Vẫn còn nhiều khó khăn trong quản trị, tự chủ đại học đối với mô hình ĐH 2 cấp
Sáng ngày 27/4, CLB Chủ tịch HĐT, trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN tổ chức tọa đàm 'Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - BGH'.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, ngày 19/11/2018, Quốc hội thông qua Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, nhiều trường đại học công lập đã đẩy nhanh tiến trình thành lập Hội đồng trường - cơ quan quản trị có thẩm quyền cao nhất trong nhà trường, thực thi thẩm quyền quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ.
Với mỗi trường, việc xác định mối quan hệ và vận hành hiệu quả thiết chế quyền lực luôn là vấn đề quan trọng trong lý luận cũng như thực tiễn đối với mối quan hệ giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu.
"Thông qua tọa đàm này, tôi rất mong các quý vị đại biểu, các chủ tịch hội đồng trường, lãnh đạo các trường sẽ có những đóng góp tích cực trong việc trao đổi nội dung chủ đề: "Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với Hội đồng trường và Ban giám hiệu" nhằm tháo gỡ khó khăn của từng trường. Những vướng mắc của các trường sẽ được tổng hợp gửi tới Hiệp hội và các cơ quan Đảng, Nhà nước", Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế đã có phần trình bày tham luận về "Quản trị và tự chủ đại học đối với mô hình đại học 2 cấp: Đảng ủy - Hội đồng đại học - Ban Giám đốc và Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu".
Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho hay, hiện tại, mô hình đại học 2 cấp ở Việt Nam có 5 đơn vị, đó là 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng.
Đối với mô hình 2 cấp, Thủ tướng sẽ ra quyết định thành lập các trường đại học thành viên. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học thành viên của 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng.
"Trong Điều 7 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 đã quy định đại học quốc gia, đại học vùng thực hiện nhiệm vụ quốc gia, nhiệm vụ của vùng để phát triển kinh tế xã hội. Lợi thế của đại học vùng là đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14, mô hình giáo dục này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong vấn đề quản trị", Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho hay.
Theo Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, đối với cơ sở đào tạo đại học khi tự chủ quản trị cần phải thực hiện được các mục tiêu, chính sách quốc gia; duy trì chất lượng học thuật cao trong nhà trường và cải tiến liên tục; trung thực về tài chính, minh bạch tài chính trong các hoạt động nhà trường; thực hiện tốt nhiệm vụ quản trị và quản lý.
Nói về vai trò của Hội đồng đại học, Hội đồng trường trong quản trị và tự chủ, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho rằng, Hội đồng đại học, Hội đồng trường có trách nhiệm đưa ra sứ mệnh, kế hoạch, tầm nhìn chiến lược cho nhà trường; thiết lập và giám sát các hệ thống như tài chính, hoạt động, đánh giá và quản lý rủi ro, nguồn nhân lực và vật chất; giám sát hiệu suất của tổ chức, các thỏa thuận bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; khuyến khích phát triển các phương pháp để giám sát chất lượng dạy và học; sắp đặt các vị trí phù hợp để theo dõi hiệu suất của tổ chức.
Cần ban hành quy định về “Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu”
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đình Thi - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, để xây dựng mối quan hệ công tác đảm bảo sự phối hợp thuận lợi giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu thì tập thể lãnh đạo trường đại học cần ban hành quy định về “Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu” trong các trường đại học công lập.
Quy định cần phải làm rõ 3 nội dung: nguyên tắc quan hệ công tác, xác định vai trò của các bên liên quan, xác định rõ phạm vi quan hệ công tác của các bên liên quan.
Theo đó, mối quan hệ công tác giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận, tránh chồng chéo trong các mặt hoạt động giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu.
Thứ 2, bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên liên quan.
Thứ 3, trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các bên, cần trao đổi để đồng thuận giải quyết công việc trên cơ sở vì lợi ích chung của các bên có liên quan trường đại học.
Thứ 4, việc xử lý mối quan hệ công tác đối với các công việc cụ thể cần được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định của trường đại học.
Thứ 5, định kỳ hằng tháng hoặc trong trường hợp cần thiết, đảng ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu họp liên tịch để thống nhất về các mặt hoạt động, công tác chung của trường đại học.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, hiện nay, khái niệm tự chủ đại học chưa được hiểu thấu đáo, trên các văn bản quản lý nhà nước, khái niệm này cũng không nhất quán.
"Thực tế, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 chủ yếu tập trung tháo gỡ những vấn đề tự chủ đại học. Thế nhưng, ngoài tự chủ đại học, có rất nhiều vấn đề Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu đóng góp ý kiến. Hiệp hội cũng đã có văn bản chính thức về việc góp ý chỉnh sửa, rà soát lại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết thêm.