và bóc lột sức lao động ở nước ta hiện nay. Câu hỏi đặt ra là, trên thực tế có bao nhiêu trẻ em đã và đang bị bóc lột sức lao động nhưng chưa được các cơ quan chức năng phát hiện trong bối cảnh lao động trẻ em ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khó kiểm soát.

...Đến nhiều lao động vẫn là trẻ em

Dễ dàng nhận thấy tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn đang diễn ra hằng ngày ở nước ta. Tại nhiều địa phương kinh tế khó khăn, đặc biệt là vùng nông thôn, việc trẻ em phải nghỉ học sớm, lao vào kiếm sống để phụ giúp gia đình với nhiều công việc khác nhau dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Thậm chí, có nhiều trẻ khi không kiếm cho mình được việc làm ở quê đã cùng bạn bè, anh chị em, thậm chí một thân một mình lên các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống, làm việc trong các quán ăn, quán bia, nhà hàng…

Đơn cử như tại Hà Nội, bất kể vào khung giờ nào khi ngồi ở quán cà phê hay quán ăn nào đó chúng ta đều dễ dàng bắt gặp nhiều cháu bé ở độ tuổi từ 7-12 thậm chí ít hơn cầm những giỏ hàng gồm phong kẹo cao su, dây buộc tóc, móc khóa, bút… mời gọi khách hàng mua đồ. Hay thậm chí hình ảnh này cũng dần trở nên phổ biến ở các ngã tư như khu vực Ngã Tư Sở, ngã tư Phạm Hùng…

Đa phần, khi được hỏi các cháu bé này đều cho biết, công việc của các cháu kéo dài từ sáng sớm cho tới đêm muộn, mỗi tháng thu nhập trung bình chỉ khoảng vào độ 2-3 triệu đồng.Không chỉ xuất hiện với công việc bán hàng rong, việc trẻ em làm công việc bưng bê, rửa bát, trông xe tại Thành phố cũng không phải là trường hợp hiếm. Cá biệt, còn có tình trạng nhiều trẻ dưới 18 tuổi tham gia làm việc tại môi trường nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới tâm lý, tương lai về sau như các cửa hàng kinh doanh bia rượu hay các nhà hàng, quán karaoke…

Có thể thấy, Việt Nam là nước đi đầu khu vực châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1990. Cho đến nay, về cơ bản hệ thống pháp luật quốc gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tương đối đầy đủ, bảo đảm tính đồng bộ hài hòa với pháp luật quốc tế nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, lạm dụng, bóc lột và ngược đãi, nhất là với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã phê chuẩn hai Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) liên quan đến Lao động trẻ em. Đó là Công ước 138 về độ tuổi làm việc tối thiểu và Công ước 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Bộ luật Lao động 1994 là văn bản pháp lý toàn diện nhất quy định các vấn đề liên quan đến trẻ em tham gia lao động và lao động vị thành niên. Sửa đổi năm 2007, bộ luật này nghiêm cấm sử dụng trẻ dưới 15 tuổi và có quy định riêng đối với người chủ khi sử dụng lao động chưa thành niên.

Ngoài ra, nhiều chương trình hành động nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có nội dung bảo vệ trẻ em lao động cũng đã được liên tục triển khai mà mới nhất là Chương trình quốc gia Phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đang được thực hiện. Thế nhưng, lao động trẻ em là một vấn đề nan giải ngay cả với các quốc gia phát triển, nên hành trình đến với cái đích ngăn ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em mà Chính phủ đặt ra vẫn còn rất dài.

Điều 163 bộ Luật lao động quy định không được sử dụng người lao động chưa thành niên trong việc kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện. (Ảnh minh họa: Lê Thắm)

Điều 163 bộ Luật lao động quy định không được sử dụng người lao động chưa thành niên trong việc kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện. (Ảnh minh họa: Lê Thắm)

Cần lấp đầy khoảng trống pháp lý

Chia sẻ về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng Luật sư Kết Nối, hiện nay tình trạng sử dụng lao động trẻ em không đúng pháp luật ở nước ta còn diễn ra khá phổ biến. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều trẻ em đang tham gia lao động ở nhiều công việc khác nhau như bán hàng rong, ăn xin, bưng bê trong các hàng quán.

Ở Hà Nội, việc trẻ dưới 18 tuổi phục vụ trong các cửa hàng kinh doanh bia, rượu, các chất gây nghiện diễn ra khá nhiều. Tại Khoản 4 Điều 163 bộ Luật lao động quy định không được sử dụng người lao động chưa thành niên trong việc kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật lao động trẻ em cần sớm được xử lý để không ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, thể chất của các em về sau.

Có thể nói, pháp luật lao động của Việt Nam hiện nay về cơ bản khá chặt chẽ, đặc biệt là đã đáp ứng, bảo vệ được quyền lợi của lao động dưới 18 tuổi. Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động dưới 18 tuổi vào những công việc phù hợp với sức khỏe và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập của người lao động.Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng người chưa thành niên vào các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ảnh hưởng xấu tới nhân cách người lao động tại Điều 165 Bộ luật Lao động.

Còn tại 1 Điều 18 bộ Luật lao động 2012 và Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, cũng quy định rõ việc người sử dụng lao động khi giao kết với người lao động dưới 18 tuổi phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Cụ thể, khi sử dụng người lao động chưa thành niên thì người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả kiểm tra định kỳ và phải xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cần tuân thủ quy định về thời gian làm việc với người lao động dưới 18 tuổi tại khoản 2, 3 Điều 163 Bộ Luật Lao động: Thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần.Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm… Tuy nhiên trên thực tế tình trạng người sử dụng lao động là lao động trẻ em vào những công việc không đúng với pháp luật, bóc lột sức lao động của trẻ em vẫn đang diễn ra khá phố biến.

Theo luật sư Hùng, vấn đề bất cập hiện nay nằm ở việc thực thi pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan. “Pháp luật đã quy định rõ nhưng ai sẽ là người thực hiện, ai sẽ là người bảo vệ khi quyền lợi của người lao động chưa thành niên bị xâm phạm? Hay có vô số những trường hợp các em nhỏ giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà không có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật dẫn đến việc các em bị bóc lột, bạo hành trong 1 thời gian dài mà không bị phát hiện, không dám lên tiếng mà chỉ đến khi bị tố cáo thì sự thật mới được phơi bày. Vậy cơ quan nào có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như trên?”- Luật sư Hùng chia sẻ.

Luật sư Hùng cho hay, để hạn chế tình trạng sử dụng lao động trẻ em không đúng pháp luật và đảm bảo việc trẻ em được làm những công việc phù hợp với độ tuổi của mình, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan có thẩm quyền cần đề ra những biện pháp triệt để nhằm thắt chặt quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng người lao động chưa thành niên đối với các cơ sở kinh doanh, đặc biệt những công việc nghiêm cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi.

“Xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật về sử dụng người lao động chưa thành niên thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, bố trí công việc phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về lao động cho người sử dụng lao động và người lao để không vi phạm các điều cấm của pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Có như thế tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em mới sớm có thể chấm dứt” – Luật sư Hùng nhấn mạnh./.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/van-nan-can-xu-ly-triet-de-115943.html