Văn hóa là một mặt trận soi đường, định hướng

Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: 'Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ.

Văn hóa là một mặt trận soi đườn

Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin”. Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Tròn 75 năm (24/11/1946 - 24/11/2021), dưới ngọn cờ và ánh sáng của Đảng, nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước, trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa đất nước Việt Nam vững bước trước xu thế phát triển trong thế giới tiến bộ. Đó chính là sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Quan điểm coi văn hóa là một mặt trận trong xây dựng phát triển văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Ðảng ta tiếp thu trên bình diện rộng lớn hơn. Các Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khẳng định: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”. Mục đích của văn hóa là soi đường, định hướng tư tưởng, văn hóa bằng cách này, cách khác phải gắn với chính trị, kinh tế”.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định 5 quan điểm chỉ đạo về văn hóa của Đảng. Một là, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Hai là, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ba là, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Bốn là, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Năm là, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập”, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên vì một Việt Nam hùng cường.

Hiện nay, từ bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, chúng ta cần phải củng cố, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh theo cả chiều rộng và chiều sâu để mỗi người Việt Nam phát triển toàn diện, có cuộc sống an lành, hạnh phúc, phồn vinh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khích lệ toàn dân nỗ lực tiếp thu, thực hành các giá trị văn hóa tiên tiến, loại trừ các hiện tượng phản văn hóa; từ đó huy động sức mạnh của cộng đồng, của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo giá trị văn hóa mới và con người Việt Nam.

Ngày 24/11/2021, Đảng ta sẽ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc. Đây là dịp nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Từ đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là diễn đàn lắng nghe những đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ quyết tâm đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

DỤNG VĂN DUY

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/van-hoa-la-mot-mat-tran-soi-duong-dinh-huong-143394.html