Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và phát triển con người: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

TRƯƠNG VĂN DŨNG (Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Xây dựng và phát triển con người bền vững là một mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định sự vận dụng đúng đắn của Đảng ta. Bài viết nghiên cứu sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về phát triển con người.

Từ khóa: Xây dựng, phát triển con người, Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lê nin, vận dụng sáng tạo.

1. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn hiện nay

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định con người là một thực thể tự nhiên, đồng thời là một thực thể xã hội mang bản chất xã hội. Do vậy, con người chịu sự chi phối bởi các quy luật tự nhiên, đồng thời, với tư cách là một thực thể xã hội, con người chịu sự tác động của quy luật xã hội. Bởi vậy, theo C.Mác, xã hội tạo ra con người ở mức độ nào thì con người cũng tạo ra xã hội ở mức độ đó.

Cũng chính từ thực tiễn phát triển của chủ nghĩa tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra tình trạng con người đang bị tha hóa và đề ra con đường giải phóng họ khỏi sự tha hóa, áp bức, bóc lột đó bằng những cuộc cách mạng xã hội do Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân lãnh đạo. Theo V.I. Lênin, chính từ trong cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, những con người mới sẽ xuất hiện và trưởng thành, họ là sản phẩm của lịch sử, đồng thời cũng là chủ thể góp phần sáng tạo lịch sử.

Kế thừa những thành tựu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người và xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"[1] và "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa"[2]. Quan điểm đúng đắn đó tiếp tục được thể hiện trong bản Di chúc lịch sử trước khi Bác đi về cõi vĩnh hằng, đó là "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng, rất cần thiết".

Như vậy, có thể thấy, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người luôn luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, tại Đại hội VI, Đảng ta đã khẳng định: "Sự quan tâm đến con người và thái độ tôn trọng lẫn nhau phải trở thành một tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các dịch vụ phục vụ nhân dân"[3]. Nghĩa là, việc xây dựng con người được Đảng ta xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau (toàn diện), trong đó khía cạnh kinh tế là quan trọng có tính chất hàng đầu. Thực tiễn cũng đã chứng minh, để xây dựng và phát triển kinh tế bền vững thì cần phải có đủ các yếu tố là: vốn, khoa học và công nghệcon người, thể chế và vai trò quản lý nhà nước, trong đó con người là yếu tố quyết định.

Do đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1993) của Đảng đã khẳng định: "Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Đồng thời, cũng trong giai đoạn này, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành một số Nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng và phát triển con người phục vụ sự nghiệp đổi mới. Đó là Nghị quyết về “Một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt"; Nghị quyết về “Những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân"; Nghị quyết về “Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình"; Nghị quyết về “Sự nghiệp giáo dục và đào tạo"; Nghị quyết về “Công tác thanh niên trong thời kỳ mới"...

Như vậy, vấn đề con người ở đây được đặt trong bối cảnh mới, với những yêu cầu và nhiệm vụ mới mà Đảng ta đặt ra. Trong đó, đáng chú trọng là Nghị quyết về “Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình" nhằm làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, tiến tới ổn định quy mô dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng phát triển con người. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, do đó, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII (1996), vấn đề xây dựng và phát triển con người tiếp tục được Đảng ta khẳng định: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Chính vì vậy, trong cả quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề xây dựng và phát triển con người càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hơn bao giờ hết. Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển con người được Đảng ta đặt trên bình diện rộng lớn hơn, gắn liền với trách nhiệm của từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ lĩnh vực phát triển kinh tế, tạo nền tảng vật chất để xây dựng con người tới phát triển về thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chăm sóc sức khỏe cho con người gắn liền với trách nhiệm xã hội của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin đại chúng.

Tiếp đến, Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) một lần nữa khẳng định "… Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo”. Mục tiêu xây dựng và phát triển con người của Đảng ta luôn gắn liền với hiệu quả và sự phát triển bền vững.

Như vậy, từ những vấn đề nêu trên, chúng ta thấy, quan điểm về xây dựng và phát triển con người của Đảng ta là nhất quán, xuyên suốt nhưng cũng đầy tính sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nhưng điều đặc biệt trong quan điểm, tư tưởng của Đảng ta đó là, “con người” luôn đặt vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

2. Một số thành tựu đã đạt được trong xây dựng và phát triển con người

Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã khẳng định đường lối, quan điểm của Đảng ta về phát triển con người là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cấp thiết của xã hội. Chính nhờ có đường lối và quan điểm chỉ đạo đúng đắn đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, góp phần cùng các lĩnh vực khác làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của dân tộc.

