Vận chuyển vaccine COVID-19: Nhiệm vụ bất khả thi?
Ngành hàng không đang đứng trước nhiệm vụ thế kỷ với việc vận chuyển hàng tỷ lô vaccine chống COVID-19 tới mọi ngóc ngách trên thế giới.
Trong các nhà kho được làm mát ở rìa sân bay Frankfurt, các đội bay của Deutsche Lufthansa AG đang chuẩn bị cho nhiệm vụ nặng nề - vận chuyển hàng triệu liệu vaccine trong nỗ lực chấm dứt đại dịch toàn cầu.
Lufthansa, một trong những hãng vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới bắt đầu lên kế hoạch cho nhiệm vụ này từ tháng 4. Một nhóm chuyên trách gồm 20 thành viên của Lufthansa đang tính toán phương án chất hàng lên 15 chuyên cơ vận tải của hãng.
Lufthansa cũng với nhiều hàng bay khác khẳng định họ đã sẵn sàng cho nhiệm vụ vận chuyển khó khăn và khổng lổ sắp tới.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), việc cung cấp vaccine cho 7,8 tỷ người trên khắp thế giới cần tới 8.000 chiếc máy bay vận tải Boeing 747. Đây là một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, nó đang gặp phải loạt khó khăn khi nhiều hãng hàng không sa thải hàng loạt nhân viên và thu hẹp mạng lưới do nhu cầu di chuyển giảm.
"Đây sẽ là cuộc diễn tập hậu cầu lớn nhất là phức tạp nhất từ trước tới nay. Thế giới đang trông cậy vào chúng ta", ông Alexandre de Juniac - Giám đốc điều hành của IATA cho hay.
Katherine O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới ví nhiệm vụ phân phối vaccine sau quá trình phát triển kéo dài hàng tháng với việc chinh phục đỉnh Everest khi đã đặt chân tới các trại căn cứ.
Có khoảng 2.000 máy bay vận tải chuyên dụng đang được sử dụng, vận chuyển khoảng một nửa số hàng hóa bằng đường hàng không. 22.000 máy bay phản lực đảm nhận phần việc còn lại.
Các hãng hàng không dự kiến để khoảng 2.500 máy bay chở khách đảm nhận nhiệm vụ chở hàng, nhưng công việc phân phối vaccine sẽ dễ dàng hơn nếu các chuyến bay thương mại - một phần quan trọng của mạng lưới vận tải hàng hóa trên thế giới trở lại phục vụ.
Glyn Hughes, lãnh đạo bộ phận về vận chuyển hàng hóa của IATA cho rằng mấu chốt hiện nay là các chính phủ nên mở cửa trở lại để cho phép nhiều máy bay chở khách hơn được cất cánh trở lại.
Việc bảo quản vaccine cũng là một vấn đề nan giải. Như trường hợp của Pfizer-BioNTech SE, vaccine của hãng này phải được vận chuyển ở nhiệt độ - 70 độ C, lạnh hơn cả nhiệt độ mùa đông của Nam Cực.
Khi tới nơi, vaccine cần được chuyển vào tủ đông có nhiệt độ cực thấp hoặc trong tủ lạnh của các bệnh viện trong 5 ngày ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Việc đảm bảo dây chuyền đông lạnh như vậy đối với các vùng nóng ẩm như Nam Mỹ hay châu Phi là một bài toán nan giải.
“Chênh lệch nhiệt độ dù chỉ trong một phút, thậm chí tính bằng giây thôi cũng là không được phép”, Giám đốc công ty chuyển phát nhanh Biocard (Nga) Oleg Baykov cho biết.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque từng thừa nhận giữ dây chuyền bảo quản lạnh -70 độ C là vấn đề lớn đối với nước này.
"Chúng tôi không có cơ sở hạ tầng để đáp ứng... Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm, do đó rủi ro là khá cao", ông cho hay.
Trước thực tế này, Pfizer tạo ra loại hộp lạnh kích thước bằng một chiếc vali. Nó được sử dụng như một bộ phận lưu trữ tạm thời bằng cách đổ đầy đá khô trong tối đa 15 ngày. Sau khi rã đông, lọ dịch tiêm sẽ không thể đông lại.
Không nhiều máy bay trang bị hệ thống bảo quản nhiệt ở mức -70 độ C, nên nhiều hãng đang tính tới việc sử dụng hộp lạnh của Pfizer. Tuy nhiên, các hộp lạnh này sẽ làm tăng kich thước của các lô vaccine vận chuyển. Chưa kể tới mức chi phí đội lên nếu sử dụng thiết bị này.
Bất chấp những khó khăn trên, các công ty vận chuyển đang cấp tập cho việc vận chuyển và lưu trữ vaccine.
Hãng Dịch vụ bưu cục liên bang Mỹ đã xây dựng các cơ sở ở Louisville, Kentucky (Mỹ) và ở Hà Lan với tổng số 600 tủ đông lạnh sâu. Mỗi tủ có thể chứa 48.000 lọ vaccine ở nhiệt độ thấp tới - 80 độ C.
FedEx bổ sung tủ đông lạnh và xe tải lạnh vào mạng lưới dây chuyền đông lạnh vốn đã rộng khắp của mình.
"Chúng tôi chỉ đang đợi đến khi họ nói với chúng tôi rằng họ đã có vaccine và chúng tôi sẽ sẵn sàng phân phối chúng tới mọi nơi ở nước Mỹ. Chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp vaccine trên khắp thế giới", Richard Smith, người phụ trách nỗ lực cung cấp vaccine của của FedEx cho hay.
Nhưng kể cả khi FedEx cam kết đưa các viên đạn bạc tới khắp nơi, vận chuyển vaccine từ nơi sản xuất tới các vùng quê nghèo, hẻo lánh ở các nước kém phát triển là một thách thức lớn.
IATA thừa nhận, vận chuyển bằng đường bộ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là ở các nước có năng lực sản xuất vaccine trong nước. Thậm chí ở một số quốc gia, vaccine có thể sẽ phải vận chuyển "bằng chân" do địa hình phức tạp và các phương tiện không thể tiếp cận.
Khả năng giả mạo, đánh cắp vaccine, thậm chí cố gắng làm gián đoạn việc cung cấp cũng là một vấn đề đáng lo khác.
Ông Dominic Kennedy, giám đốc điều hành hàng hóa của hãng hàng không Virgin Atlantic Airways, một số công ty dược phẩm đang phải thuê các đội hộ tống an ninh ở đầu và cuối giai đoạn phân phối.
Dù vậy, De Juniac, giám đốc IATA khẳng định ngành công nghiệp hàng không đã sẵn sàng. Mọi việc chỉ đang chờ các liều vaccine đầu tiên ra lò để họ phân phối chúng tới khắp nơi trên thế giới.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/van-chuyen-vaccine-covid-19-co-la-nhiem-vu-bat-kha-thi-ar582917.html