Các “Chỉ số phát triển con người không ngừng được tăng lên, cụ thể là: “từ 0,539 (1995) lên 0,694 (2018), đứng từ thứ 120/174 nước (1995) lên thứ 116/189 nước (2018)”[4]. Thu nhập bình quân đầu người (GDP) cũng không ngừng tăng, cụ thể là: “từ 1.010 USD (1995) lên 2.587 USD (2018)[5]. Đến nay, Việt Nam đã căn bản hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đến nay, “tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,5% năm 2015; tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi (tuổi lao động) năm 2015 là 2,3%; tuổi thọ trung bình đạt 73,3 tuổi 2015”[6].

Theo Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), tỉ lệ nghèo đa chiều ở khu vực đô thị là 2,1%, trong khi tỉ lệ ở khu vực nông thôn là 6,45%[7].

Về công tác xóa đói giảm nghèo, “cho tới tháng 3/2018, trên 570.000 hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ về nhà ở; trên 14.000 hộ nghèo khu vực miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống bão, lụt; 982 dự án với quy mô 190.841 hộ thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được hoàn thành; 100 dự án nhà ở công nhân với tổng quy mô 41.000 căn hộ được hoàn thành và đang tiếp tục triển khai 72 dự án với quy mô khoảng 88.000 căn hộ; có 89/95 dự án nhà ở cho sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí khoảng 220.000 sinh viên, 6 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện; đã hoàn thành 84 dự án cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô khoảng 33.700 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 134 dự án, quy mô gần 81.000 căn hộ. Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu xây dựng tối thiểu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở”[8].

Về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đến nay, “cả nước hiện có 1.451 bệnh viện công lập, trong đó có 39 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 72 bệnh viện ngành cùng khoảng 11.100 trung tâm trạm y tế. Ở khu vực tư nhân, cả nước hiện có 219 bệnh viện tư nhân, 31.594 phòng khám tư nhân”[9]. “Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 77% (năm 2015) lên 86,4% (năm 2017), tương đương với 78,2 triệu người. Số lượng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế không ngừng tăng từ 2.506.705 người (2013) lên 2.839.568 (2017), trong đó có 42.434 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.617.367 người cao tuổi, 1.006.923 người khuyết tật và 172.844 đối tượng khác, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, người đơn thân nuôi con thuộc hộ gia đình nghèo”[10]. Năm 2015, Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về tử vong mẹ, giảm 3/4 so với tỉ lệ 1990. “Tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi đã giảm xuống 14,7% và tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm xuống 22,1% vào năm 2015. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững xuống còn 13,8% vào năm 2016. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi tiếp tục giảm, vào năm 2015 là 24,4%, đến năm 2016 giảm còn 24,1%. Tỷ lệ ca nhiễm mới bệnh lao đã giảm từ 375/100.000 dân (năm 2000) xuống còn còn 187/100.000 dân”[11] (năm 2015). “Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở cả nước là 93,4%”[12].

Về vấn đề giáo dục, lao động, việc làm, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. Cho đến nay, “cả nước có 235 trường đại học và 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng trong năm 2017, đã tuyển sinh được 2,2 triệu người; trong đó tuyển sinh cao đẳng và trung cấp là 540.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660.000, hỗ trợ đào tạo nghề cho 20.000 người khuyết tật, 600.000 lao động nông thôn”[13].

Trình độ dân trí nói chung và đội ngũ lao động đã qua đào tạo tay nghề được nâng lên. Chất lượng về thể lực, sức khỏe, học vấn, tay nghề, kỹ năng lao động và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp có bước phát triển rõ rệt. Tính đến cuối năm 2017, hơn 5.000 thủ tục hành chính đã được cắt giảm và đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh là 14,51 triệu người[14].

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Chỉ tính riêng năm 2017, Quỹ Quốc gia góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 lao động, 6 tháng đầu năm 2018, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 84.000 lao động, đến nay tỷ lệ lao động tất nghiệp được duy trì ở mức 2,1-2,3%.

Như vậy, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, mục tiêu xây dựng và phát triển con người của Đảng ta là rất rõ ràng và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Từ đó, có thể khẳng định, vấn đề xây dựng và phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện một cách khá toàn diện, từ tư tưởng, quan điểm cho đến chính sách và pháp luật, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

3. Những khó khăn, tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển con người hiện nay 3.1. Những khó khăn, tồn tại và hạn chế

Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu rất khả quan về xây dựng và phát triển con người trong hơn 30 qua, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề đáng quan ngại, đó là: tình trạng suy thoái về đạo đức, nhân cách cũng đang có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận thanh niên có xu hướng chạy theo lối sống không lành mạnh, ít quan tâm sinh hoạt chính trị, coi thường truyền thống cách mạng, dao động, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, coi thường giá trị cuộc sống, kỷ cương pháp luật. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp, hiện tượng tham ô, tham nhũng vẫn còn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ mười, khóa IX đã thẳng thắn nêu rõ: "Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống tiếp tục diễn biến phức tạp, có một số mặt nghiêm trọng hơn, tổn hại không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước, niềm tin của nhân dân".

Cùng với đó, là vấn đề phát triển con người còn bộc lộ nhiều yếu kém, thể hiện trên các mặt: Giáo dục, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe... Cụ thể là: Việc giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho người học gần như bị bỏ quên hoặc bị xem là thứ yếu. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, xu hướng thương mại hóa trong giáo dục này càng lộ rõ, chưa giải quyết được vấn đề dạy chữ, dạy nghề và dạy người, dẫn đến dư thừa hàng trăm ngàn lao động có trình độ đại học và trên đại học hàng năm. Hiện tượng suy thoái về đạo đức có chiều hướng nghiêm trọng diễn ra từ trong sản xuất, kinh doanh, trong gia đình đến xã hội. Thể hiện ở chỗ hàng nhái, hàng giả, sử dụng hóa chất trong sản xuất, lừa đảo, chém giết nhau trong gia đình, nhà trường, xã hội vẫn còn hiện hữu. Không ít vụ án, kẻ sát nhân xuống tay với nạn nhân quá dễ dàng, đơn giản chỉ vì một nguyên nhân nhỏ nhoi, giết một lúc 4 người, có cả trẻ em, hay cháu giết bà nội, con giết cha mẹ, lạm dụng tình dục trẻ em, gây tai nạn chết người rồi bỏ mặc (số người chết do tai nạn giao thông hàng năm khoảng 15.386 người)[15]… Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng gia tăng.

Đứng trước thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra là vấn đề xây dựng và phát triển con người như thế nào trong nền trường kinh tế thị trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây là vấn đề lớn, thậm chí rất lớn đối với Đảng, Nhà nước trong vấn đề xây dựng và phát triển con người hiện nay. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, lúc này Nhà nước ta cần phải đầu tư cho con người. Và phải nhận thức được rằng, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước - đây là con đường cơ bản nhất và cũng là ngắn nhất để đạt được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh và thịnh vượng.

3.2. Những vấn đề đặt ra (giải pháp) trong xây dựng và phát triển con người hiện nay

- Về giáo dục đào tạo: Giáo dục, đào tạo phải theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phải định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ khi còn ở trong trường phổ thông, không đào tạo tràn lan, chạy theo trào lưu xu hướng đám đông, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực sau khi đào tạo. Cần phải chuẩn hóa chất lượng giáo dục, đào tạo; giáo dục đào tạo kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp phải gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho người học, đặc biệt đối với bậc học cao đẳng, đại học và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

- Về nguồn lực: Cần phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó đội ngũ trí thức là trụ cột để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, sử dụng các nguồn lực vật chất có hiệu quả để phát triển kinh tế tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, giải quyết nạn thất nghiệp đang nhức nhối trong xã hội hiện nay, bởi tình trạng hàng vạn thanh niên sinh viên tốt nghiệp, có học thức mà không có việc làm; Cần tổ chức bố trí lại lực lượng lao động một cách hợp lý trên phạm vi cả nước theo hướng đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo những ngành nghề mũi nhọn, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng chuyển dịch lao động làm rối loạn thị trường lao động; Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy lùi tham nhũng để chăm lo cuộc sống cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ của dân, từ chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để đi tới dân chủ.

- Về vai trò lãnh đạo: Cần phải tiếp tục, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tinh giản bộ máy của tất cả các ngành, các cấp, của cả xã hội trong việc thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển con người; Cần phải xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ trách nhiệm giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng và phát triển con người, tiếp tục đẩy nhanh, mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xã hội.

- Về các chính sách xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa - xã hội ở những khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân lao động, đặt lợi ích của người lao động lên trên hết. Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động là cái gốc của ổn định và phát triển, là tiền đề cho phát triển bền vững con người. Chú ý giảm sự phân hóa giàu nghèo, nâng cao chất lượng dân số, khai thác và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, chăm lo bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em.

- Về chăm sóc sức khỏe: Cần đặt ra những mục tiêu cụ thể nhằm không ngừng nâng cao thể lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người được quan tâm chăm sóc sức khỏe, bảo đảm con người phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần.

- Về giữ gìn, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật: Cùng với giáo dục phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tính tôn nghiêm luật pháp, áp dụng đúng các chế tài để xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, những việc gây hại tới dân. Kiên quyết đấu tranh loại trừ các tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Bài trừ tệ nạn, mê tín, dị đoan, ma túy, mại dâm và các loại tội phạm khác. Khắc phục tình trạng tai nạn giao thông trầm trọng hiện nay. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động trong nước và quốc tế.

- Trong lĩnh vực đối ngoại: Tiếp tục duy trì và mở rộng các quan hệ quốc tế song phương và đa phương, hợp tác phát triển cùng có lợi, đặc biệt chúng ta cần phải vận dụng tốt các mối quan hệ quốc tế sẵn có, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học về đầu tư và phát triển con người, sử dụng nguồn nhân lực của nước ngoài, chẳng hạn kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ ... về đào tạo, phát huy trí tuệ và thu hút nguồn lực của con người vào sự nghiệp phát triển đất nước.

4. Kết luận

Chiến lược xây dựng và phát triển con người bền vững là một mục tiêu, động lực quan trọng của sự nghiệp đổi mới, đồng thời thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi Việt Nam bước vào phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đường lối xây dựng và phát triển con người bền vững là hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đường lối này chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng HCM vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta. Những đóng góp sáng tạo của Đảng về lý luận xây dựng và phát triển con người, phát triển văn hóa là một bộ phận quan trọng hợp thành lý luận đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1,2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.89.

[4,5] Sence 2018, the Human Development Report (HDR) introduced several new measures of human development. Which it has since continued to estimate and report on annully. See: UNDP. Human Development Report. HDR 2010-2018.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 238-239.

[7] Các chỉ số phát triển con người của UNDP 2018.

[8] Bộ Ngoại giao: Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) Chu kỳ 3 (2018), Tr 21.

[9] Tổng cục Thống kê.

[10,11,12,13] Bộ Ngoại Giao: Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) Chu kỳ 3 (2018).

[14] Tổng cục Thống kê, 2018.

[15] Theo Thống kê của Bộ Y tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 1992.
Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.1998.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết luận Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong những năm sắp tới”.
Phạm Minh Hạc - Nguyễn Khoa Điềm (Chủ biên). Về phát triển văn hóa và xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2003.
C.Mác - Ph.Ăngghen. Tuyển tập, t.1. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980;
V.I. Lênin. Toàn tập, T.38. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1977;

CREATIVE APPLICATION OF MARXISM-LENINISM AND HO CHI MINH’S THOUGHT ON OUR COUNTRY’S HUMAN DEVELOPMENT:

SOME THEORETICAL AND PRACTICAL ISSUES

Ph.D TRUONG VAN DUNG

Institute of Human Studies - Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Human development is a strategic goal and task throughout guidelines and policies of Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. Despite certain shortcomings and limitations, economic, political, cultural and social achievements which have been achieved over the past 30 years of renovation have affirmed the correct application of Ho Chi Minh's thought. This paper studies the correct and creative application of Marxism-Leninism and Ho Chi Minh’s thought on our country’s human development.

Keywords: Building, human development, Communist Party of Vietnam, Ho Chi Minh's thought, Marxism-Leninism, implementing creatively.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/van-dung-sang-tao-chu-nghia-mac-le-nin-va-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-viec-xay-dung-va-phat-trien-con-nguoi-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-67605.htm